Nhiều nơi giảm doanh thu, người ta cắt bớt nhân lực, mình còn có việc làm và được nhận lương là may mắn rồi!
"Đôi lúc mình cũng muốn về vì cảm thấy Việt Nam an toàn hơn rất nhiều nhưng nghĩ lại, sân bay cũng là một trong những nơi có khả năng lây nhiễm dịch bệnh cao. Mà đường ra sân bay đâu có ngắn, hoàn toàn phải dùng phương tiện công cộng, trong quá trình đó lỡ như có vấn đề gì, kể cả có được về nước, được cách ly, thì mình cũng trở thành một ca nhiễm rồi.
Nếu về tầm này thì mẹ mình sẽ phải mua vé máy bay cho, phải nuôi mình thêm ít nhất khoảng nửa năm khi mình ở nhà nữa, còn tiền nhà, tiền học phí. Mẹ mình về hưu rồi nên bản thân mình không muốn mẹ gánh nặng những khoản đó. Giờ cũng không thể về Việt Nam, ở lại thì không thể ngồi không được, thời điểm này mẹ cũng khó khăn nên mình chỉ còn cách tiếp tục đi làm thôi. Vậy là mình đã quyết định ở đây tiếp tục làm việc và cẩn thận hơn, hơn nữa lúc này còn có việc làm, còn được nhận lương là may mắn rồi! Nhiều nơi cũng giảm doanh thu, người ta còn cắt bớt nhân lực chứ đừng nói là nhận lương hay tăng lương.
Trước những khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 gây ra, cũng lên kế hoạch quản lý tài chính của bản thân hợp lý hơn. Nữ du học sinh hạn chế những khoản chi không cần thiết vì dù được giảm học phí, có học bổng nhưng đến lúc đóng học phí xong, số tiền còn lại cũng không dư giả. Nhà trọ của cô bạn ở chưa có chính sách miễn giảm hoặc hỗ trợ cho sinh viên, còn nhà trường ngoài việc yêu cầu sinh viên đo thân nhiệt 2 ngày 1 lần và điền vào form nộp cho trường, luôn theo dõi sức khỏe, và chuyển qua học online, thì cũng không có chính sách gì đặc biệt.
Khi các du học sinh ồ ạt đáp chuyến bay hồi hương để tránh dịch, phụ huynh không ít lần gọi điện qua giục về nước. Còn cho đến bây giờ thì mỗi ngày đều gọi video để mẹ yên tâm được. Dù biết là dịch bệnh nguy hiểm nhưng vẫn quyết định ở lại và tranh thủ đi làm vì không muốn mẹ thêm gánh nặng về tài chính. "Chưa kể, lúc nào mình cũng muốn tích góp một khoản gửi về cho mẹ nhưng mà cũng khá chật vật vì tự sống được ở đây không cần trợ cấp đã khó rồi, đợt này lại thêm dịch bệnh nên để gửi về được chắc phải đợi đến khi đi làm."
Cô bạn chủ động đo thân nhiệt mỗi ngày, ăn uống đủ chất, bổ sung dưỡng chất để hệ miễn dịch tốt hơn, chú ý rửa tay sát khuẩn đầy đủ. Nếu trường hợp xấu nhất có triệu chứng họ sốt xảy ra, Bích cũng đã có kế hoạch thông báo cho nhà trường, cho bệnh viện, rồi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật để được hỗ trợ kịp thời nhất. Ngoài những lúc đi học đi làm, cô bạn học thêm tiếng Nhật, hoặc dọn dẹp, đi siêu thị mua thực phẩm tươi về chế biến theo kiểu Việt Nam, dùng gia vị Việt Nam. Bích nói: "Giờ chỉ còn cách cẩn thận hơn, tự chăm sóc tốt cho bản thân, mình vẫn đang rất ổn, và sẽ luôn cố gắng để tự chăm sóc tốt cho bản thân, tích cực chăm sóc sức khỏe và để ý đến mọi dấu hiệu của cơ thể, lúc nào cũng ăn chín uống sôi, đi đâu cũng rửa tay sát khuẩn, thậm chí sát khuẩn cả điện thoại. Và dù ở đâu mình vẫn hướng về Việt Nam, đối với mình Việt Nam luôn luôn tuyệt vời, lúc nào cũng đầy tin tưởng và tự hào về công tác chống dịch của quê hương!"
Ở lại thì có bạn bị mất việc làm, hết tiền nhà
Lê Vũ Anh Thư, đang học năm thứ nhất bằng Cử nhân về quản trị du lịch khách sạn trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc chia sẻ, năm 2020 khá là khó khăn với du học sinh cho cả những bạn đã, đang và sẽ đi du học.Anh Thư cho rằng, phần lớn du học sinh phải đứng giữa lựa chọn khó khăn rằng xin bảo lưu về Việt Nam tránh dịch hay là đánh đổi sức khỏe ở lại nước ngoài.
"Du học sinh đã phải đấu tranh tâm lý, luôn để ý vé máy bay về cũng như các suất cứu trợ của chính phủ"- Anh Thư nói. Anh Thư cho rằng, nhiều du học sinh khác cũng giống như Thư đã xin bảo lưu để về Việt Nam đã phải chậm lại hẳn 1-2 học kỳ. Đồng thời phải xin kéo dài visa, đóng thêm bảo hiểm, tiền nhà, tiền điện thoại. Khi về Việt Nam, việc học online trong tình trạng lệch múi giờ nên rất vất vả. Deadline nào cũng bị sớm hơn các bạn ở nước ngoài mất 4-5 tiếng. Có những ngày phải dậy giữa 2h sáng dậy học, 4h sáng dậy thi online. Bản thân Thư cũng phải nhờ các bạn ở Úc mua hộ sách để học.
"Có bạn cháu về Việt Nam đợt Tết nhưng bị gọi về Đức để giữ visa. Việc ở lại nước ngoài chủ yếu học online khá chật vật. Các bạn bị mất việc làm, hết tiền nhà mà cũng không có wifi ổn định để học online"- Thư chia sẻ.
Chưa biết lúc nào có thể đến trường học
Em Nguyễn Hoài An đang là học sinh lớp 12 của trường chuyên có tiếng ở Hà Nội chia sẻ, em đã hoàn tất xong thủ tục để sang năm tới sang du học bên Úc. Đến thời điểm hiện tại, gia đình em đã phải chi hơn một tỷ đồng cho tiền học phí năm đầu, tiền ký túc xá,..
Đóng một lúc với số tiền lớn như vậy nhưng Hoài An chia sẻ, theo lịch có thể tháng 7/2021 có thể sang học nhưng nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn thì có thể phải đẩy lùi tới đầu năm 2022 hoặc lâu hơn nữa.
Tương tự, em Nguyễn Hoàng My, học sinh lớp 12 chuyên Pháp cho biết, năm 2019, mẹ đã đưa em đã sang Pháp để thăm và tìm hiểu các trường. Đến thời điểm này, mọi thủ tục đã hoàn tất, tuy nhiên, em không biết đến thời điểm nào có thể sang học là trong năm nay hay phải đến đầu năm 2022.
"Nếu dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn các du học sinh sẽ không thể đến trường học mà học trực tuyến. Việc đi du học như bọn em có thể chậm một kì hoặc cả năm tùy thuộc vào tình hình của Covid-19. Vậy mà, tiền học phí, tiền ký túc đã phải chuyển sang đóng gần như đầy đủ hết"- My than thở.
Nguồn: Tổng hợp
© 2024 | Thời báo ĐỨC