Ai cũng biết như vậy nhưng thực sự áp dụng lại rất ít. Hình như chúng ta rất thích “đi tắt đón đầu, nhiều nhanh tốt rẻ”. Nhưng hãy thử một lần suy ngẫm, đã có quốc sách đi tắt đón đầu nào đạt được thành công, có công nghệ nào tạo được sản phẩm “nhiều nhanh tốt rẻ”?
Chủ trương Đổi mới đã qua ba mươi năm, nếu “đón đầu” thì cái đầu ấy ở đâu, hay chúng ta vẫn còn tiếp tục tìm, tìm mãi… Hàng hóa của chúng ta phần không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước, vì hàng không nhiều, sản xuất không nhanh, chất lượng cũng chưa áp đảo được hàng ngoại và nhất là không rẻ!
Nếu như vậy, thì vì sao những khẩu hiệu “đi tắt đón đầu”, “nhiều nhanh tốt rẻ”…vẫn được ưa chuộng? Phải chăng tư duy của nhiều người bị ô nhiễm bởi “ý chí” đầu cơ, nên dễ tin vào những câu như thế. Đặt ra câu hỏi như thế trong những ngày cuối năm, nghĩ về hướng phát triển của kinh tế đất nước, tôi chợt nghĩ về những đặc tính của người Đức, về sự phát triển kinh tế của nước Đức. Hàng hóa của nước Đức từng là nỗi hổ thẹn, nhưng rồi đã trở thành chỉ dấu của chất lượng. Vậy đâu là lối tư duy giúp họ đột phá?
Thời kỳ ấy, các nước “đi trước” rất mệt mỏi khi phải tìm cách đối phó với hàng hóa đến từ nước Đức. Ngày 23-7-1887, nghị viện Anh thông qua tu chỉnh luật về thương hiệu, buộc hàng hóa Đức bán vào nước Anh và các thuộc địa Anh trên toàn thế giới phải ghi rõ “Made in Germany”. Cần nhớ rằng trong thời điểm ấy, việc ghi hàng sản xuất tại Đức đồng nghĩa với… hàng kém chất lượng. Vì vậy, đó là một sự sỉ nhục với nước Đức, cụ thể hơn là với hàng hóa của nước Đức!Nước Đức xây dựng nền công nghiệp chậm hơn các nước phát triển Âu – Mỹ. Thế nên, họ phải kinh qua giai đoạn học tập từ nước Anh, nước Pháp và thời kỳ đầu công nghiệp hóa, họ cũng trải qua công đoạn “ăn cắp kỹ thuật”, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng, mô phỏng theo thương hiệu của nước ngoài… để có được thị trường tiêu thụ.
Nền giáo dục của Đức lúc bấy giờ cũng có vấn đề. Sản phẩm của giáo dục đại học – những sinh viên ra trường – khá xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế – xã hội đương thời. Người Đức tìm hiểu vấn đề và tìm ra đáp án ở nước Mỹ, nơi đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường đều hòa nhập ngay vào nền kinh tế, làm việc, kinh doanh, tạo dựng sự nghiệp. Trong khi đó, sinh viên Đức sau tốt nghiệp lại… vào phòng thí nghiệm.
Người Đức nhận thức được thế nào là “lý luận kết hợp với thực tiễn”, để quyết tâm thay đổi. Nền công nghiệp Đức sau đó đã phát triển trên cơ sở của sự liên kết chặt chẽ giữa đội ngũ nhà khoa học hàng đầu thế giới với các kỹ sư, công nhân qua đào tạo và doanh nghiệp, lấy thị trường làm thước đo đánh giá chất lượng mọi sản phẩm. Một bước phát triển nhảy vọt cho nền kinh tế công nghiệp! Chỉ vài chục năm sau, những sản phẩm công nghiệp đa dạng, từ thiết bị cơ khí, máy móc, điện,… cho đến dụng cụ nhà bếp, văn phòng, thể thao v.v… đã ra đời và đều có chất lượng thuộc loại hàng đầu thế giới.
Dòng chữ “Made in Germany” đã trở thành biểu tượng có tính “chất lượng và niềm tin” của mọi người! Danh dự này được duy trì cho đến ngày nay. Vậy nên một đất nước có 80 triệu dân, trải qua hai lần tàn phá của thế chiến thứ nhất và thứ hai, nhưng hiện nay vẫn giữ được trên 3.200 thương hiệu hàng đầu thế giới. Trong đó nhiều công ty, thương hiệu có trên trăm tuổi.
Người Đức không phải là một dân tộc “có mới nới cũ”. Họ rất trân trọng những đồ vật, kiến trúc… đã lưu giữ ký ức, kinh nghiệm, văn hóa, lịch sử của họ. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, rất nhiều nhà cửa, công trình kiến trúc tại các thành phố của nước Đức bị tàn phá, đổ nát. Khi xây dựng lại, họ cố gắng phục hồi diện mạo cũ. Chính vì thế mà ngày nay, một nước Đức có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu lại không có nhiều nhà cao tầng theo kiểu hiện đại. Đa phần nhà cửa tại các thành phố lớn nhỏ đều giữ phong cách kiến trúc Baroque, Rococo cổ xưa.Có vị giáo sư người Đức, sử dụng một chiếc radio cổ từ thời còn dùng đèn tube, chất lượng âm thanh vẫn tuyệt vời. Khi có người hỏi ông tại sao còn dùng loại radio cổ lỗ sĩ này, ông đáp rằng tuy sản phẩm rất cũ, sản xuất từ thập niên 60 của thế kỷ trước nhưng còn rất tốt, không có lý do gì để bỏ đi cả. “Hơn nữa, chiếc radio này đã lưu lại biết bao kỷ niệm của tôi thời niên thiếu, tôi vô cùng quý mến nó!”.
Chính nhờ tinh thần yêu nước và trân trọng bản sắc văn hóa Đức như thế, nên các kiến trúc sư, các nhà sản xuất luôn tận tâm với sản phẩm của mình. Vì một sản phẩm được làm ra không chỉ có mục đích sử dụng, mà còn chứa đựng trong đó danh dự của người sáng tạo, sản xuất. Đó cũng là “giá trị quan” của người Đức.
Còn về kinh tế, người Đức cho rằng quá trình sản xuất phải an toàn, hài hòa, ngay cả sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao cũng phải có giá trị sử dụng thiết thực. Đó mới là linh hồn của một doanh nghiệp. Doanh nhân Đức không xem tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu. Hoạt động của một doanh nghiệp không chỉ là tìm lợi ích kinh doanh mà tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mới là thiên chức của nhà doanh nghiệp Đức.
Chính vì thế ở Đức không có loại doanh nghiệp “qua một đêm” bạo phát giàu lên hay nổi tiếng vang lừng. Họ thường chú tâm vào một lĩnh vực, sản phẩm nào đó, khởi đầu là một công ty nhỏ và từ từ trưởng thành. Doanh nghiệp Đức không cạnh tranh nhau bằng giá rẻ mà chỉ cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Họ tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh với một mức độ cần phải có và sẵn sàng chuyển phần lớn lợi nhuận để đầu tư vào chất lượng sản phẩm, phục vụ hậu mãi, nhằm đảm bảo phát triển doanh nghiệp bền vững.
Một người nước ngoài hỏi giám đốc của Fissler, hãng sản xuất sản phẩm xoong nồi kim loại, rằng các ông sản xuất loại nồi kim loại quá bền (có thể sử dụng cả trăm năm) như vậy thì người mua cả đời cũng không trở lại mua lần thứ hai. Nghĩa là bán được một lần và… mất đi khách hàng đó vĩnh viễn. Nếu sản xuất ra sản phẩm chỉ dùng trong 20 năm, khách hàng còn có dịp trở lại mua và doanh nghiệp sẽ có thêm lợi nhuận, vậy có phải hay hơn không! Vị giám đốc Fissler trả lời rằng, khách hàng tuy không trở lại nhưng sau thời gian dùng sản phẩm, thấy quá tốt, nên tín nhiệm và sẽ muốn giới thiệu sản phẩm tốt ấy cho nhiều người khác đến mua. Ông cho biết thêm, mấy chục năm qua, Fissler mới bán được khoảng 100 triệu sản phẩm, trong khi cả thế giới có tới 7 tỉ người, một thị trường vô cùng lớn để phát triển. Ngoài ra, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, sử dụng được lâu dài chính là sự tiết kiệm hiệu quả nhất trong việc sử dụng nguyên vật liệu. Đó như là một phần thưởng và là niềm tự hào của người sản xuất!
Trong xây dựng đô thị, người Đức không lấy ngành bất động sản làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó mỗi tòa nhà xây lên đều được xem là sản phẩm nghệ thuật của kiến trúc sư. Tám mươi triệu người Đức sống phân bổ trong các thị trấn, thành phố trung bình nhỏ là chủ yếu. Chỉ các thành phố lớn Berlin, Hamburg, Munich có trên 1 triệu dân, trong số còn lại thì đô thị có từ 50 ngàn đến 200 ngàn dân là chủ yếu. Họ cho rằng thành phố nhỏ sẽ tránh được nạn kẹt xe, dễ giữ thói quen đúng giờ. Để ngăn ngừa tình trạng kẹt xe, trong quản lý đô thị, các nhà làm quy hoạch đưa ra hai điều kiện. Thứ nhất là nhà xây dựng không được cao quá năm tầng, nếu muốn xây cao hơn thì phải được nghị viện đô thị thông qua. Nhà càng cao thì không gian trống chung quanh phải đủ rộng theo tỷ lệ độ cao. Điều thứ hai là phân nửa đất thành phố phải được dành cho giao thông.
Qua những câu chuyện được khái quát ở trên, chúng ta cũng hiểu là người tiêu dùng Đức dĩ nhiên không tin rằng có loại hàng hóa vừa rẻ vừa tốt, họ cũng không tin có phương thức sản xuất “nhiều nhanh tốt rẻ”. Chiến lược phát triển kinh tế của họ theo phương thức tiệm tiến, từng bước tiến lên. Có tăng trưởng nhanh cũng dựa trên cơ sở nền tảng vững chắc. Càng không thấy họ nói đến có phương thức phát triển nhảy vọt, đi tắt đón đầu. Đặc tính sản phẩm, kinh tế văn hóa của nước Đức, dân tộc Đức, một mô hình phát triển kinh tế xã hội bền vững như vậy rất đáng được chúng ta tham khảo và học tập. Bên cạnh đó, những chính sách và ưu đãi dành cho các du học sinh xứng đáng để khẳng định du học Đức là một lựa chọn tối ưu hiện nay.
Nguồn: Viet nam net
© 2024 | Thời báo ĐỨC