Chiến dịch đưa Hồng quân vào trung tâm nước Đức

Những tháng cuối năm 1944, quân đội Đức quốc xã rơi vào tình trạng kiệt quệ, thương vong nặng nề. Tuy nhiên, trên mặt trận Xô - Đức hướng Warszawa - Berlin chiến sự lại im ắng. Hai bên không có hành động quân sự tích cực nào.

Tình hình này cho phép Đức củng cố, vá víu lại những lỗ hổng phòng ngự trên hướng này và điều quân dự bị tấn công mặt trận phía Tây chống liên quân Anh – Mỹ và điều quân xuống phía Nam phản công để phòng thủ Budapest (Hungary).

132 1 Chien Dich Dua Hong Quan Vao Trung Tam Nuoc Duc

Pháo binh Liên Xô tham chiến trong trận Seelow Heights. Ảnh: Wikipedia

 

Về phần mình, trong thời gian này tại hướng Warszawa - Berlin, Hồng quân Liên Xô đã hoàn tất các công tác đảm bảo hậu cần cho những chiến dịch tấn công to lớn và liên tục sắp tới để mau chóng đánh bại phát xít Đức, trước mắt là Chiến dịch Wisla – Oder nhằm đập tan Cụm tập đoàn quân (TĐQ) A là cụm quân phòng thủ trên hướng Warszawa – Berlin, giải phóng hầu hết Ba Lan, bắc Tiệp Khắc và mở đường giải phóng Berlin.

Bộ Chỉ huy Hồng quân dự kiến bắt đầu chiến dịch vào ngày 20/1/1945, nhưng theo thư cầu cứu của Thủ tướng Anh Churchill đề nghị Hồng quân tấn công sớm chia sẻ gánh nặng với quân đội Đồng minh đang khó khăn trong Chiến dịch Ardennes nên nhà lãnh đạo Stalin đã chỉ thị tấn công sớm hơn, vào ngày 12/1/1945.

Lực lượng chủ yếu tham gia chiến dịch, tại cánh bắc là Phương diện quân (PDQ) Belorussia 1 do Nguyên soái Zhukov làm Tư lệnh, ở cánh nam là PDQ Ukraina 1 của Nguyên soái Konev. Tổng quân số là 2,2 triệu quân, 33.500 đại bác và súng cối, 7.000 xe tăng và pháo tự hành, 5.000 máy bay chiến đấu; ưu thế về quân số và vũ khí gấp 4 đến 5 lần đối phương.

Lực lượng Đức phòng thủ tại hướng này là Cụm TĐQ A, Tư lệnh - Đại tướng Josef Harpe (từ 17/1/1945 là Đại tướng Ferdinand Schörner). Khu vực phòng thủ của Đức được gia cố rất chắc chắn, có 7 giải phòng ngự với chiều sâu từ 300 đến 500km. Ngoài ra, các thành phố trong khu vực này đều được biến thành pháo đài trung tâm phòng ngự rất vững chãi. Các con sông ở mạn Warszawa – Berlin hầu hết đều chạy theo hướng Nam – Bắc và được quân Đức tận dụng biến thành các tuyến phòng thủ liên hoàn rắn chắc.

Ngày 12/1/1945, PDQ Ukraina 1 từ bàn đạp Sandomir trên sông Wisla kết hợp với cánh phải của PDQ Belorussia 4 phát triển tấn công về phía tây. Đây chính là Chiến dịch Sandomir-Silesia, phát triển tấn công theo hướng chung nhắm đến Breslau (Wroclaw). Ngày 14/1, PDQ Belorussia 1 kết hợp với cánh trái của PDQ Belorussia 2 tấn công từ 2 bàn đạp và Magnuszew. Đây là Chiến dịch Warszawa–Poznan, hướng tấn công nhắm vào phía Poznan.

Cho đến ngày 17/1, các PDQ của Konev và Zhukov đã đè bẹp các lực lượng phòng thủ chính của Cụm TĐQ A Đức trên diện rộng gần 500 km và đột phá sâu 100–160 km. Hồng quân giải phóng Warszawa, Radom, Chenstokhov, Radomsko và hơn 2.400 thành phố, điểm dân cư của Ba Lan.

Các lực lượng Đức được huy động từ Đức sang đã không thể vá lại lỗ thủng phòng ngự. Quân đội Liên Xô tấn công ào ạt với tốc độ trung bình 30-40km một ngày đêm. Ngày 19/1, các đơn vị tiên phong của PDQ Konev là TĐQ Xe tăng Cận vệ số 3, TĐQ Cận vệ số 5 và TĐQ 52 trên đà truy đuổi quân Đức đã tiến sâu vào đất Đức, trong khi cánh trái của Konev đã giải phóng thành phố Krakow.

Từ ngày 20 đến 25/1, PDQ Zhukov đập tan tuyến phòng thủ sông Varta và tuyến Poznan, bao vây và tiêu diệt khối quân Poznan gồm 6 vạn quân Đức. Từ ngày 22/1 đến 3/2, Hồng quân hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch, vượt sông Oder và lập các bàn đạp trên bờ tây tại khu vực Shteinau, Breslau, Oppelna và Kiustrin. Cùng thời gian, PDQ Ukraina 4 bên trái của PDQ Konev giải phóng toàn bộ miền nam Ba Lan và miền bắc Tiệp Khắc đến thượng nguồn sông Wisla.

Lúc này, hình thế của mặt trận tại hướng Berlin đã tạo thành một mũi nhọn ăn sâu về phía lãnh thổ Đức; tại hai sườn Bắc và Nam của Hồng quân là các khối quân Đức còn rất mạnh tại Pomerania, Đông Phổ và Silesia rất có thể sẽ phản công mạnh vào sườn hai PDQ Zhukov và Konev.

Vì vậy, ngày 3/2/1945, Hồng quân chủ động chấm dứt chiến dịch và ngay sau đó chuyển trọng tâm tấn công tiếp theo sang nhiệm vụ đánh tiêu diệt các khối quân Đức tại Pomerania, Đông Phổ và Silesia, đó là các chiến dịch Đông Phổ, Hạ Silesia và Thượng Silesia diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4/1945.

Chiến dịch Wisla - Oder là một thắng lợi rất to lớn của Hồng quân Liên Xô vào giai đoạn cuối của chiến tranh, đã tiêu diệt hoàn toàn 35 sư đoàn Đức, đánh thiệt hại nặng 25 sư đoàn khác, bắt sống 14 vạn tù binh và một lượng lớn vũ khí, khí tài của quân Đức; giải phóng đại bộ phận Ba Lan, tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân đội Đồng minh trên mặt trận phía Tây và là tiền đề để tiến hành các chiến dịch tiếp theo.

Đặc biệt, chiến dịch này đã đưa Hồng quân vào trung tâm nước Đức, chỉ còn cách thủ đô Berlin khoảng 60km theo đường chim bay. Từ các bàn đạp này, Hồng quân tiến hành chiến dịch Berlin đánh chiếm thủ đô Đức, buộc nước Đức Quốc xã phải đầu hàng.

Nguồn: Nguyên Phong/ Vietnamnet.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày