Đi qua vùng núi non Cascades cảnh sắc như trên dãy Alps của châu Âu, những chuyến xe du lịch thường dừng lại bên làng Leavenworth nhỏ bé. Ở đó, dạo bước giữa khu phố có những mái nhà nghiêng nghiêng lợp ngói nâu, những ban công và mái hiên gỗ gọt cắt công phu treo cỏ hoa đủ sắc, lữ khách thường bỗng thấy mình như vừa lạc bước sang vùng Bavaria ở Miền Nam nước Đức.
Bảng chào của “xứ này” có chỗ không ghi tiếng Anh mà lại ghi tiếng Đức: “Wilkommen in Leavenworth”, với nét chữ kiểu Fraktur như trong văn tự Tây Âu thời Trung Cổ. Cảm giác thực thực hư hư sẽ theo khách vào cả những cửa hàng mà biển hiệu cũng luôn viết chữ kiểu Fraktur, bán những món rất Đức, từ đồ lưu niệm được sản xuất thủ công vẽ khắc hoa văn Bavaria, đến ẩm thực vùng sơn cước Alps như xúc xích, bắp cải chua, đùi heo nướng muối, và bia!
Có người đứng đó, nhìn ngắm những mái nhà Bavaria xinh xắn giữa vùng phong cảnh như núi Alps, lâng lâng nghĩ: Ta đang ở Đức ư?
Nét kiến trúc Bavaria của Miền Nam nước Đức thấp thoáng trong mọi công trình ở làng Leavenworth. Hình ảnh của du khách Võ Xuân Sơn, Du lịch Hoàn Mỹ, © All rights reserved.
Không! Leavenworth cách thủ phủ Munich (Munchen) của Bavaria đến 9.000 cây số. Nơi này vốn là thung lũng Icicle nhiều hươu nai của người da đỏ, trước khi người da trắng đến khai thác gỗ và đưa đường sắt vươn tới vào năm 1893. Nhà máy gỗ lớn nhất bang Washington, trụ sở hãng hỏa xa Great Northern Railway, và các công xưởng đường sắt mở trong những năm 1900 làm nơi này hưng vượng lên.
Nhưng rồi ngành đường sắt và các công xưởng lại dọn đi trong những năm 1920, khi các tuyến xe lửa tránh đi qua Leavenworth vì lở tuyết liên miên trong vùng Cascades. Cuộc Đại Suy Thoái những năm 1930 làm nơi này hoang vắng thêm. Cho đến khi Ted Price và Bob Rodgers từ Seattle đến mua quán Cole’s Corner Café lỗ bét năm 1960, sửa nó thành nhà hàng Squirrel Tree có kiến trúc và phong cách phục vụ kiểu Swiss-Bavaria khiến khách qua Highway 2 thích thú kéo vào.
Là chủ tịch Hội đồng Project LIFE (dự án tái thiết Leavenworth của chính quyền sở tại và Đại học Washington), Price phát triển ý tưởng biến thị tứ đìu hiu thành làng du lịch theo chủ đề Bavaria. Năm 1965, đến làng Solvang ở California khảo sát, Price củng cố thêm kế hoạch. Ở Solvang, những người nhập cư Đan Mạch đã xây nhà theo kiến trúc cổ của cố hương để giữ gìn bản sắc, còn ở Leavenworth, kiến trúc cổ Bavarian được chọn vì phù hợp với những ngọn núi xung quanh có cảnh sắc gợi nhớ đến vùng Alps.
Nét kiến trúc Bavaria của Miền Nam nước Đức trong mọi công trình ở làng Leavenworth. Hình ảnh của Hướng dẫn viên Hà Trung Phước, Du lịch Hoàn Mỹ, © All rights reserved.
Kiến trúc sư gốc Đức Heinz Ulbricht đã tham gia chỉnh trang Leavenworth, mang lại sinh khí mới cho cả một dãy phố. Công trình đầu tiên được sửa sang là khách sạn Chikamin sau đó đổi tên thành khách sạn Edelweiss, loài hoa biểu tượng của bang Bavaria. Hơn 1.500 dân Leavenworth đã đồng lòng góp sức biến cả thị trấn thành làng Đức. Những lễ hội Đức nổi tiếng cũng được cả làng góp sức tổ chức, từ Autumn Leaf Festival, Maifest, đến Oktoberfest.
Leavenworth từ đó trở thành một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch Tây Bắc Mỹ. Ngày nay, mỗi năm có 2 triệu khách du lịch tìm đến khu làng có 2.000 dân này để thưởng thức phong vị Đức – Bavaria. Đi qua những khu phố duyên dáng và những lễ hội truyền thống tưng bừng, khách thập phương không khỏi ngỡ ngàng về câu chuyện tái sinh đầy ngoạn mục của một thị tứ suy tàn, về một tinh thần sống đoàn kết và mạnh mẽ của dân Leavenworth.
Bạn thích những căn nhà Bavaria ở Leavenworth ư? Hãy nhớ, trổ mái hiên và dựng hàng rào ở xứ này là phải xin phép và phải tuân thủ các quy cách Bavaria của chính quyền.
Hình ảnh chủ đề của Robb Hannawacker, Flickr, Public Domain Mark 1.0.
© 2024 | Thời báo ĐỨC