Bạn sắp sửa tốt nghiệp và đang loay hoay tìm cách để tránh bị thất nghiệp sau khi ra trường? Đặc biệt đối với những bạn đang sinh sống và học tập ở nước ngoài thì nỗi lo tìm việc sẽ còn đáng quan tâm hơn gấp bội với sự cạnh tranh công việc ở nước ngoài cũng như trong nước.
Điều này rất dễ hiểu, nếu các bạn có nguyện vọng trở về và tìm việc trong nước sau thời gian du học, bạn chắc chắn phải cần thời gian để thích nghi lại với thị trường việc làm trong nước, cũng như làm quen lại với môi trường làm việc.
Ngoài ra, vẫn còn một số nguyên nhân chủ quan khác khiến cho bạn khó tìm được công việc ổn định mặc dù bạn trở về sau thời gian học tập tại các trường thuộc Top ở Mỹ, Anh, Úc, Singapore,..
2 nguyên nhân chủ quan khiến du học sinh khó tìm được việc sau khi trở về:
'Cái tôi' quá cao là trở ngại lớn nhất của du học sinh sau khi về nước:
Du học sinh về nước thường 'ảo tưởng sức mạnh' cho rằng mình phải làm được vị trí này nọ, kiểu như 'Tôi đi học ở Tây về, tôi có cả kho kiến thức chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực tôi đang theo đuổi, tôi có kinh nghiệm thực tập ở các công ty lớn bên kia... vì thế lương của tôi phải gấp 2, gấp 3 lần nhân viên bình thường ở đây.'... Và còn hằng hà sa số những 'đặc cách trên trời' mà các bạn tự tưởng tượng ra dành cho mình, dành cho một du học sinh.
Để rồi khi không được nhận làm việc ở đâu, các bạn lại đâm ra mặc cảm với chính bạn bè của mình, những người học Đại học trong nước hay chỉ có bằng Cử nhân, nhưng đã có công việc ổn định và thăng tiến ào ào. Trong khi đó thì mình vẫn ì ạch đi xin việc.
Quá kỳ vọng và khả năng thích ứng kém sẽ khiến bạn rất dễ nản và nhanh chóng bỏ cuộc!
Lương thấp, trong khi chi phí du học đã bỏ ra quá cao:
Nếu bạn vẫn tiếp tục so sánh đồng tiền Việt Nam với đồng tiền nước ngoài, bạn sẽ còn thất nghiệp dài dài!
Với mức lương 8 -10 triệu/ tháng thì hoàn toàn không thấm thía vào đâu so với số tiền đã bỏ ra trong suốt 4 -5 năm học tập ở xứ người, điều này sẽ rất dễ khiến bạn chán nản.
Ai cũng hiểu cả, nhưng vấn đề ở đây bạn cần phải so sánh thêm về mức sống giữa hai đất nước và đừng vội phán xét.
Hơn nữa, phải nhìn nhận vào thực tế rằng, so với sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam, du học sinh kém lợi thế hơn hẳn trên sân nhà. Kinh nghiệm không bằng, mức độ hiểu thị trường ít ỏi... nhưng cứ đòi lương cao gấp 2, gấp 3 sinh viên trong nước thì ai nhận các bạn vào làm!
Vậy, làm sao để tránh thất nghiệp sau khi du học về?
Việc đầu tiên bạn cần làm để tránh vấn đề ai cũng muốn tránh này là, hãy thay đổi suy nghĩ của mình, sống tích cực và không ngừng học hỏi. Còn dưới đây là vài gợi ý có thể sẽ hữu ích để bạn áp dụng trong quá trình xây dựng kiến thức và tìm kiếm một công việc mơ ước!
1. Làm công việc bạn muốn làm sau này trong thời gian còn đi học
Tích lũy kinh nghiệm làm việc cho bạn từ những công việc bán thời gian đơn giản nhất. Đừng chờ đến khi đi thực tập mới bắt đầu làm quen với môi trường làm việc, như vậy có lẽ hơi trễ hơn so với các bạn khác đấy!
2. Nên biết vị trí mình đang ở đâu!
Bạn nên nhớ rằng, không có một sự ưu tiên nào khi bạn là cựu du học sinh đi xin việc! Người có năng lực thực sự là người có thể tự đánh giá được năng lực của bản thân mình. Có lẽ hơi trừu tượng, nhưng điều này chỉ muốn nói với bạn rằng đừng vội vàng từ chối những cơ hội làm việc đến với bạn chỉ vì việc đó không cho bạn cơ hội được áp dụng những gì bạn học, hoặc mức lương trung bình không như bạn mong đợi.
3. Luôn theo dõi thị trường việc làm trong nước
Nếu kế hoạch của bạn là trở về sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, đừng lơ là những gì đang diễn ra đối với thị trường việc làm trong nước trong suốt thời gian du học. Đó là lời khuyên chân thành!
Với thời buổi công nghệ hiện đại như ngày nay, thật dễ dàng để bạn có thể tìm kiếm thông tin trong nước qua các bài báo online, các hội nhóm trên mạng xã hội, thông qua bạn bè và người thân... Nếu tất cả đã có sẵn cho bạn, đừng bỏ qua cơ hội!
4. Thích ứng với những khác biệt
Cũng như trước kia khi bạn đi du học, bạn cũng đã phải mất một thời gian để thích nghi với môi trường sống mới, thì bây giờ khi bạn bạn trở về, bạn cũng nên tập làm quen với những thay đổi diễn ra trên đất nước của mình.
Hãy học cách thích nghi với việc 'shock văn hóa ngược' bằng cách gặp gỡ và nói chuyện với những người bạn cũng đã từng du học như bạn, giữ liên lạc với những bạn ở nước ngoài, kể cho họ nghe về những thay đổi tại quốc gia của bạn... Hãy vượt qua nó!
5. Không ngừng xây dựng mối quan hệ dù cho bạn đang ở nước ngoài
Luôn giữ liên lạc với những người bạn, họ sẽ là 'cầu nối' để bạn có thể mở rộng networking của mình dù cho bạn đang ở nước ngoài. Và ai biết được, trong số những contacts bạn có được sẽ là quản lý của một công ty lớn, những nhà kinh doanh đang có ý tưởng khởi nghiệp... Và có thể bạn sẽ trở thành một thành viên trong công ty của họ sau khi về nước.
Trở về nước sau khi du học và tham gia vào thị trường lao động trong nước có thể là một thử thách lớn cho bạn. Cho nên, việc quan trọng là bạn lên kế hoạch như thế nào trước khi trở về. Thư giãn đi, vì trở về quê hương của mình lúc nào cũng tuyệt vời nhất, phải không nào?
Nguồn: Báo đất việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC