Quyết định bất ngờ
Tháng 7/1941, Bộ trưởng không quân Đức Quốc xã Hermann Goering thuyết phục Hitler tin rằng, không quân Liên Xô trên thực tế đã bị tiêu diệt hoàn toàn và không còn là mối nguy hiểm cho quân đội Đức, và sẽ không còn một chiếc máy bay nào của đối phương có khả năng bay đến Berlin.
Những lời này đã trấn an cả Quốc trưởng Hitler lẫn người dân thủ đô của Đức. Thành phố sống trong yên bình, khi nhà hàng, quán cà phê, rạp hát và câu lạc bộ thể thao vẫn hoạt động bình thường. Người dân Berlin dường như quên rằng, cách họ chưa đầy 1000 km về phía Đông đang nổ ra cuộc chiến tranh đẫm máu.
Đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8/8/1941, Berlin bị rung chuyển bởi những tiếng nổ của bom trái phá. Sáng hôm sau, báo chí Đức buộc tội không quân Anh đã ném bom Berlin, cho rằng, 150 máy bay của Anh đã xâm nhập không phận thành phố, bị lực lượng phòng không Đức bắn rơi 6 chiếc và có dân thường thương vong.
Phía Luân Đôn thắc mắc:
“Thông báo của Đức về đợt oanh tạc Berlin là khó hiểu, bởi ngày 7 và 8-8-1941, không quân Anh không có chiếc máy bay nào cất cánh khỏi các sân bay của mình do thời tiết không thuận lợi”.
Mãi đến ngày 7/11/1941, người Anh mới tiến hành không kích xuống thủ đô của Đức Quốc xã. Khi đó, tình báo Đức buộc phải công nhận rằng, trận không kích vào Berlin có sự tham gia của các máy bay ném bom Liên Xô.
Ý tưởng về việc tấn công Berlin được các quân nhân thuộc Hạm đội Baltic Liên Xô nghĩ ra khi tiến hành chiến dịch ném bom xuống căn cứ không quân Pillau của Đức tại Đông Phổ (nay là pháo đài ở thành phố Baltiysk thuộc tỉnh Kaliningrad, Nga). Người đầu tiên đề xuất chuyển hướng ném bom xuống Berlin là Tư lệnh không quân thuộc Hạm đội Hải quân Liên Xô, Trung tướng Semen Zhavoronkov.
Máy bay Liên Xô trên bầu trời Berlin. Nguồn: russian7.ru .
Ý tưởng này đã được trình lên Chỉ huy Hạm đội Hải quân Liên Xô, Đô đốc Nikolai Kuznetsov. Về sau ông kể lại rằng, lúc đầu xuất hiện những nghi ngờ về khả năng máy bay tiếp cận được thủ đô của Đức Quốc xã, tuy nhiên, khi đưa vấn đề này ra lấy ý kiến, thì mọi người quyết định, trong trường hợp nếu sau cuộc không kích mà bay trở về được một trong những sân bay trên quân đảo Moonsund, thì sẽ có cơ hội. Ý tưởng này được báo cáo lên nhà lãnh đạo Joseph Stalin.
Và ngay ngày hôm sau, Trung đoàn mìn-thủy lôi số 1 thuộc Sư đoàn không quân số 8 của Hạm đội Baltic đã nhận lệnh tiến hành ném bom Berlin.
Làm tê liệt bằng truyền đơn
Quyết định cất cánh từ sân bay Kagul trên đảo Ezel (nay là đảo Saaremaa của Estonia) đã được thông qua. Đây là điểm cực Tây mà quân đội Liên Xô có thể kiểm soát, mặc dù trên thực tế điểm này nằm trong vùng hậu phương của kẻ địch. Trong những ngày đầu tháng 8/1941, phi công của Trung đoàn mìn-thủy lôi số 1 thuộc Không quân Liên Xô, do Đại tá Evgeny Preobrazhensky chỉ huy, đã chuyển đến đó làm căn cứ.
Cổng Brandenburg giữa những tàn tích của chiến dịch Berlin,
Tàn tích của các tòa nhà và xe cộ ở Berlin sau các cuộc không kích của Anh-Mỹ vào ngày 3 tháng 2 năm 1945
Để đến được Berlin và quay trở về, phi công Liên Xô phải bay qua chặng đường dài 1.800 km, phần lớn là qua biển Baltic. Hành trình bay gồm: Ezel – đảo Rugen – nơi hợp lưu sông Warta và Oder – Berlin. Tất cả đều hiểu rằng, bay đến thủ đô Đức Quốc xã vào ban ngày là rất dễ phát hiện, do máy bay ném bom tầm xa Il-4 của Liên Xô vốn bay rất chậm, nên có thể rơi vào hỏa lực pháo cao xạ của quân địch trước khi đến Berlin. Trong khi đó, lựa chọn bay đêm là không thể.
Vào 9 giờ tối ngày 7/8/1941, 15 máy bay ném bom của Liên Xô không những được cài bom, mà còn có cả truyền đơn, cất cánh làm nhiệm vụ chiến đấu. Chiếc chỉ huy do đích thân Đại tá Evgeny Preobrazhensky điều khiển. Chuyến bay diễn ra ở chế độ tắt sóng vô tuyến, nên đòi hỏi phi công phải đồng bộ các hoạt động ở mức tối đa, bởi bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Để các hệ thống phòng thủ và máy bay tiêm kích của kẻ địch không vươn tới được, các phi công bay ở độ cao 7 km, nơi nhiệt độ không khí giảm xuống âm 40 độ C. Trong điều kiện không khí như vậy, không những kính buồng lái, mà còn kính đeo mắt trên mũ phi công cũng bị phủ sương muối, phi công buộc phải đeo mặt nạ dưỡng khí.
Khi bay tới Berlin, phi đội Il-4 bị trạm vô tuyến định vị của kẻ địch phát hiện. Tuy nhiên, quân Đức khi đó do bị chính phía mình tuyên truyền là đã đánh bại không quân của Liên Xô, nên cứ nghĩ mọi việc đều ổn. Họ đã tưởng lầm máy bay ném bom Liên Xô là máy bay của quân mình và ra hiệu đáp xuống một sân bay gần nhất. Không nhận được tín hiệu trả lời, phía địch hoàn toàn không để ý đến phi đội bay của Liên Xô đang tiến thẳng vào trái tim của Đức Quốc xã. Chỉ sau khi những quả bom đầu tiên đã ném xuống Berlin, quân Đức mới kịp trấn tỉnh lại.
Rõ ràng, Bộ tư lệnh Đức vốn luôn tin vào sự bất khả xâm phạm của Berlin, nên đã không quan tâm đến sự ngụy trang ánh sáng. Các phi công Liên Xô kể lại rằng, họ thấy rõ cả những chi tiết như hình đường cung của xe điện đang di chuyển. Tuy nhiên, Berlin khi đó còn bùng cháy dữ dội hơn, đó là những đám cháy do các vụ nổ bom FAB-100 nặng 250 kg gây ra. Những quả bom này được ném xuống các cơ sở công nghiệp quân sự của Đức. Cuộc không kích Berlin được thực hiện không chỉ bởi 5 máy bay của Liên Xô, mà 10 chiếc còn lại buộc phải ném bom xuống thành phố cảng Szczecin do còn ít nhiên nhiệu dự trữ.
Hệ thống phòng thủ của Đức Quốc xã kịp nhận ra khi các máy bay ném bom Liên Xô bay ngược trở lại. Điều kỳ lạ là, hỏa lực dồn dập của pháo cao xạ Đức chỉ bắn tới được một chiếc máy bay, đó là máy bay dưới sự điều khiển của Aleksandr Kurban, người sau đó đã kịp bay về đến lãnh thổ Liên Xô. Trong quá trình triển khai chiến dịch này, không một phi công nào của Liên Xô bị thương vong.
“Địa ngục trần gian”
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các máy bay ném bom của Liên Xô bay trở về sáng ngày 8/8/1941. Một giờ sau, Phòng thông tin Liên Xô phát đi tin vắn thông báo cho người dân trong nước về việc thực hiện thành công nhiệm vụ ném bom Berlin. Kể từ lúc này, cuộc sống của người dân thủ đô Đức không còn yên bình nữa. Giờ đây, họ lo lắng nhìn lên bầu trời khi có bất kỳ âm thanh của động cơ nào, còn trong trường hợp nguy hiểm thì họ sẵn sàng chạy xuống hầm trú ẩn.
Có nhiều bức thư được người dân Đức được gửi đi, trong đó họ chia sẻ cảm xúc mạnh của mình về khoảng thời gian này. Trong đó có bức thư của cô Annie viết cho chồng mình là Ernest đang ở ngoài mặt trận. Bức thư nói rằng, họ đang trả giá đắt cho cuộc chiến tranh với Nga: Chừng mới hơn 1 tháng chiến tranh, nước Đức đã mất đi hàng trăm nghìn công dân và đã khiêu khích nhiều cuộc ném bom đáp trả của không quân Liên Xô “làm rung chuyển Berlin”. “Mặc dù chính quyền có cam kết, song tất cả đều được biết rằng, vào đêm rạng sáng ngày 8/8/1941, Berlin không những bị người Anh dội bom, mà còn có cả người Nga trả thù cho Moskva”, cô Annie viết.
Vợ người lính Đức buồn bã viết: “Các anh động chạm đến người Nga để làm gì? Chẳng lẽ không thể tìm lấy một thứ gì đó bình yên hơn?... Tất cả chúng em đang sống như địa ngục trần gian”. Cô Annie công nhận rằng, sau cuộc ném bom đầu tiên, mọi người không còn ngủ yên giấc, đặc biệt là những ai làm việc tại nhà máy hoặc sống cạnh nhà máy, đều phải chịu một cuộc sống nặng nề, bởi phần lớn các cuộc không kích đều nhằm vào đây. Annie tỏ ra lo sợ, bức thư của cô khi đến được chồng mình thì cô không còn trên thế gian nữa.
Một người dân khác của Berlin là cô Louise, viết thư cho chồng mình: “Anh Henry yêu mến!... Chúng em đang ngồi dưới tầng hầm. Ở đây bom đang nổ. Nhiều nhà máy bị phá hủy. Chúng em mệt mỏi và kiệt sức đến nỗi chỉ tỉnh giấc khi có bom nổ. Máy bay cứ hoành hành suốt hôm qua từ 11 giờ rưỡi đêm đến một giờ rưỡi sáng. Máy bay của ai vậy?... Chúng em phải chạy xuống hầm trú ẩn. Ở đó mọi người bảo, đó là máy bay của Nga. Chúng em cảm thấy rất tệ”.
Cô Louise cho biết, từ khi xảy ra cuộc ném bom đầu tiên, cô sợ ban đêm: “Hàng đêm chúng em đều nghe có báo động máy bay, thỉnh thoảng hai hoặc ba lần một đêm. Chúng em nghe thấy rất rõ người Nga đang bay ngay trên đầu mình. Họ ném bom rất nhiều. Chuyện gì sẽ xảy ra nữa với chúng em đây, anh Henry?”.
Một phần những bức thư như vậy rơi vào tay các quân nhân Liên Xô. Đại tá không quân Evgeny Preobrazhensky, sau khi xem một số bức thư trong đó, cho biết: “Rất may là, những người vợ Đức viết về sự thật cho chồng mình đang ở ngoài mặt trận. Những người lính Đức sẽ hiểu rằng, những hành động vô nhân đạo của họ chống lại người Liên Xô sẽ phải chịu sự trừng phạt”.
Berlin bị giáng đòn
Bộ tư lệnh Đức đã hứng chịu đầy đau đớn trận ném bom đầu tiên của Không quân Liên Xô. Ngày 12/8/1941, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh tối cao của quân đội Đức Quốc xã, thống chế Wilhelm Keitel ra lệnh cho lãnh đạo nhóm tập đoàn quân “Phương Bắc” tiêu diệt các căn cứ Hải quân Liên Xô tại vùng biển Baltic trong thời gian ngắn nhất, đặc biệt là những sân bay của đối phương trên đảo Dago và Ezel.
Trong hồi ký của mình, Đô đốc Nikolai Kuznetsov đã viết: “Không lâu sau cuộc không kích đầu tiên xuống Berlin là tiếp tục những đợt ném bom khác. Tuy nhiên càng lúc càng dữ dội hơn, bởi Bộ tư lệnh Đức Quốc xã đã thiết lập hệ thống phòng không phức tạp được đưa vào sử dụng ngay sau khi vượt qua đường bờ biển trên lãnh thổ đối phương. Tình thế buộc phải sử dụng kế sách để vượt qua những khu vực nguy hiểm, nhưng ưu thế chính của máy bay ném bom Liên Xô vẫn là độ cao lớn”.
Các phi công của Hạm đội Baltic Liên Xô đã thực hiện thêm 7 cuộc không kích xuống Berlin – cuộc không kích cuối cùng diễn ra vào rạng sáng ngày 4/9/1941.
Trong chiến dịch này đã thực hiện tổng cộng 86 phi vụ, trong đó có 33 phi vụ đạt được mục tiêu đề ra là ném bom xuống thủ đô của Đức. Những phi công còn lại vì những lý do khác nhau buộc phải tấn công những mục tiêu phòng bị, nhưSzczecin, Danzig, Liepaja, Kolberg, Memel... Tổng cộng có 311 quả bom ném xuống Berlin, gây ra 32 vụ cháy lớn. Tổn thất của Không quân Liên Xô là 18 máy bay ném bom và 7 phi hành đoàn.
Theo Quốc Khánh/Quân nhân dân
© 2024 | Thời báo ĐỨC