Du học Đức luôn là thiên đường cho những ai có ước mơ du học, bởi bên cạnh việc miễn học phí, những trải nghiệm quý giá mà bạn nhận được, không phải ai cũng có cơ hội, dù chỉ một lần trong đời.
Sang được Đức học đã khó, học cho xong còn khó khăn hơn rất nhiều khi xung quanh có biết bao cám dỗ trực chờ.
ảnh minh họa University of Leeds
1. Đi làm nhiều hơn đi học
Sinh viên bên này được phép đi làm đến 450€/ tháng không phải trả thuế, như vậy, bình quân sẽ làm việc từ 2 đến 3 ngày mỗi tuần và mỗi ngày sẽ làm khoảng 5-6 hoặc thậm chí 7-8 tiếng (tùy theo mức lương) để có mức thu nhập đó.
Không chỉ Sinh viên mới sang thích làm việc ở các tiệm ăn/ nhà hàng do người Việt làm chủ mà cả những Sinh viên đã sang lâu cũng vậy.
Lí do: Tiếng Đức không biết nhiều, làm thêm giờ nhưng thoả thuận ngầm đưa tay, làm chui và quan trọng nhất là có thể linh hoạt hơn trong việc sắp xếp giờ làm.
Ví dụ: Sau kỳ thi, Sinh viên có nhiều thời gian rảnh rỗi có thể bảo với chủ làm nhiều giờ hơn và giảm giờ hoặc không làm nếu phải đi thi. Điều này là rất khó nếu làm việc cho chủ người Đức.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều, rất nhiều Sinh viên, không chỉ trong ngày nghỉ, mà cả trong những kỳ học, vẫn đều đặn đến quán hơn là lên giảng đường.
Đồng tiền nhìn thấy và cầm trên tay ngay lúc ấy, cần thiết đấy nhưng chỉ là cái tạm thời trước mắt.
Lấy ngắn nuôi dài" nhưng hãy nhớ, đừng bao giờ bỏ bẵng đi cái mục đích lúc đầu: Đi du học!
2. Sống thử nhưng "chết" thật
Sinh viên sang Đức du học cũng giống như, Sinh viên các tỉnh lên thành phố lớn học ở Việt Nam.
Không gia đình bên cạnh, không họ hàng xung quanh, Sinh viên Việt dễ dàng "cặp" với nhau và chỉ sau một vài tháng là đến giai đoạn "góp gạo thổi cơm chung".
Tiết kiệm tiền nhà, tiết kiệm thời gian đi lại- thăm hỏi- nhớ nhung, sinh viên khi sống thử còn "tiết kiệm" thêm cả giờ học và giờ lên lớp.
Việc học do đó mà kéo dài, không chỉ vài học kỳ, không chỉ một hai năm mà chuyện sinh viên Việt học kéo dài vài năm, thi cử trượt lên trượt xuống là điều chẳng còn quá xa lạ.
Sống trong cảnh xa nhà, thiếu thốn tình cảm, không phải ai cũng bản lĩnh chọn cho mình cách sống đúng với mong muốn và hướng đi lúc đầu.
Biết bao cám dỗ (cả vật chất lẫn tinh thần), biết bao khó khăn cứ chỉ trực chờ bạn nhẹ lòng là sẵn sàng kéo bạn xuống, bất cứ lúc nào.
Bản lĩnh sống của sinh viên xa nhà, sống cuộc sống của một du học sinh, ấy đơn giản chỉ là: Xác định mục tiêu và hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đã định trước. Những thứ "râu ria" làm cản trở hành trình chinh phục, hãy thẳng tay loại bỏ.
Và, mỗi khi khó khăn, những lúc thất bại, hãy hỏi chính bản thân, rằng: "Mình đã thực cố hết sức hay chưa?"
Nguyễn Thu Huyền - VIANADE.COM
Nguồn: DUHOCDUC.DE
© 2024 | Thời báo ĐỨC