Tìm hiểu hệ thống trường đại học tư ở Đức

So với nhiều quốc gia công nghiệp hệ thống trường đại học tư ở Đức thuộc loại “sinh sau đẻ muộn”. Mãi đến năm 1980 trường ĐH tư đầu tiên mới được công nhận. Chúng ta hãy xem các trường ĐH tư ở Đức phát triển như thế nào.

132 1 Tim Hieu He Thong Truong Dai Hoc Tu O Duc

Tới nay tại Đức đã có gần 100 ĐH tư được Nhà nước công nhận, chiếm khoảng một phần tư tổng số trường ĐH và thu hút khoảng 5% tổng số SV. Từ năm 2004 Hiệp hội các trường ĐH tư ở Đức được thành lập và nay có khoảng hơn 70 thành viên.

Cơ sở pháp lý

Tại Đức cơ quan ra quyết định công nhận một trường ĐH tư là Hội đồng Khoa học Quốc gia. Đây là hội đồng tư vấn chính sách khoa học quan trọng nhất của Đức. Ủy viên hội đồng là những nhà khoa học được các hiệp hội nghiên cứu khoa học hàng đầu của Đức đề cử và những người đại diện nhà nước được Chính phủ Liên bang, Chính phủ các bang đề cử và được Tổng thống bổ nhiệm. Một trong những nhiệm vụ của Hội đồng Khoa học Quốc gia là công nhận trường ĐH tư.

Tại Đức, trường ĐH tư là một chủ đề được xã hội rất quan tâm. Trường ĐH tư có thực sự tốt không và ai là đối tượng theo học tại các trường ĐH tư?

Điểm mạnh của ĐH tư

Tại đa số ĐH tư, một học kỳ học ở nước ngoài trong mỗi khóa học là nội dung bắt buộc. Ngoài ra nhiều ngành học được giảng dạy đa ngôn ngữ và SV có thể học nhiều khóa tiếng Anh. Thông qua quan hệ hợp tác với doanh nghiệp SV sớm thiết lập quan hệ với bên sử dụng lao động tương lai và đi thực tập ở những cơ sở đó. Giảng viên truyền đạt năng lực và kiến thức thường là những chuyên gia đến từ thực tế. Một điểm mạnh của ĐH tư là có các khóa học giành cho người vừa đi làm, vừa đi học. Với giờ lên lớp linh hoạt sau giờ hành chính và trong những ngày cuối tuần ĐH tư đặc biệt hấp dẫn đối với những người đang đi làm. Về điểm này ĐH tư hơn hẳn ĐH công.

Vì thu học phí rất cao nên ĐH tư thường được trang bị tốt hơn và thu hút được những giáo sư nổi tiếng về giảng dạy.

Vì không phải ai cũng có tiền để theo học nên số lượng SV trong ĐH tư không lớn và vì thế sĩ số mỗi lớp thường nhỏ, nên giảng viên có thể chăm sóc, giúp đỡ từng SV.

ĐH tư không bị phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh của nhà nước.

Điểm yếu của ĐH tư

Về ngành nghề đào tạo, ĐH tư chỉ nhằm vào “những lổ hổng” trong hệ thống ngành nghề, thường là những chuyên ngành kinh tế. Nói chung diện ngành nghề đào tạo trong ĐH tư khá hẹp. Ai muốn theo con đường nghiên cứu khoa học đều phải chọn ĐH công. Chỉ chưa đầy 10% ĐH tư SV tốt nghiệp được phép làm luận án tiến sĩ. Tuy các ĐH tư đều phải qua được kỳ “sát hạch chất lượng” bắt buộc, nhưng GS Frank Ziegele (Trung tâm Nghiên cứu phát triển đại học) vẫn thấy các ĐH công có lợi thế hơn về chất lượng: “đơn giản là người ta biết quá ít về chất lượng của ĐH tư, vì không phải đứng sau trường ĐH tư nào cũng là một cái tên nổi tiếng”.

So với ĐH công thì tiền học phí tại ĐH tư rất cao.

Làm sao để nhận biết một ĐH tư tốt?

Hội đồng khoa học quốc gia công bố các bản báo cáo của các trường ĐH trên Interrnet. Những ĐH tư tốt đều công bố báo cáo về những SV của họ ra trường nay làm gì. Một ĐH tư tốt phải có đối tác thường xuyên trong giới kinh tế và nghiên cứu khoa học. Hàng năm Trung tâm nghiên cứu phát triển đại học đều đưa ra một bảng xếp hạng các trường ĐH ở Đức. Đây cũng là một cơ sở để nhận biết một ĐH tư tốt hay yếu kém.

Chi phí một khóa học trong ĐH tư là bao nhiêu?

Tổng chi phí cho một khóa học ĐH tư được tính từ nhiều khoản. Có trường tính theo tháng, học kỳ, hoặc cho toàn khóa. Học phí dao động từ 350 euro một tháng (khoảng 9,3 triệu đồng) đến tổng chi phí 50.000 euro (khoảng hơn 1,3 tỷ đồng) cho toàn khóa học. Thêm vào đó là lệ phí thi cử. Để bảo đảm thu được học phí đa số ĐH tư ký với từng SV một hợp đồng đào tạo chi tiết.

Kết luận

Tại Anh và Mỹ ĐH tư là điểm đến đầu tiên của tầng lớp ưu tú tương lai. Ai theo học tại các ĐH tư danh tiếng như Harvard, Yale, Oxford hoặc Cambridge là cầm chắc một tương lai mầu hồng trong tay.

Tại Đức vai trò của ĐH tư khác hẳn. Bí quyết thành công (cho đến nay) của ĐH tư ở Đức là tỷ lệ “thực tiễn hóa” trong chương trình đào tạo rất cao. Khoảng 80-90% ĐH tư ở Đức là loại hình đại học chuyên ngành. Như vậy cái gọi là “lò đào tạo lãnh đạo tương lai” chỉ đúng với một vài trường ĐH tư ở Đức mà thôi. Đa số ĐH tư ở Đức đào tạo những người mà lẽ ra không bao giờ theo học đại học thông thường được. Tại Đức, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, các trường đều phải tự trang trải chi phí từ nguồn học phí, tiền quyên góp hoặc tài trợ của các quỹ tư nhân hoặc doanh nghiệp.

Cho dù các trường ĐH tư của Đức còn lâu mới bén gốc được các bậc tiền bối ở Mỹ, ở Anh, nhưng tại Đức các trường ĐH tư cũng đã tạo nên một “lớp ưu tú”. Tuy nhiên sự “ưu tú” đó xuất phát từ học phí cao ngất ngưởng, chứ không phải từ chất lượng đào tạo cao trên mức bình thường. Tuy vậy tại Đức ai muốn học đại học trong thời gian ngắn nhất để sớm đi làm – và tất nhiên có đủ tiền nữa – thì ĐH tư là sự lựa chọn đúng đắn.

Đông Đức (SSDH) – Theo GDTD


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày