Cần biết gì trước khi cho con đi niềng răng?

Tại Đức, cứ hai trẻ em thì có một trẻ được cha mẹ đưa đến bác sỹ răng hàm mặt để chỉnh sửa răng. Dịch vụ niềng răng tại đây thông thường khá đắt đỏ.

132 1 Can Biet Gi Truoc Khi Cho Con Di Nieng Rang

Ảnh minh họa: pixabay.com

Theo Viện Nghiên cứu Sức Khỏe và Xã hội (viết tắt là IGES) đánh giá từ một khảo sát của Bộ Y Tế liên bang, thì cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào chỉ ra rằng, việc chỉnh sửa hàm răng bị lỗi bằng các loại niềng và kẹp răng cố định hoặc tự cài (không cố định, tự tháo ra cài vào được) liệu có thể ngăn chặn các bệnh như viêm/sưng nướu răng hay bị rụng răng sớm không? Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo nên tìm hiểu kỹ xem con mình thật sự cần hay không cần những phương pháp điều trị nào. Tuy nhiên, Bộ Y Tế liên bang cũng khẳng định, dịch vụ chỉnh sửa răng hàm mặt là cần thiết, mặc dù chưa có đủ những nghiên cứu dài hạn trong lĩnh vực này.

Khi nào bảo hiểm chi trả

Về vấn đề chi phí, các quỹ bảo hiểm y tế của nhà nước sẽ chỉ nhận chi trả một phần nào cho dịch vụ chỉnh sửa răng, tùy theo mức độ răng mọc lỗi nặng hay nhẹ, có ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tâm lý của trẻ không? Cha mẹ và gia đình được tự do lựa chọn bác sỹ răng hàm mặt theo ý mình. Trong trường hợp bác sỹ răng hàm mặt đầu tiên chuẩn đoán răng mọc lỗi không nghiêm trọng lắm, cha mẹ có thể đến gặp một bác sỹ thứ hai để xin thêm ý kiến. Nếu hai ý kiến trái ngược nhau, quỹ bảo hiểm y tế sẽ tự gửi một chuyên viên giám định đến khám và đo lại.

Nếu trẻ cùng lúc bị hai hay nhiều lỗi như răng hô và răng mọc thừa, lộn xộn, răng mọc lệch … thì chỉ cần một trong những lỗi đó đạt “chỉ tiêu” của quỹ bảo hiểm đặt ra, là quỹ cũng sẽ chi trả toàn bộ dịch vụ sửa răng. Đối với trẻ thuộc các quỹ bảo hiểm tư nhân thì các “chỉ tiêu” xét duyệt được nới lỏng hơn, dù vậy các quỹ này cũng chỉ chi trả cho những lần điều trị cần thiết. Người trưởng thành chỉ được nhận lại chi phí sửa hàm răng, nếu răng mọc lỗi quá lớn, vừa phải phẫu thuật chỉnh hình, vừa phải sử dụng công cụ niềng và kẹp răng mới chỉnh được.

Các bước thực hiện

Trước tiên, bác sỹ răng hàm mặt sẽ viết một bản kế hoạch điều trị và nói chuyện với bệnh nhân của mình về các phương pháp cũng như quá trình chỉnh sửa hàm răng lỗi. Sau đó, bác sỹ răng hàm mặt sẽ gửi bản kế hoạch đó tới quỹ bảo hiểm y tế của bệnh nhân. Các quỹ y tế nhà nước chỉ chi trả cho phương pháp điều trị thích hợp có giá phải chăng nhất. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân hoặc cha mẹ của trẻ phải thanh toán trước 20% – từ người con thứ hai thì là 10%. Bệnh nhân sẽ được nhận lại khoản tiền này, sau khi điều trị kết thúc thành công. Riêng chi phí phẫu thuật sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán ngay.

Những khoản phụ phí hoặc phí phát sinh thêm sẽ do bệnh nhân phải tự chi trả – mỗi lần điều trị có thể tốn kém hàng trăm Euro, vì thế các chuyên gia vẫn khuyên nên tìm thêm bác sỹ thứ hai để hội ý. Bởi việc chỉnh sửa răng mọc lỗi có thể kéo dài nhiều năm, mà bệnh nhân chỉ được phép đổi bác sỹ răng hàm mặt trong trường hợp chuyển nhà hoặc trong những trường hợp vô cùng bất đắc dĩ. Nếu không thực hiện đúng qui định của các quỹ bảo hiểm y tế, bệnh nhân sẽ bị mất toàn bộ 20% khoản tiền tạm ứng trước nói trên. Ngược lại, bệnh nhân được quyền đổi quỹ bảo hiểm y tế trong quá trình điều trị. Theo báo Finanztest, các khoản bảo hiểm phụ cho việc chỉnh sửa răng hàm mặt chỉ thật sự có lợi cho các bệnh nhân nhỏ hơn 5 tuổi. Đối với trẻ em lớn hơn 5 tuổi hoặc người lớn thì những bảo hiểm phụ này không dùng được, bởi các hãng bảo hiểm sẽ không chi trả cho dịch vụ chỉnh sửa những lỗi đã có sẵn vào thời điểm ký hợp đồng. Cách để tìm hiểu chi phí tốt nhất là hỏi bạn bè, những người đã có kinh nghiệm, nhờ bác sỹ gia đình tư vấn cho một bác sỹ răng hàm mặt thật tốt.

Những câu hỏi quan trọng cần biết từ bác sỹ răng hàm mặt gồm: Bác sỹ chẩn đoán răng của tôi chính xác là bị lỗi gì? Cần chỉnh sửa những gì? Như thế nào? Những điều trị nào là cần thiết đứng về mặt bệnh lý? Những kết quả điều trị đạt được sẽ theo những khoảng thời gian nào? Có thể xảy ra sự cố gì trong quá trình điều trị? Còn có phương pháp nào khác và sử dụng những vật liệu nào khác mà tôi có thể lựa chọn không? Mỗi phương pháp sẽ tốn bao nhiêu tiền và quỹ bảo hiểm y tế nhận trả bao nhiêu phần? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu giữa chừng, tôi tạm lùi hoặc hủy bỏ quá trình điều trị?

Bình Minh

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày