Những bài học về tiền bạc từ một người Đức giàu có nhất lịch sử

Tính theo thời giá ngày nay, tài sản của Jakob Fugger – một nhà tài phiệt Đức bằng của cả 3 người giàu nhất thế giới hiện tại cộng lại (Bill Gates, Amancio Ortega, Warren Buffett).

132 1 Nhung Bai Hoc Ve Tien Bac Tu Mot Nguoi Duc Giau Co Nhat Lich Su

Foto: Jakob Fugger, Bizlive

Liệu bạn có biết: các tỷ phú ngày nay như Warren Buffett và Bill Gates chẳng là gì cả nếu so sánh với Jakob Fugger, một nhà tài phiệt Đức sống vào thời Phục Hưng (thế kỷ 15-16)?

Fugger đã nắm độc quyền kinh doanh bạc khắp châu Âu, và là người mà nhiều vị vua và hoàng đế phải tìm đến khi thiếu tiền. Ông cũng là người thuyết phục Giáo hoàng hợp thức hóa việc cho vay lấy lãi, từ đó mở đường cho thị trường trái phiếu hiện đại. Ở đỉnh cao sự nghiệp, khối tài sản của Fugger tương đương tới gần 2% GDP của cả châu Âu.

Một câu nói được cho là của Fugger, và hay được giới đầu tư tài chính truyền miệng cho nhau: “Hãy chia tài sản của bạn thành 4 phần bằng nhau: chứng khoán, bất động sản, vàng và trái phiếu. Chuẩn bị tinh thần rằng sẽ luôn có 1 phần trong đó bị thiệt hại. Khi có lạm phát, bạn sẽ bị thiệt về trái phiếu, nhưng được lợi từ vàng và bất động sản. Khi có giảm phát, bạn sẽ bị thiệt về bất động sản, nhưng được lợi từ trái phiếu. Cổ phiếu sẽ giúp đỡ bạn trong mọi thời điểm, dù có lúc cao lúc thấp. Khi nào các biến động thị trường làm cho cơ cấu tài sản của bạn có nhiều chênh lệch, hãy chia lại chúng thành 4 phần bằng nhau”.

132 2 Nhung Bai Hoc Ve Tien Bac Tu Mot Nguoi Duc Giau Co Nhat Lich Su

Nhà Fugger xóa nợ cho Hoàng đế Tây Ban Nha Charles V”, tranh của Karl Becker vẽ năm 1806. Ảnh: nybooks.com

Cuốn sách của cựu nhà báo Greg Steinmetz viết về Fugger, “The Richest Man Who Ever Lived” (tạm dịch: “Người giàu có nhất lịch sử”) là tuyển tập rất nhiều các bài học quý giá cho các nhà đầu tư. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa Reuters với Steinmetz về nội dung cuốn sách:

Fugger đã có tác động lên lịch sử ngành tài chính?

Trước thời Fugger, do một quy định trong Thánh Kinh mà những người theo Kitô giáo không được phép tính lãi suất cho vay một cách hợp pháp. Đó là lý do tại sao người Do Thái giành độc quyền về hoạt động này.

Để thoát khỏi quy định này, các nhà tài chính Kitô giáo như gia đình tài phiệt Medici tại Ý nghĩ ra hình thức cho vay thu tiền phạt hay phí xử lý. Điều đó làm việc cho vay trở nên rườm rà.

Tới lượt Fugger, ông mở ra một chiến dịch vận động hành lang ngay tại Vatican. Từ đó, Đức giáo hoàng đã được thuyết phục, và tuyên bố rằng trong những trường hợp mà bên cho vay phải chấp nhận rủi ro, thì việc tính lãi là hoàn toàn công bằng. Và dĩ nhiên, trong tất cả các thương vụ tài chính thì bên cho vay luôn là bên chấp nhận rủi ro rồi.

Chúng ta có thể học hỏi được gì từ Fugger?

Fugger là người có thần kinh thép. Ông đã có sẵn bản năng tuyệt vời về tài chính, và ông còn biết cách xây dựng một hệ thống thông tin giỏi hơn bất kỳ ai khác. Ông là một trong những doanh nhân đầu tiên ở miền Bắc châu Âu sử dụng các kỹ thuật kế toán hiện đại, vì vậy ông luôn luôn nắm vững các con số của mình. Ông cũng có thể nhìn ra bức tranh toàn cảnh tốt hơn mọi đối thủ cạnh tranh. Nhiều nhà đầu tư ngày nay thậm chí còn chả buồn nhìn vào các số liệu tài chính cơ bản, đừng nói tới việc đọc kỹ các dòng chú thích.

Với sự bình tĩnh của mình, Fugger không hề thoái lui khi bắt đầu nhận thấy những trở ngại. Sai lầm phổ biến nhất mà các nhà đầu tư thường mắc phải chính là mua vào với giá cao, sau đó bỏ chạy quá sớm và bán ra với giá thấp.

Cuối cùng, Fugger là người mang lại nhiều giá trị cho khách hàng của mình. Điều đó làm cho ông trở thành người không thể bị thay thế, và luôn giữ cho ông một chỗ đứng trong mọi cuộc chơi.

Sai lầm lớn nhất mà Fugger từng mắc phải là gì?

Mặc dù có nhiều thành công, nhưng bản thân Fugger cũng từng vấp phải những thất bại. Chẳng hạn, khi nhà vua Tây Ban Nha gây quỹ từ các nhà đầu tư để gửi một hạm đội sang Ấn Độ, Fugger đã tiến hành đầu tư vào dự án này, và kết quả là hạm đội đó đã một đi không trở lại. Tuy nhiên, trong hầu hết các thương vụ lớn của mình thì Fugger đều thắng lớn.

Điều thú vị về Fugger là ông cứ đi từ thành công này đến thành công khác. Một đối thủ cùng thời với ông đã cố lũng đoạn thị trường thủy ngân, như Fugger đã làm với thị trường bạc, và kết quả là người này chết trong tù vì mắc nợ.

Fugger có phải là một nhà quản lý quỹ giỏi?

Fugger thực sự là người có năng khiếu kiếm tiền. Trong thương vụ lớn đầu tiên của mình là đầu tư vào các mỏ bạc của Áo, ông đã huy động được rất nhiều tiền từ gia đình mình lẫn các bạn bè. Làm thế nào mà ông ấy đã thuyết phục mọi người bỏ tiền vào một dự án chưa có tiền lệ như vậy là điều mà tôi vẫn không hiểu.

Hẳn là ông ấy phải có khả năng rất lớn trong việc xây dựng niềm tin của mọi người. Nhưng thật không may cho chúng ta, ông không để lại một cuốn nhật ký nào ghi lại quá trình ấy. Tôi đã phải tìm bằng chứng từ các báo cáo kế toán và thư từ được Fugger gửi cho khách hàng và chủ nợ.

Ông ấy có thực sự tận hưởng số tiền mình kiếm ra?

Đương nhiên rồi, Fugger đã sở hữu ngôi nhà lớn nhất tại thành phố Augsburg (Đức), thường xuyên mặc áo lông thú và đi lại trên cỗ xe có tới 12 con ngựa kéo. Đó cũng là một cách rất quan trọng để chứng minh cho các khách hàng và chủ nợ thấy rằng ông có năng lực tài chính đảm bảo.

Cuộc sống của Fugger như thế nào?

Ông ấy dành ra hầu hết thời gian cho công việc, và cũng như Warren Buffett ngày nay, Fugger xem công việc là niềm vui. Buffett từng cho biết ông hay nhảy nhót trên đường đi làm vì ông rất thích công việc của mình, và có lẽ Fugger cũng là dạng người như vậy. Ông đã làm việc cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 66 (khi đó là năm 1525).

Theo NCĐT/BIZLIVE


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày