Quá trình nộp giấy tờ tưởng khó khăn vất vả. Nhưng thực ra vô cùng đơn giản. Ban đầu bọn mình cũng hoang mang lắm, lo lắng tìm hiểu, đọc các loại post hỏi đáp.
Cũng vì nhiều tin đồn không hay về Lãnh sự quán tại Frankfurt nên càng làm hai đứa hoang mang. Vậy mà khi bắt đầu làm thì lại thấy bình thường, trôi chảy.
Để tránh tình trạng hoang mang vô ích thì mình sẽ chia sẻ quá trình đó nhé.
Xin được lưu ý: bài viết nói về việc đăng kí kết hôn của hai công dân Việt Nam. Không có yếu tố nước ngoài.
1. Giấy tờ cư trú của bọn mình đang như thế nào?
Mình sau khi đi làm 2 năm thì vừa có Niederlassung (giấy phép cư trú vô thời hạn – unbefristet) hồi tháng 3.2019. Fiancé đang có giấy phép cư trú sinh viên (học Master)
Mình chỉ nói qua về giấy tờ cư trú của hai đứa mình thôi. Giấy tờ cư trú theo điều gì không làm ảnh hưởng đến quá trình đăng kí kết hôn. Bất kì công dân Việt Nam nào, có giấy phép cư trú hợp pháp đều làm theo các bước này nhé.
2. Tại sao lại dkkh ở Lãnh sự quán tại Frankfurt?
Tại CHLB Đức có Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và Tổng Lãnh sự quán ở Frankfurt. Tùy vào nơi ở của bạn mà đến Berlin hay Frankfurt. Bọn mình ở Nürnberg nên mọi thủ tục liên quan đến Việt Nam sẽ làm tại Lãnh sự quán ở Frankfurt.
Website của Tổng lãnh sự quán ở đây nhé. http://vietnam-generalkonsulat.de/tonglanhsuquan/index.html Cả hai bọn mình đều là công dân Việt Nam (Passport Việt Nam) vậy nên làm mọi thủ tục tại cơ quan hành chính của Việt Nam sẽ tiện hơn.
Không cần dịch công chứng các loại giấy tờ sang tiếng Đức.
3. Giải thích một số giấy tờ
Mọi người đừng hoang mang tìm nguồn không chính thức cũng như đi qua dịch vụ làm gì. Mọi thông tin đều được viết rất rõ ràng trên trang web của Lãnh sự quán. Các bạn hãy đọc ở đây nhé.
http://vietnam-generalkonsulat.de/tonglanhsuquan/lanhsu/lanhsu.htm
Cứ làm theo hướng dẫn trong đó là đủ hết.
Dưới đây mình sẽ viết một số lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ. Những cái này là bọn mình gặp phải trong lúc làm.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân Trong hướng dẫn của Tổng Lãnh sự quán cũng ghi rõ là phải xin ở đâu. Giấy này có thể ủy quyền cho bố/mẹ ruột làm (ủy quyền không cần công chứng, chứng thực chữ ký). Nếu ủy quyền cho người không phải bố/mẹ ruột thì phải đi công chứng giấy ủy quyền và chứng thực chữ ký. Mình ủy quyền cho mẹ ở VN làm. Mình phải viết 1 giấy ủy quyền có chữ kí của mình và gửi bản viết tay đó về VN. Mẫu giấy ủy quyền có rất nhiều trên mạng. Ví dụ ở đây.
https://luatminhkhue.vn/bieu-mau-luat-dan-su/mau-giay-uy-quyen-giua-ca-nhan-voi-ca-nhan.aspx
Ở VN mẹ ra Uỷ Ban nhân dân Phường nơi mình ở hồi trước khi sang Đức làm việc. Bây giờ mọi thứ đều làm online rồi. Mẹ mình lên mạng, theo link cho trước, điền đơn, scan giấy tờ liên quan. Sau đó gửi đi thôi. Khi có hẹn đến lấy thì cầm bản gốc đi để đối chiếu.
Các bạn nên nhắn người thân ra hỏi kĩ nhé.
Lưu ý: cần có đầy đủ passport hoặc CMND của mẹ và mình, sổ hộ khẩu để chứng minh quan hệ mẹ-con, giấy ủy quyền bản gốc.
Thời gian chờ là khoảng 1 tuần. Có mã số để mình kiểm tra quá trình làm việc luôn. Hiện đại lắm rồi.
Lưu ý với bạn nữ: phải xin từ ngày bạn tròn 18 tuổi cho đến khi lên máy bay sang Đức. Ví dụ 12.03.2009 mình tròn 18 tuổi (theo luật hôn nhân gia đình tại VN thì là đủ tuổi đkkh). 15.09.2010 mình lên máy bay sang Đức. Vậy là giấy xác nhận cho khoảng thời gian từ 12.03.2009 đến 15.09.2010 mình chưa kết hôn với ai.
Lưu ý với bạn nam: luật hôn nhân VN quy định nam 21 tuổi mới đủ tuổi đkkh. Vậy khoảng thời gian xác nhận sẽ từ khi bạn đủ 21 tuổi đến khi lên máy bay sang Đức. Nếu bạn sang Đức trước 21 tuổi thì không cần xin giấy này. Nhưng phải có chứng minh ngày tháng bạn sang Đức (ví dụ dấu nhập cảnh vào Đức lần đầu tiên có ngày tháng, hoặc giấy đăng kí tạm trú lần đầu tiên – Meldebescheinigung). Ví dụ chồng mình sang Đức lúc 19 tuổi nên không cần xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và có dấu nhập cảnh vào Đức lần đầu để chứng minh điều đó.
Giấy chứng nhận đăng kí thường trú có ghi rõ tình trạng hôn nhân (Meldebescheinigung mit Familienstand) Giấy này các bạn xin ở nơi bạn đăng kí thường trú (Anmeldung). Khi xin nói rõ là để đăng kí kết hôn (Eheschließung). Cũng có thể làm online. Ví dụ ở Nürnberg là lên website của Einwohneramt và làm đơn online luôn, lệ phí 5€.
Mẫu xin đơn tại Nürnberg
Khi nhận giấy nhớ kiểm tra kĩ xem có Familienstand không nhé. Quan trọng nhất mục đó.
Lưu ý: Einwohneramt nào chỉ xác nhận thời gian ở thành phố đó. Nói dễ hiểu thì Einwohneramt Nürnberg chỉ xác nhận cho thời gian mình ở Nbg. Thời gian trước đó ở đâu thì đi xin ở đó. Cũng may mình chỉ ở có 2 nơi là Coburg và Nürnberg.
Mình xin giấy này ở Einwohneramt Nürnberg nên trong giấy chỉ liệt kê:
– nhà ở Coburg ngay trước khi mình chuyển đến Nbg. – 3 nhà mình từng ở Nbg.
Cái này khó khăn cho các bạn chuyển nhà nhiều lần, nhiều thành phố. Khi đó phải liên lạc với tất cả các nơi để xin giấy. Ví dụ bạn từng ở các thành phố A B và bây giờ ở C. Thì Einwohneramt C chỉ xác nhận cho khoảng thời gian ở C và cái nhà cuối cùng ở B. Vậy những nhà trước ở B và A bạn sẽ phải tự liên lạc với Einwohneramt A và B. Các bạn nên xin đầy đủ, không có khoảng trống thời gian. Như vậy sẽ dễ dàng hơn cho bạn và Lãnh sự quán trong việc kiểm tra hồ sơ.
Giấy xác nhận của cơ quan y tế Cái này là một cái giấy khám sức khoẻ bình thường thôi và dành cho việc kết hôn với người có Niederlassung. Vì mình có Niederlassung nên chồng phải ra Hausarzt và trình bày cần khám cơ thể không có bệnh và tâm lý bình thường ổn định để kết hôn. Bác sĩ sẽ khám qua, nói chuyện và cho 1 tờ giấy Attest kí tên là xong.
4. Quá trình nộp hồ sơ
Bọn mình chuẩn bị tất cả các loại giấy tờ được yêu cầu.
Photo mỗi thứ 1 bản, KHÔNG CẦN CÔNG CHỨNG. Tất cả bản photo sắp xếp theo thứ tự, phân loại 1 tập của mình, 1 tập của chồng. Viết 1 thư tay trình bày tập hồ sơ là gì, gồm những gì, cách thức liên lạc với bọn mình và nguyện vọng có hẹn trong khoảng thời gian nào. Cho tập hồ sơ photo và thư tay vào phong bì to, gửi bưu điên đến Lãnh sự quán theo địa chỉ được ghi trong tờ hướng dân. Sau đó 2 tuần bọn mình gọi điện theo số điện thoại trong tờ hướng dẫn hỏi về tình hình hồ sơ. Mình phải chủ động gọi nhé. Khi gọi nên nói lịch sự, nhẹ nhàng, không có thái độ hối thúc. Các chị nghe điện thoại cũng dễ thương lắm. Khi đó hồ sơ thiếu gì sẽ được nhắc để bổ sung ngay. Còn đủ thì sẽ được xếp lịch hẹn. Bọn mình có hẹn sau khi gọi điện 3 ngày. Đến ngày hẹn mang toàn bộ giấy tờ bản gốc theo để đối chiếu.5. Ngày hẹn
Bọn mình có hẹn lúc 11h. Hôm đấy hai đứa lái xe sớm từ Nürnberg, đến nơi là 10h30. Các bạn nếu đi xe thì nên tính cả thời gian tắc đường nhé. Hôm đó bọn mình tính là khoảng 9h30 là đến rồi mà vì tắc đường mà chậm hẳn 1 tiếng. May mà đi sớm.
Đến nơi, lấy số, vào trình bày là có hẹn đkkh và đưa hồ sơ gốc để họ kiểm tra trước. Thời gian chờ hơi lâu, đến 12h30 mới được lên phòng ngồi chờ phỏng vấn. (lại chờ ?) Trước mình có 1 đôi cũng đkkh nên đến 13h30 gì đó mới đến lượt bọn mình vào nói chuyện.
Bọn mình phỏng vấn cùng bác Giang – Tổng lãnh sự, khoảng 1 tiếng. Các câu hỏi đơn giản kiểu tên gì? Ở đâu? Sang Đức khi nào? Làm gì từ trước đến giờ? Học gì? Đi làm ở đâu? Làm bao lâu rồi? Bố mẹ làm gì? Ở đâu? Và nói chuyện phiếm về tình yêu hai đứa ?
Sau khi phỏng vấn bọn mình được hẹn 15h quay lại kí giấy. Và đúng 15h quay lại thì được gọi tên vào kí lên hai tờ giấy chứng nhận kết hôn. Bút sa gà chết mà hai con gà này cười phớ lớ ? Xong xuôi đóng lệ phí 250€ và nhận 2 bản giấy chứng nhận kết hôn tiếng Việt, 2 bản tiếng Đức.
6. Bonus
Lãnh sự quán là một Villa nằm ở đường siêu đẹp, các nhà xung quanh cũng đẹp. Bên trong Villa cũng đẹp. Trong thời gian chờ phỏng vấn có thể sống ảo ầm ầm.
Các chị làm việc ở đó dễ thương nhẹ nhàng lắm. Không như những lời đồn thổi đâu. Hãy lịch sự nhẹ nhàng thì các bạn cũng nhận lại được điều tương tự.
Trên đây là hành trình đi đăng kí kết hôn của bọn mình. Mong rằng blog này sẽ cung cấp thông tin cho bạn nào cần. Một lần nữa nhấn mạnh: Các bạn đừng hoang mang khi làm thủ tục tại Tổng Lãnh sự quán tại Frankfurt. Mọi thông tin và cách làm đều được hướng dẫn cụ thể ở website rồi.
Nguyễn Văn Ngọc
© 2024 | Thời báo ĐỨC