Dịch COVID-19: Người dân Đức sẽ phải nộp phạt tới 540 USD nếu đứng quá gần nhau

Bắt đầu từ ngày 2/4, người dân Đức sẽ phải nộp phạt lên tới 500 euro (540 USD) nếu đứng quá gần nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu trong giao tiếp xã hội.

Đây là một phần trong chủ trương của giới chức xử lý nghiêm những người cố tình phớt lờ những quy định nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài nếu thật cần thiết như mua nhu yếu phẩm, tập thể dục hay khám bệnh. Việc tụ tập quá hai người trở lên đều bị cấm và mọi người phải luôn giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m với nhau. Các chính quyền địa phương có quyền phạt những người vi phạm và phiếu phạt có thể lên tới 500 euro. Những thông báo tương tự cũng đã được đưa ra trên khắp 16 bang của nước Đức.

Bang Hessen, nơi có trung tâm tài chính Frankfurt, và bang Nordrhine-Westfalen đã thông báo phạt tiền lên tới 200 euro đối với những người tụ tập thành nhóm trên hai người.

Trong khi đó, tại Bayern, bang lớn nhất nước Đức vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dịch COVID-19 với hơn 18.000 ca mắc, những người đứng cách nhau dưới 1,5m có thể bị phạt 150 euro (161 USD).

Hình ảnh những hàng người đứng cách xa nhau bên ngoài các siêu thị và hiệu thuốc đã trở nên phổ biến tại Đức. Tuy nhiên, cảnh sát Đức vẫn ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm.

132 1 Dich Covid 19 Nguoi Dan Duc Se Phai Nop Phat Toi 540 Usd Neu Dung Qua Gan Nhau

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Erfurt, Đức, ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng trong ngày 2/4, Thủ tướng Merkel đã rời khỏi nhà sau hai tuần tự cách ly do tiếp xúc với một bác sĩ mắc COVID-19. Người phát ngôn Thủ tướng Steffen Seibert cho biết nhà lãnh đạo Đức đã quay lại văn phòng làm việc và sẽ điều hành đất nước qua các cuộc họp trực tuyến. Trong thời gian cách ly, Thủ tướng Merkel vẫn làm việc bình thường. Bà đã được xét nghiệm một vài lần và tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo số liệu của Viện Kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (RKI), tính tới ngày 2/4, Đức đã ghi nhận gần 80.000 ca mắc COVID-19 và 1.017 ca tử vong. Người đứng đầu RKI Lothar Wieler cho biết các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả khi tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm hơn. Ông đồng thời nhấn mạnh các quy định được áp đặt để kiểm soát dịch COVID-19 vẫn cần được duy trì và còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng.

Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer thông báo sẽ thay đổi hình thức kỳ thi lấy bằng Baccalauréat (thường gọi tắt là BAC) của học sinh phổ thông trung học để được xét tuyển vào các trường đại học.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Blanquer cho biết kỳ thi này sẽ được thay thế bằng các phương thức khác như các bài kiểm tra tiến độ học tập thường xuyên và Pháp sẽ tăng cường mở các lớp học để bù cho thời gian nghỉ do dịch.

Các trường học và đại học Pháp đã đóng cửa từ đầu tháng Ba. Bộ trưởng Blanquer cho biết việc cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng Năm này mới chỉ là “giả định”.

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập Kemal Kilicdaroglu đã kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ người lao động.

Trao đổi với báo giới, ông Kilicdaroglu cho biết khoảng 400.000 doanh nghiệp đã đóng cửa do dịch bệnh, khiến nhiều người lao động được trả lương theo ngày như các tài xế xe buýt trường học hay thợ cắt tóc thất nghiệp. Ông nêu rõ: “Số người làm những công việc trên và hiện thất nghiệp đã vượt quá 2 triệu người. Họ sẽ được hưởng tiền thất nghiệp từ quỹ thất nghiệp trong một thời gian ngắn, song không có điều gì bảo đảm sau đó”.

Tới nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 350 người tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi số ca nhiễm đã tăng lên 18.000 người. Chính quyền Ankara đã thông báo gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ lira (15 tỷ USD) nhằm tiếp sức cho nền kinh tế cũng như triển khai chiến dịch quyên góp để huy động quỹ lên tới 847 triệu lira dành cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Nguồn: baotintuc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày