Karl Marx và Tây Đức thời hậu chiến

Lời nói đầu: Bài biên khảo này nguyên là một trong ba đề mục trong phụ lục liên quan đến ba nhà tư tưởng lớn về kinh tế (Adam Smith, Karl Marx và John Maynard Keynes), thuộc tác phẩm „Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969. Lịch sử – Lý Thuyết – Chính sách“.

Xã hội tư sản vẫn tiếp tục vật lộn với nạn thất nghiệp. Hệ thống kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gây thiệt thòi cho các nước thế giới thứ ba. Đấy là chưa kể hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa vẫn tiếp tục hủy hoại môi trường sống. Những hiện tượng ấy tất nhiên có nhiều nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân ấy là xu hướng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà Marx đã phân tích một cách sâu sắc[1].

Giáo sư chính trị học Walter Euchner, đại học Göttingen.

132 1 Karl Marx Va Tay Duc Thoi Hau Chien

Trong thế kỷ 19, không ai đã để lại nhiều tác phẩm và lý thuyết làm thay đổi tiến trình lịch sử loài người trong thế kỷ 20 như Karl Marx. Nếu như lịch sử không diễn ra đúng như Karl Marx dự kiến, và nếu một phần lớn của học thuyết Marx đến cuối thế kỷ 20 được xem như thất bại, điều đó cũng không làm phai nhạt ảnh hưởng to lớn nói trên[2].

Karl Marx sinh ngày 5.5.1818 tại Trier, con của luật gia Heinrich Marx, một tín đồ Do Thái giáo cải đạo sang Tin Lành. Karl Max theo học môn triết và luật ở các đại học lớn Bonn, Berlin và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1841 tại đại học Jena với một công trình nghiên cứu triết học.

Không có gì phải bàn cãi rằng, Karl Marx là vị học giả uyên thâm, tinh thông nhiều lĩnh vực từ triết học tới khoa học, văn học, nghệ thuật và cả y khoa.

Vì không khí ngột ngạt chính trị tại Đức, Karl Marx cùng vợ là Jenny di dân qua Pháp, nơi ông tiếp cận với phong trào xã hội cấp tiến Pháp, cũng là nơi ông kết bạn với Friedrich Engels năm 1844 để bắt đầu một tình bạn độc nhất vô nhị kéo dài suốt cuộc đời. Engels cũng là người luôn luôn có mặt để giúp đỡ tài chánh lúc gia đình Marx có khó khăn.

 

Những người vô sản không có gì để mất ngoài những xiềng xích trói buộc. Họ có cả thế giới để hưởng thắng lợi. Vô sản tất cả các nước, hãy đoàn kết lại[3]!

Nguồn: John Jabez Edwin Mayall – International Institute of Social History in Amsterdam, Netherland.

Tải từ : commons.wikipedia.org, vùng công cộng. 

132 2 Karl Marx Va Tay Duc Thoi Hau Chien

Karl Marx (1818-1883)

 

Tác động của Marx lên thế giới thực mang bản chất chính trị hơn là kinh tế.

Ông là một chiến sĩ đấu tranh chứ không phải là kiến trúc sư xây dựng kinh tế như Adam Smith, John Maynard Keynes và bao nhiêu người khác trong trào lưu cổ điển. Trong đời sống, cho dù Marx là người đấu tranh binh vực giới lao động nhưng ông chưa có ngày nào làm việc với tính cách là công nhân xí nghiệp.

Dù thế, tư tưởng của Marx đã tác động rất mạnh khắp mọi nơi, trong mọi thời kỳ đấu tranh chống bất công xã hội, chống bóc lột lao động, chống chủ nghĩa tư bản, chống đế quốc thuộc địa.

Nhưng khi đấu tranh đã hoàn tất để bắt đầu giai đoạn hòa bình xây dựng thì đường lối của những nước định hướng theo chủ nghĩa Marx đã tỏ ra thất bại. Trong thời kỳ cao điểm của hậu bán thế kỷ 20, có gần 1/3 trong tổng số các nước trên thế giới được lãnh đạo bởi môn đệ hoặc cảm tình viên của chủ nghĩa Marx.

Đến nay thì thử nghiệm của họ không để lại một kinh nghiệm gì hữu ích ngoài những khó khăn về kinh tế và dư âm của chế độ độc tài tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực văn hóa và tư tưởng. Cuối cùng, phồn vinh ở những nước đó đều được kiến tạo bởi con đường kinh tế thị trường mà trước đây Marx đã kịch liệt phê phán và muốn triệt hạ.

Có hằng hà sa số sách báo tài liệu nói về Karl Marx. Kiếm tên ông trên Google, chúng ta sẽ thấy hơn 20 triệu tựa đề. Chỉ riêng trên Amazon đã có hơn 8.000 đầu sách có tên ông. Điều đó cũng nói lên tầm ảnh hưởng của Karl Marx lên hệ thống tư tưởng của thế giới.

Khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Vì thế có lẽ chúng ta không nên viết thêm một tiểu luận mới trong hàng triệu bài đã có, mà trong khuôn khổ chương sách này, chúng ta thử nêu lên vài điểm tựa để lý giải tầm ảnh hưởng của Karl Marx lên tư tưởng giới lãnh đạo Tây Đức thời hậu chiến.

Trong ý nghĩa đó thiết tưởng chúng ta không cần nói nhiều về ảnh hưởng kinh tế. Lý do giản dị là lý thuyết của Karl Marx không còn đóng vai trò gì nữa trong tiến trình hoạt động kinh tế ở Tây Đức từ cuối thập niên 1950.

Nếu học thuyết Marx vẫn còn được nhắc đến trong một vài quốc gia, điều đó không có nghĩa là lý thuyết kinh tế của ông đáng được tôn vinh, mà thực chất nằm ở chỗ khác.

Có thể vì mục đích chính trị, có thể vì muốn bảo vệ một tư tưởng đã ghi lại dấu ấn quá sâu đậm lên một tầng lớp nào đó trong nhiều thập niên, có thể vì quyền lợi chính trị hoặc kinh tế của một nhóm người nào đó, hoặc cũng có thể vì một mối u hoài tưởng nhớ về quá khứ, chứ về thực chất thì Karl Marx không còn chỗ đứng trang trọng trong lịch sử thế giới như thế kỷ trước.

Karl Marx có một câu nổi tiếng: „Các triết gia chỉ cắt nghĩa thế giới một cách khác nhau, nhưng cái chính là làm sao để cải tạo thế giới[4]“.

Marx đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt nghĩa thế giới. Ông đã sáng tạo hàng loạt thuật ngữ có tính biểu tượng cao mà ngay cả những người chống ông cũng thường dùng đến. Marx có một văn phong cháy bỏng, cuốn hút người đọc vào luồng tư tưởng đam mê của ông, họ đi theo lời kêu gọi của Marx như nghe tiếng còi xung trận. Marx đã phân tích sâu sắc phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, diễn đạt một cách rành mạch hệ lụy xã hội của nó đã tác động như thế nào lên đời sống giới lao động.

Karl Marx có một bộ óc quan sát chính xác, một khả năng phân tích sắc bén, một ngôn ngữ đấu tranh lôi cuốn làm cho công việc cắt nghĩa thế giới được nâng lên một tầm cao.

Và cũng chính những lý giải của Marx về chủ nghĩa tư bản đã tạo cảm hứng và thôi thúc đối thủ của ông, những môn đồ của chủ nghĩa kinh tế tự do, gấp rút đi tìm giải pháp để cứu vãn sự sụp đổ của nó mà dường như có thể xảy ra sau cuộc đại suy thoái 1930 hoặc trễ lắm là trong ba thập niên đầu ở hậu bán thế kỷ 20.

Dù thành công trong việc cắt nghĩa thế giới, nhưng khi thử làm công việc cải tạo thế giới, Marx trước hết đã đưa ra nhiều phỏng đoán sai lạc.

Nhà kinh tế lỗi lạc John Maynard Keynes phải thốt lên năm 1926:

„Chủ nghĩa xã hội Marx vẫn tồn tại như là chiếc thập tự giá của lịch sử tư tưởng loài người – làm thế nào để cắt nghĩa sự kiện một học thuyết thiếu logic và nhàm chán như thế mà lại có một ảnh hưởng ghê gớm và bền bỉ lên tinh thần nhân loại và qua đó tác động vào quá trình phát triển của lịch sử[5]“.

Những lời giải đưa ra để cải tạo thế giới đặt trên nền tảng những phỏng đoán sai lạc, cho nên chúng ta không ngạc nhiên tại sao học thuyết Marx không còn đóng vai trò nào đáng kể trong hiện tại và tương lai. Chúng ta thử nêu lên vài thí dụ:

Thí dụ một,  Karl Marx cho rằng cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản sẽ xảy ra theo „quy luật lợi nhuận giảm dần“. Tại vì theo công thức tính toán lợi nhuận, việc trang bị thêm máy móc tốn kém sẽ kéo lợi nhuận giảm xuống. Các doanh nghiệp lớn có xu hướng tập trung lại với nhau để sản xuất rẻ, điều làm cho các nhà tư bản nhỏ đi đến phá sản.

Trong lúc đó, người lao động ngày càng nghèo khó, lợi tức ngày càng thấp không đủ tiền mua hàng tiêu dùng hàng ngày[6]. Thực tế ngày hôm nay cho thấy là lợi nhuận không hề giảm dần mà ngày càng được nâng cao, tổng số của cải loài người ngày càng nhiều; với chính sách thuế khóa và tái phân phối thu nhập ở những nước có chính sách xã hội khôn ngoan, của cải đó được chia cho nhiều người chứ không chỉ tập trung trong tay những nhà tư bản.

Người lao động trong các nước công nghiệp hiện đại không nghèo khó hơn mà ngày càng tương đối giàu có hơn, lợi tức của họ ngày càng được nâng cao. Tất nhiên là sự chênh lệch quá đáng về giàu nghèo trong xã hội vẫn còn tồn tại và trong quan hệ công nghiệp vẫn còn đấu tranh thường trực giữa tư bản và lao động, nhưng đấy chủ yếu là cuộc đấu tranh để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, chứ không phải đấu tranh để triệt hạ giới tư bản như Karl Marx đã kêu gọi.

Thí dụ hai, trước hết là David Ricardo và sau đó là Karl Marx đều cho rằng lao động là thành tố duy nhất phát sinh ra giá trị. Trị giá của một „sản phẩm“ tương đương với số giờ làm việc trung bình được dùng để tạo ra sản phẩm đó[7]. Phán đoán này có thể đúng cho thế kỷ 19, nhưng trong nền kinh tế thị trường hiện đại thì số giờ làm việc trung bình không đóng vai trò quan trọng mà là tổng hợp nhiều yếu tố với nhau: phương tiện máy móc họ sử dụng, quy trình trong chuỗi sản xuất, môi trường làm việc v.v… và nhất là tri thức và kỹ năng của người lao động.

Nếu hiểu như Marx thì làm thế nào để cắt nghĩa tại sao có người làm một giờ chỉ có thể tạo ra một dịch vụ đáng giá vài chục đô-la, trong lúc người khác thu được vài trăm hoặc vài ngàn đô-la cũng trong thời gian như thế cho một công việc giống nhau? Điều cắt nghĩa thật là giản dị: giá trị sử dụng thực tế sản sinh từ một giờ lao động của hai người này chênh lệch như thế, xuất phát chủ yếu từ kỹ năng cao hay thấp của họ, tiếng tăm của họ, tác dụng cảm tính lên người sử dụng, và thêm nhiều yếu tố khác.

Thí dụ ba, trong thời cao điểm ở thế kỷ 20, hàng trăm triệu người trên thế gian tôn vinh Marx như một đấng tiên tri. Họ không có một chút nghi ngờ gì vào sự đúng đắn của học thuyết Marx. Ông có sáng kiến rằng, một xã hội hoàn toàn giải phóng có thể được kiến tạo khi quyền tư hữu tư liệu sản xuất, thị trường và tiền tệ không còn hiện hữu.

Nhưng thực tế thì thế nào?

Sáng kiến này tỏ ra là một sai lầm lớn lao trong thời hiện đại[8]. Hiện nay, đâu còn nước nào không thừa nhận quyền tư hữu tư liệu sản xuất mà nền kinh tế của họ có thể phát triển?

Thị trường làm sao có thể triệt hạ được? Nếu không có tiền tệ thì lấy gì để trao đổi giao thương? Vậy thì tiên đoán của Marx về một xã hội lý tưởng trong tương lai rõ ràng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Cũng còn nhiều phỏng đoán khác của Marx vốn dĩ không bao giờ xảy ra, ngay cả hơn 130 năm sau khi ông mất. Tiên đoán sai lạc thì hệ thống được thiết kế trên nền tảng đó cũng không thể áp dụng được trong thực tế. Thế nhưng tại sao Karl Marx lại có một sức lôi cuốn mạnh mẽ đến thế?

Ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ, vẫn còn một số nước lấy học thuyết Marx làm kim chỉ nam, vẫn còn hàng triệu thanh niên trí thức trong các nước phương Tây xem Marx là thần tượng? Điều này không thể cắt nghĩa bằng lý trí mà có lẽ chúng ta chỉ có thể hiểu bằng cảm tính, bằng tâm lý, bằng tư duy trừu tượng.

Về nhiều phương diện, chủ nghĩa Marx trở thành như là một tôn giáo, với những khẩu hiệu, những ngọn cờ đỏ, những bài thánh ca, bạn đồng chí, môn đồ, các vị thánh tử đạo, kinh thánh và một chân lý tuyệt đối. Giáo sư Robert Wesson[9] nhận xét rằng „Marx có niềm tin của đấng tiên tri đã từng chuyện trò với Chúa…

Ông là một nhà thơ, một đấng tiên tri, và là nhà đạo đức thuyết giảng với tư cách một triết gia và kinh tế gia; học thuyết của ông không cần phải được kiểm chứng bằng thực tế nhưng mà để đón nhận như một chân lý của đạo đức tôn giáo. Marx là kẻ dẫn đường cho những người được chọn lọc thoát khỏi nô lệ để đến vùng thánh địa Jerusalem mới.

Trở thành một người Marxist hoặc người cộng sản cũng giống như bắt đầu yêu đương, một hiện tượng cảm xúc thuần khiết [xuất phát từ con tim hơn là trí óc][10]“.

Trên giác độ đó thì tác phẩm kinh điển Tư Bản Luận (Das Kapital) không đóng một vai trò quan trọng, mà chúng ta phải trở lại tác phẩm Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản (Manifest der Kommunistischen Partei – Karl Marx & Friedrich Engels) được công bố năm 1848, nơi mà phần lớn thế giới quan của Karl Marx được diễn đạt một cách rõ ràng. Tác phẩm chỉ dài trên dưới 50 trang, thế mà Marx và Engels phải cần hơn một năm làm việc nghiêm túc để hoàn tất, điều này cho thấy Marx và Engels coi trọng nó như thế nào.

Nếu Tư bản luận là bộ sách cực kỳ khó hiểu dành cho cho những nhà lý luận kinh tế, thì Tuyên ngôn đảng cộng sản là tài liệu cho mọi người, giản dị, dễ hiểu, thuyết phục bằng khẳng định chứ không lý luận dài dòng, tác dụng tức thời và lôi cuốn như một lời hiệu triệu ba quân, sức công phá của từng câu chữ trong tuyên ngôn đó thật là vô biên giới.

Giáo sư Mark Skousen kể về sinh viên của ông như sau về ảnh hưởng của Marx: Những người trẻ tuổi trở thành môn đồ trung kiên, và họ phải mất nhiều năm trường để ra khỏi cơn ghiền Marxist. Điều đó đã xảy ra cho Robert Heilbroner, Mark Blaug, Whittaker Chambers, và David Horowitz.

Ngay cả sinh viên của tôi ở Rollins College cũng thế, dù cả một thập niên sau khi cộng sản Xô Viết sụp đổ và chủ nghĩa Marx coi như đã chết. Trong lớp của tôi, xê-mi-na khảo sát các nhà kinh tế lớn, tôi yêu cầu mỗi sinh viên tự chọn một tác phẩm để đọc và phê bình.

Một cậu sinh viên chọn Tuyên ngôn đảng cộng sản. Sau khi đọc xong cậu ấy gặp tôi chỉ vào cuốn sách chi chít những ghi chú và thốt lên đầy xúc động: “Thật không thể tưởng tượng được! Tôi phải làm tường trình về tác phẩm này“. Thật là mê tín đến kỳ lạ. Trong giờ giảng, tôi cố hết sức để phản biện học thuyết Marx, nhưng vô ích. Cậu ấy đã bị chuyển hoá đức tin[11].

Ngay trong chương đầu tiên của tuyên ngôn bàn về tư sản và vô sản, Marx đã nhanh chóng chinh phục trái tim của giới lao động và trí thức, đã làm cho những người này tự hóa thân vào tác phẩm.

Tất cả những người này bỗng nhiên phẫn nộ nhận thức rằng, mình là nạn nhân của một trật tự phi lý, bị trói buộc trong xiềng xích cần được phá bỏ bằng bạo lực cách mạng. Trước hết Marx lý giải lịch sử loài người bằng những dẫn chứng sống động, bằng một văn phong chắc nịch, bằng những khẩu hiệu lôi cuốn và nhất là bằng những thuật ngữ mới mẻ chưa bao giờ được nghe:

“Lịch sử xã hội loài người là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp[12]“. Chấm hết. Những diễn giải đi theo sau không có gì quan trọng nữa. Tồn tại trong tư tưởng giới lao động là ý thức vừa được khơi dậy về đấu tranh giai cấp. Và Marx, Engels cũng chỉ cần như thế.

Đối với tầng lớp lao động, còn gì sung sướng hơn khi có vị học giả uyên thâm nói thay tiếng nói của mình? Họ là những người thợ làm việc 16-giờ-mỗi-ngày với đồng lương không đủ sống trong tình trạng u ám của thế kỷ 19.

Không những thế, „khi người thợ đã bị chủ bóc lột trong xí nghiệp, đã nhận được tiền lương vào túi, thì những thành phần khác của giai cấp tư sản lại nhào vô bóc lột tiếp: những người chủ nhà thuê, chủ tiệm buôn bán lẻ, người cho vay cầm cố v.v…[13]“. Đối với những người hàng ngày phải vật lộn để mưu sinh, họ sẽ cảm động khóc ròng khi nghe những lời cảm thông như thế, và chắc hẳn họ sẽ không ngần ngại nhảy vào lửa theo lệnh của đấng tiên tri.

Theo Marx và Engels, không riêng gì giới lao động, mà cả trí thức cao cấp cũng là nạn nhân bị bóc lột:

„Giai cấp tư sản đã hạ bệ các giá trị thiêng liêng của những hoạt động trước đây vốn dĩ được trọng vọng tôn sùng. Giai cấp tư sản đã biến những người bác sĩ, luật gia, giáo sĩ, nhà thơ, khoa học gia thành những người thợ làm công cho chúng[14]“. Lời kết án đanh thép ấy đã làm cho giới trí thức dễ dàng tự hóa thân vào biểu tượng mà Marx khơi dậy, những nạn nhân của giai cấp tư sản.

Đúng hay sai chúng ta không bàn ở đây, chỉ cần biết là Marx có một nghệ thuật siêu phàm, có thể làm cho người đọc của thế kỷ 19 hóa thân vào tác phẩm của mình. Nếu những lời hiệu triệu đó được viết trong thời hiện đại, chắc hẳn sẽ không có tác dụng gì. Trong xã hội tư bản hiện đại, khi mà giới lao động đã có một đời sống sung túc như hiện nay thì lý giải của Marx có vẻ cường điệu và trở nên đáng nghi ngờ.

Trong chương II của bản tuyên ngôn bàn về vô sản và cộng sản, Marx vạch đường cho giai cấp vô sản thực hiện cuộc cách mạng cho chính mình. Cũng chính vì sự chỉ đường này mà chủ nghĩa cộng sản đã để lại nhiều hệ lụy trầm trọng trong xã hội. Với một quá trình thực hiện cách mạng rất phức tạp nhưng Marx và Engel chỉ tóm tắt trong vài câu ngắn ngủi cho nên ai hiểu thế nào thì tự họ sáng tạo cách thực hiện.

Chỉ riêng về vấn đề quyền lực đã có nhiều khác biệt. Marx viết: „Quyền lực chính trị thực chất là quyền lực có tổ chức của một giai cấp dùng để thống trị lên giai cấp khác[15]“.

Các bạo chúa của thế kỷ 20 như Stalin, Mao, Pol Pot đã sử dụng định nghĩa ấy như một châm ngôn, nhưng mỗi người hiểu quyền lực đó một cách khác nhau và thực thi quyền lực cũng rất khác nhau. Tất nhiên chúng ta khó có thể kết án Marx vì tội ác của những bạo chúa đó, nhưng họ đã nhân danh tiến bộ loài người, nhân danh Marx để gây ra chết chóc cho hàng chục triệu người, và tạo nên cuộc đời bất hạnh cho hàng trăm triệu người khác.

Điều phiền toái ở đây là, Karl Marx chưa có ngày nào làm việc trong công nghiệp, chưa từng giữ chức vụ gì trong guồng máy nhà nước, chưa từng nhận lãnh trách nhiệm thiết kế và thử nghiệm một chính sách cụ thể, cho nên các biện pháp và hiệu quả thực tế cũng chỉ là những phỏng đoán, chưa biết chung cuộc sẽ thế nào.

Ở đầu chương II, vô sản và cộng sản, Marx chỉ rằng „Những người cộng sản tóm tắt lý thuyết của mình bằng một luận điểm: xóa bỏ sở hữu tư nhân[16]và xem đó như là biện pháp trung tâm của các chính sách kinh tế sau khi đã nắm quyền lực thống trị. Trong chương đó, Marx và Engels còn đưa ra cương lĩnh 10 điều cần thực hiện „sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản bằng bạo lực và thiết lập quyền thống trị của giai cấp vô sản[17]“.

Cương lĩnh đó có thể được tóm tắt trong vài điểm chính như: Tước đoạt sở hữu ruộng đất, xóa bỏ quyền thừa kế, tập trung ngân hàng vào trong tay nhà nước, quốc hữu hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng cường số lượng doanh nghiệp quốc doanh lên thành chủ đạo[18].

Đó chính là những biện pháp đã làm cho nền kinh tế ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Trên quan điểm hôm nay thì cũng không khó gì để phán đoán. Nhưng trong thế kỷ 19 thì khác. Lúc ấy, giới lao động còn chìm đắm trong nghèo khổ với cuộc sống ảm đạm thiếu nhân phẩm.

Khi họ đã đọc xong chương đầu của bản tuyên ngôn, đã hóa thân vào với tác phẩm thì mọi chuyện đã quá trễ. Những điều Marx và Engels viết „không cần phải được kiểm chứng bằng thực tế nhưng mà để đón nhận như một chân lý của đạo đức tôn giáo“.

Karl Marx và ảnh hưởng lên Tây Đức

Nếu Adam Smith có ảnh hưởng rất lớn lên các kinh tế gia tự do Tây Đức, thì Karl Marx còn có ảnh hưởng lớn hơn lên phong trào cộng sản cũng như trào lưu dân chủ xã hội và công đoàn suốt cả 100 năm sau.

Những người khai sinh phong trào dân chủ xã hội như Ferdinand Lassalle, Wilhelm Liebknecht, August Bebel là những người gần gũi Karl Marx, họ luôn luôn xem ông là cố vấn đáng tin cậy trong mọi vấn đề.

Nếu xu hướng cộng sản đầu thế kỷ 20 có tách ra khỏi phong trào dân chủ xã hội, và sau 1945 không còn vai trò gì tại Tây Đức, thì hệ tư tưởng Karl Marx vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong giới lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và công đoàn tại Tây Đức thời hậu chiến.

Cho đến đại hội đảng tại Bad Godesberg tháng 11.1959, đường lối đảng SPD vẫn trung thành với cương lĩnh Heidelberger Programm được công bố trong đại hội đảng vào tháng 9.1925.

Theo đó thì nhiều khái niệm vạch ra từ Tuyên ngôn đảng Cộng sản năm 1848 vẫn còn tính định hướng: đấu tranh giai cấp, công hữu hóa, cộng đồng hóa và hợp tác xã, tước đoạt sở hữu đất đai, giải phóng giai cấp vô sản, triệt hạ giai cấp thống trị, san bằng giai cấp v.v…

Điều khác nhau chỉ là, phong trào dân chủ xã hội thế kỷ 20 tại Đức từ chối sử dụng bạo lực để giành chính quyền như Tuyên ngôn đảng Cộng sản đã vạch ra, mà họ chủ trương đấu tranh hòa bình trong nghị trường để chiếm đa số trong một thể chế dân chủ nghị viện.

Ngoài ra, đảng SPD đã có những chương trình cụ thể và tiến bộ về mặt xã hội như: chính sách chung cư xã hội, đại diện công nhân tham gia quyết định trong doanh nghiệp, chính sách lao động, chính sách gia đình, nam nữ bình quyền v.v…

Nói tóm lại, chúng ta có thể kết luận ngắn gọn như sau:

Thứ nhất, Tây Đức có may mắn khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) một mặt có thiện cảm với học thuyết Marx, mặt khác họ chọn lựa đấu tranh nghị trường trong một thể chế dân chủ đa nguyên, cho nên tư tưởng xã hội của Karl Marx được những hậu duệ trung thành của ông đấu tranh thành công và đưa vào hệ thống luật pháp thời hiện đại.

Chế độ xã hội hào phóng và quan hệ công nghiệp tiến bộ tại Tây Đức chắc hẳn không có sức thu hút như ngày hôm nay, nếu không có sự tham gia tích cực của phong trào dân chủ xã hội và công đoàn, những người mà đa số đều là môn đệ hoặc cảm tình viên của Karl Marx.

Tư tưởng xã hội của Marx rõ ràng có ảnh hưởng lên chính sách của Tây Đức thời hậu chiến, cho dù các chính sách kinh tế và xã hội được phác thảo chủ yếu bởi những người theo xu hướng bảo thủ thuộc Liên minh Cơ Đốc (CDU/CSU). Đường lối nhân bản hóa hệ thống sản xuất công nghiệp của Alfred Müller-Armack[21] rõ ràng mang âm hưởng của tư tưởng bình đẳng xã hội theo học thuyết Marx.

Thứ hai, cũng là may mắn tình cờ cho Tây Đức khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) liên tục thất cử, không nắm được chính quyền suốt 20 năm kể từ 1949, cho nên lý thuyết kinh tế của Marx không có điều kiện được đem ra thử nghiệm trong thời hậu chiến, mà thay vào đó là chính sách kinh tế thị trường mang tính xã hội của Liên minh Cơ Đốc làm cho kinh tế Tây Đức phát triển mạnh.

Đến đầu thập niên 1960 thì mô hình Kinh tế Thị trường Xã hội được chấp nhận rộng rãi trong dân chúng kể cả giới dân chủ xã hội. Đường lối kinh tế theo học thuyết Marx không còn đóng vai trò nào nữa tại Tây Đức kể từ cuối thập niên 1950.

Giả dụ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nắm quyền trong thập niên 1950 và áp dụng những sáng kiến của Karl Marx vào chính sách kinh tế, thì có lẽ Tây Đức không được phát triển mạnh mẽ như chúng ta thấy hôm nay, mà có thể đã trở thành phiên bản thứ hai của Đông Đức.

 

Tôn Thất Thông, CHLB Đức


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày