1. Theo pháp luật thì người gây ra tai nạn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp này bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho bênh bị hại, còn bảo hiểm của người gây tai nạn sẽ bị hạ bậc SF-Klasse.
SF-Klasse (Schadensfreiheitsklasse) chỉ số bậc “không thiệt hại”, được tính bằng số năm bạn lái xe an toàn, không gây tai nạn. Qua càng nhiều năm unfallfrei (không tai nạn), thì SF-Klasse càng tăng, đồng nghĩa với việc tiền bảo hiểm phải đóng cũng giảm theo.
Với những người vừa có bằng lái và tự đứng bảo hiểm, sẽ bắt đầu bằng SF-Klasse 0, với mức bảo hiểm là Kfz-Haftpflichtversicherung bao gồm những chi phí bồi thường:
– Sửa chữa, đền bù xe của bên bị hại
– Về người của bên bị hại: bồi thường các khoản thất thu về thu nhập, tổn hại tinh thần và thể xác. Trường hợp gây thương tích lớn dẫn đến người bị hại mất khả năng lao động hoặc bị tàn phế, bảo hiểm có nghĩa vụ đảm nhận các phí tổn liên quan như tu sửa, thiết kế lại nhà ở, xe cộ phù hợp với người tàn tật và cả tiền hưu trí tàn tật cho đến hết cuộc đời.
– Tài sản của bên bị hại: tất cả mọi đồ đạc trong xe hoặc gắn liền với xe bị hại, nếu bị hỏng hóc cũng sẽ được bảo hiểm bồi thường.
!!! Một điều nhầm lẫn tai hại của nhiều người là họ cho rằng khi đóng bảo hiểm rồi thì xe đó đã được bảo hiểm và ai lái cũng được. KHÔNG! Kfz-Haftpflichtversicherung chỉ có hiệu lực cho xe được đăng kí bảo hiểm và người đóng bảo hiểm! Không có hiệu lực cho riêng chiếc xe và cho mọi người.
Trong trường hợp xe có nhiều hơn một người lái, bạn phải đăng kí thêm tài xế cho xe. Ở đây sẽ được chia thành 2 nhóm:
Tài xế là người thân, vợ chồng, con cái, những người trên 25 tuổi. Khi đăng kí mục này thì những người trên 25 tuổi đều được phép lái xe đó và có bảo hiểm đầy đủ. Mức bảo hiểm cho nhóm người này không quá đắt, chỉ rơi vào khoản 20-30€/nửa năm.
Tài xế dưới 25 tuổi. Ở đây thường phải khai rõ họ tên, ngày sinh. Bảo hiểm cho nhóm này khá là chát. Nhưng lợi thế là sau này khi người này tách ra, tự đứng bảo hiểm thì SF-Klasse cũng được tăng theo. Khuyến cáo những bạn mới có bằng, nếu có thể thì trước mắt nên ăn theo bảo hiểm xe của bố mẹ, anh chị chừng một năm rồi hãy tách ra. Lúc đó bảo hiểm các bạn phải đóng sẽ thấp hơn nhiều. Ngày xưa Ad cũng “ăn bám” Papi như thế, nên khi tách ra đỡ được bao nhiêu Bên cạnh Kfz-Haftpflichtversicherung với tính chất bắt buộc thì có hai loại bảo hiểm thông dụng khác thường được nhắc tới đó là: Teilkasko và Vollkasko
2. Teilkasko – Bảo hiểm bán phần Là bảo hiểm tự nguyện. Teilkasko có chế độ bồi thường thiệt hại cho xe chính chủ bảo hiểm trong trường hợp:
– Bị mất cắp, bị c...ư,,,ớp..
– Bị thiệt hại do cháy nổ, sét đánh
– Do thiên tai: mưa đá, gió bão, lũ lụt
– Vỡ kính xe
– Thiệt hại do động hoang dã
Tóm lại là thiệt hại không phải do mình gây ra. Mức bảo hiểm Teilkasko không phụ thuộc vào SF-Klasse, nhưng tuỳ thuộc vào hãng bảo hiểm và điều khoản trong hợp đồng về các khoản bồi thường. Nó cũng phụ thuộc vào thông số xe cũng như công suất chạy xe hàng năm.
3. Vollkasko – Bảo hiểm toàn phần hay còn gọi là bảo hiểm 2 chiều. Cũng như Teilkasko, đây là bảo hiểm tự nguyện. Vollkasko là loại bảo hiểm trọn vẹn, ngoài chế độ bồi thường của Teilkasko, Vollkasko còn có thêm các chế độ khác. Chẳng hạn như khi xe bị đập phá, hoặc khi xe bị hỏng hóc do tai nạn kể cả tự bản thân gây ra hoặc thủ phạm bỏ trốn, không có bảo hiểm. Tóm lại Vollkasko bồi thường cho thiệt hại của người mua bảo hiểm, dù cho đó thiệt hại do chính mình gây ra hay do bên khác gây ra. Mức bảo hiểm của Vollkasko phụ thuộc vào SF-Klasse. Ngoài ra còn thêm điều khoản Selbstbeteiligung (tự chi trả) được thoả thuận với bên bảo hiểm.
SB là hạn mức mà mình sẽ chịu khi có thiệt hại. Ví dụ SB là 300€, thì với những thiệt hại ít hơn 300€ mình sẽ tự chi trả, cao hơn 300€ thì bảo hiểm chi trả. Mức SB càng cao thì mức bảo hiểm Vollkasko càng ít.
4. Có nên mua bảo hiểm Teil- và Vollkasko? Cái đó dĩ nhiên tuỳ thuộc vào quyết định của bạn. Theo kinh nghiệm và nhìn nhận của Ad, thì bảo hiểm Teil- và Vollkasko cũng không hề rẻ. Vì thế chỉ nên áp dụng với những xe mới xuất xưởng, những xe còn mới và còn giá trị tương đối cao. Ansonsten lohnt es sich nicht!
5. Những bảo hiểm, dịch vụ khác đi kèm Ngoài 3 loại bảo hiểm kể trên thì hãng bảo hiểm cũng cung cấp thêm những bảo hiểm khác mà mình có thể mua kèm.
– Fahrerschutz – Bảo vệ tài xế Trong trường hợp này, với những tai nạn do mình gây ra hoặc không có người gây tại nạn, ví dụ như tông phải thú hoang, đâm vào cây etc. thì mình sẽ được nhận tiền bồi thường:
+ Mất thu nhập (Verdienstausfall)
+ Tiền đau đớn (Schmerzgeld)
+ Và những hệ luỵ đi kèm từ vụ tai nạn
– Kfz – Schutzbrief (Cái này quan trọng này :D) Kfz-Schutzbrief là dịch vụ hỗ trợ nhanh (Soforthilfe) mọi lúc mọi nơi. Nó bao gồm:
+ Pannenhilfe – cứu trợ khi xe gặp sự cố.
Trong trường hợp xe đang lưu thông trên đường như xảy ra sự cố, ví dụ như c..h.ế.t. m.á.y., hỏng hóc linh kiện, n..ổ lốp etc. Đừng ngần ngại gọi ngay cho hãng bảo hiểm để được trợ giúp. Với những hỏng hóc nhẹ có thể sửa ngay tại chỗ, thì nhân viên bên bảo hiểm sẽ sửa ngay để bạn có thể tiếp tục di chuyển. À dĩ nhiên là phí sửa chữa, linh kiện thay thế mình phải tự trả rồi.
*Khi gọi cho dịch vụ Pannenhilfe, bạn cần cầm sẵn trên tay: Số bảo hiểm, tên, ngày sinh. Ngoài ra phải miêu tả được xe: hãng xe, dòng xe, màu xe, biển số xe. Kế tiếp là miêu tả tình trạng sự cố, xe bị gì. Và cuối cùng là vị trí của bạn: địa chỉ, cao tốc số mấy, hướng đi đâu, gần tỉnh/thành nào, Ausfahrt vừa chạy qua, Ausfahrt kế tiếp… Miêu tả càng chính xác thì họ đến càng nhanh.
Tipp: nếu không nắm được rõ mình đang ở đâu, việc Ad hay làm là: đọc số Km. Nó là mấy cái bảng nhỏ, được gắn dọc lan can trên cao tốc.
Ví dụ: “Ich bin gerade auf der A24, Richtung Hamburg, bei dem Kilometer 45”
+Abschleppdienst
Với những hỏng hóc nặng hơn, xe sẽ được kéo/đưa về xưởng (Werkstatt) gần nhất để sửa. Điều hay ho là bạn sẽ không phải trả tiền cho dịch vụ kéo xe, vì nó thuộc về bảo hiểm. Ngoài ra bảo hiểm cũng chi trả chi phí thuê xe trong thời gian sửa xe, nhưng với điều kiện là Werkstatt có xe cho bạn mượn (trường hợp này hiếm lắm). Nếu không có xe, thì bạn có thể đi tàu đến nơi cần đến. Dĩ nhiên vé tàu cho chặng đi và cả chặng quay lại lấy xe, cả tiền Taxi đến bến tàu đều do bảo hiểm chịu và tính cho tất cả những người có mặt trên xe lúc đó. Trong trường hợp bạn không thể di chuyển tiếp (do quá muộn, không còn tàu xe) và phải ngủ lại qua đêm ở đó, thì hẳn nhiên chi phí khách sạn/nhà nghỉ cũng do bảo hiểm trả.
*Nhà Ad đã từng dính một phát và sử dụng chế độ này rồi. Hoàn tiền trong chớp mắt, thủ tục đơn giản. Chỉ cần Werkstatt viết 1 tờ giấy, gửi kèm với các loại vé tàu, hoá đơn đến hãng bảo hiểm và chờ tiền về là xong. Vậy nên tuy có chút bực bội vì sự cố, nhưng cứ entspannt và “hưởng thụ” thôi hihi.
– Auslandsversicherung – Bảo hiểm ở nước ngoài. Khỏi cần nói nhiều. Những ai có ý định chạy xe sang nước khác chơi thì nên/phải mua gói bảo hiểm này. Chỉ thêm chừng 5€/nửa năm đã mang về cho mình sự yên tâm. Nó bao gồm chế độ như Haftpflichtversicherung, ngoài ra trong trường hợp tai nạn mà không phải lỗi do mình thì mình sẽ được đền bù cả thiệt hại về tài sản ví dụ như quần áo, hành lý. Ngoài ra còn có những gói bảo hiểm khác như: Unfallmeldienst, Rabattschutz, Mallorcapolice nhưng sau một hồi suy ngẫm, nghiên cứu, Ad xét thấy nó cao siêu quá, chả cần đến. Nên thôi, bỏ qua
6. ADAC Một câu hỏi mà Ad hay được hỏi đó là: có cần mua ADAC không?
ADAC là viết tắt của “Allgemeiner Deutscher Automobil-Club”, (tạm dịch: Câu lạc bộ Ô tô Đức). Dĩ nhiên một câu lạc bộ thì có rất nhiều chức năng, dịch vụ. Nhưng ADAC phần lớn được biết đến là dịch vụ kéo xe, sửa xe khi có sự cố, chính xác là Pannenhilfe. Vì vậy mọi người đều “sắm” ADAC cho mình để an tâm khi lưu thông và không sợ sự cố. Cái này không hề sai. Nhưng sẽ là sai nếu gói bảo hiểm của bạn đã có Kfz-Schutzbrief nói trên. Như thế là bạn sẽ trả tiền 2 lần cho 1 dịch vụ.
Có người nói rằng, ADAC phủ sóng khắp nơi, lúc có sự cố thì trợ giúp nhanh. Cái này thì Ad không phủ nhận. Các hãng bảo hiểm khác thì Ad không biết, nhưng Ad xài bảo hiểm của HUK Coburg thì cực kì hài lòng.
Mấy lần sự cố, gọi điện thoại họ đều đến rất nhanh. Nó cũng tuỳ thuộc vào địa điểm của mình lúc đó và phụ thuộc vào việc mình miêu tả vị trí chính xác đến đâu. Ví như trong thành phố, có địa điểm cụ thể, địa chỉ rõ ràng thì sẽ nhanh hơn là trên cao tốc hay đường tỉnh lộ, nơi mà mình chỉ ước lượng được vị trí gần chỗ này, chỗ kia, hướng đi. Thời gian di chuyển lên cao tốc hẳn nhiên cũng lâu hơn rồi. Nhưng nhìn chung thì họ tốn khoản một tiếng để tới chỗ mình. Đó là theo trải nghiệm của Ad nha!
© 2024 | Thời báo ĐỨC