Không giống như những đường ray tàu thông thường luôn cố định trên mặt đất, đường sắt treo ngược là một khái niệm khá xa lạ. Các toa tàu được treo lơ lửng dưới đường ray trên cao để di chuyển trong khi hành khách có thể thưởng ngoạn quang cảnh ở bên dưới.
Hiện nay, những tuyến đường sắt treo chỉ có ở Nhật Bản và Đức, trong đó tuyến Wuppertal Schwebebahn là tuyến đường sắt lâu đời nhất và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Tất cả bắt đầu vào những năm 1880 tại Đức khi nền công nghiệp phát triển nhanh chóng, doanh nhân, kỹ sư Eugen Langen đã thử nghiệm một tuyến đường sắt treo để vận chuyển hàng hóa tại nhà máy đường của ông ở Cologne.
Lúc ấy, thành phố Wuppertal gần đó đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp dệt may địa phương. Từ những khu dân cư nhỏ lẻ dọc sông Wupper đã phát triển thành một khu đô thị 40.000 cư dân. Nhưng do địa hình thung lũng quanh co khiến đường sắt hay xe điện truyền thống khó tiếp cận nên các quan chức thành phố đã trưng cầu sáng kiến để giải quyết vấn đề giao thông.
Năm 1893, ông Langen đã đóng góp ý tưởng xây đường sắt treo cho thành phố và được triển khai. Việc xây dựng hệ thống bắt đầu từ năm 1898 và hoàn thành vào năm 1901. Gần 20.000 tấn thép đã được sử dụng để tạo ra đường ray trên cao chạy xuyên thành phố. Chiều dài toàn tuyến khoảng 13,3 km, kết nối 20 ga tàu được thiết kế đầy nghệ thuật. Đoàn tàu ban đầu gồm 2 toa với sức chở 65 người/toa, sau này được tăng lên 6 toa với tần suất 5 phút/chuyến. Trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, tuyến đường sắt vẫn đứng vững và dần trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố vì độ bền bỉ của nó.
“Không có gì xứng đáng trở thành biểu tượng của Wuppertal hơn tuyến đường sắt treo Schwebebahn. Nó vẫn luôn ở đó và tôi tự hào vì nó vẫn đang hoạt động đều đặn”, bà Rosemarie Weingarten, sinh năm 1933, một cư dân ở thành phố Wuppertal cho biết.
Tuyến đường sắt tưởng chừng lơ lửng nhưng lại vững chắc đến mức có thể chở được cả voi. Năm 1950, tuyến đường sắt này từng chở một chú voi Tuffi của đoàn xiếc nổi tiếng Althoff.
Ngày nay, tuyến đường sắt này không chở voi nữa mà được sử dụng để vận chuyển hành khách với sản lượng khoảng 25 triệu hành khách/năm trước đại dịch. Đáng buồn là các toa tàu thế hệ đầu tiên đã không còn mà thay thế bằng những toa tàu thế hệ mới với màu xanh bóng bảy, hiện đại, được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Mặc dù vậy, giá trị lịch sử của nó vẫn nguyên vẹn trong lòng hành khách hâm mộ.
“Niềm đam mê của tôi với Schwebebahn nằm ở cách thức nó được xây dựng cách đây hơn 100 năm”, kiến trúc sư Christian Busch sống ở nói. “Để thực hiện một công trình như vậy mà không có máy tính hỗ trợ là một điều không tưởng ngày nay.”
Một chuyến đi bằng Schwebebahn cho phép hành khách có cái nhìn toàn cảnh hơn về cuộc sống của cư dân địa phương, chưa kể nó là một trong những phương thức di chuyển an toàn nhất.
Cho đến năm 1999, Schwebebahn thậm chí còn được coi là phương tiện giao thông công cộng an toàn nhất, chỉ ghi nhận một số sự cố nhỏ trong gần 100 năm hoạt động. Tuy nhiên, tháng 4/1999, Schwebebahn đã trải qua những giờ phút đen tối nhất khi một đoàn tàu va phải một chiếc móc sắt nặng 100 kg bị bỏ lại tại một công trường xây dựng khiến 5 người chết và 47 người bị thương. Kể từ đó, tuyến đường sắt đã trải qua một số thăng trầm, đặc biệt là kể từ lần nâng cấp gần đây nhất, năm 2018 khi một tuyến cáp điện dài 350m đã sập xuống đường bên dưới khiến Schwebebahn dừng hoạt động trong gần 9 tháng. Tuyến đường sắt được mở cửa trở lại vào năm 2019 và đã được đón chào nồng nhiệt một lần nữa bởi người dân thành phố.
Với bề dày lịch sử và diện mạo mang tính biểu tượng, Schwebebahn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn hóa đại chúng. Đối với người dân địa phương cũng như du khách, Schwebebahn là địa điểm check-in yêu thích.
Kiến trúc sư Christian Busch cho biết: “Ngày nay, vì tính cố định và kinh tế, bê tông thường là lựa chọn cho các cơ sở hạ tầng của chúng tôi. Nhưng các dầm sắt của Schwebebahn cho phép các đoàn tàu vận chuyển hành khách mà không cần phải lo lắng đến lưu lượng giao thông bên dưới.”
Ở Nhật Bản cũng có một vài tuyến đường sắt treo, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến tuyến Shonan Monorail tại thành phố Kamakura. Được coi là tuyến đường sắt “chị em” của Schwebebahn, tuyến đường sắt Shonan đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy đường sắt treo như một phương thức đi lại bền vững. Toàn bộ chiều dài của nó là 15,2 km với 2 đường tàu và 18 toa tổng cộng. Đường tàu đầu tiên được ra mắt từ năm 1988, đoạn thứ 2 thành lập 11 năm sau đó.
Ngày nay, nếu có dịp đến thăm Wuppertal, hành khách vẫn có thể tham quan một toa tàu nguyên bản mà hoàng đế Wilhelm II và hoàng hậu Auguste Viktoria đã sử dụng vào năm 1900. Bên cạnh đó, toa tàu này hiện nay còn được sử dụng để cho thuê tổ chức sự kiện, đám cưới.
Nguồn: tapchigiathong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC