Con phải đi rồi, bố ơi! Nợ trả xong, con về thăm bố mẹ nhé!

Mỗi nỗi niềm giấu kín trong lòng: Không biết có NÊN hay KHÔNG NÊN nói với ba mẹ rằng: Con mệt mỏi quá, mọi thứ ở đây khác xa với quê mình, cho con về với mẹ nha mẹ đâu nhỉ?

TÁC GIẢ: Mi Mi

DU HỌC SINH: Cộng hòa Liên bang Đức

Chào mọi người, chắc hẳn bài viết sau đây của mình sẽ động đến cõi lòng của đa số các bạn du học sinh đang học tập sinh sống ở nước ngoài.

Tôi là một cô gái đang ở cái tuổi đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân: tuổi 20. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê yêu dấu. Gia đình tôi không phải thuộc loại khá giả gì cả.

Nhà 6 anh chị em, phải vất vả lắm bố mẹ mới có được thằng em út ít của tôi. Nuôi được chị em tôi lớn, đã là quá kỉ lục, khó khăn rồi. Tôi chẳng bao giờ quên cái hình ảnh lúc dọn cơm, 4 bát cơm trắng, mẹ giúi quả trứng dưới bát cơm rồi lại xới thêm cơm lên. Bát cơm đó là của mẹ, mẹ được ăn thêm 1 quả trứng để lấy sữa cho em tôi bú. Nhưng tôi nhìn thấy, tôi đào nó lên ăn một cách ngon lành mà không biết rằng: Biết bao bữa cơm như thế, mẹ tôi nhịn ăn nhịn mặc cho chị em tôi.

132 1 Con Phai Di Roi Bo Oi No Tra Xong Con Ve Tham Bo Me Nhe

Ảnh minh họa: Acrazy mind

Hồi bé, nhìn bọn trẻ con cùng xóm có váy mặc, tôi ước ao.

Tự nhủ lớn lên sẽ học thật giỏi đi nước ngoài kiếm tiền để có thể mua cho bố mẹ nhiều quần áo ấm, sắm thêm cho gia đình cái máy giặt, cái bếp ga mới. Tôi cố gắng học hỏi, nghe tin nước Đức tuyển sinh nghề điều dưỡng với những mức lương đủ để tôi trải nghiệm học tập, hơn nữa có thể tiết kiệm gửi cho bố mẹ, tôi lao vào học tiếng. Số tiền học tiếng, ôn thi, rồi đi thi ba mẹ tôi chạy vạy vay mượn khắp nơi.

Thế rồi, ngày thi cũng đến.

Các bạn biết không, ánh mắt trong ngóng tin tức của tôi đằng sau cánh cửa thi. Tôi chỉ muốn đứng đó mà khóc nhưng lại gạt nước mắt. 1 tháng sau đó, tôi lên đường. Cái ngày tôi chẳng bao giờ quên. Lúc tôi đi, hàng xóm xúm lại xem, xì xào bàn tán, có người nói “Ui con này đi rồi sướng nhầy”.

Trong tim tôi ứa lên nỗi buồn. Xa nhà, mà người ta bảo mình sướng. Số tiền chạy vậy cho tôi đi được hoàn toàn là bố mẹ vay mượn. Tôi cố gắng không khóc. Không khóc cho đến khi tôi đi qua cánh cửa của sân bay Nội Bài. Tôi khóc nức nở. Cái ôm của bố mẹ lúc đó như thêm động lực của tôi. Từ nay tôi mang mác Việt kiều. Cái mác nặng trĩu với tất cả du học sinh phải không các bạn? Bạn bè nghĩ “Mày sang đó sướng rồi, tiền để đâu cho hết”. Cái mác làm cho nỗi nhớ quê nhớ nhà nhưng chẳng dám về. Nợ chưa trả xong. Mặt mũi nào nhìn bố mẹ chứ.

Tôi đến Đức khi nhiệt độ ngoài trời âm 6 độ. Cái buốt đến tận xương khiến tôi như đứng lại. Tay tôi đơ lại. Gió lùa vào trong phổi.

Tôi chờ người đến đón. Chân tay run lập cập. Cái áo tôi mặc trên người chẳng đủ để tôi giữ ấm. Nhưng đó là tiền mà mẹ bán 40 quả bưởi để mua cho tôi đấy các bạn ạ. Thời gian đầu, nhớ nhà, khóc như một con điên, cộng với thời tiết không quen, tôi ốm 2 tuần liền. Tôi phải uống thuốc kháng sinh, nếu không uống những cơn sốt sẽ gặp tôi liên tiếp. Một mình nơi xứ người, tôi chợt nhận ra trong vali có 2 vỉ thuốc hạ sốt mẹ chuẩn bị cho để góc vali.

Tôi tìm thấy và bật khóc.

Thèm tô cháo mẹ nấu. Thèm bát cơm chan canh cua bố phần. Ở đây sáng bánh mì đen, trưa bánh mì đen, tối bánh mì đen, mà là loại bánh mì chỉ khoảng 27 nghìn tiền Việt Nam các bạn ạ. Nuốt bánh mì chan nước mắt là có thật . Nếu không ăn sẽ không có sức học, sức làm. Vì thế tôi ngậm đắng nuốt ăn, làm gì có thiên đường ở đây.

 

132 2 Con Phai Di Roi Bo Oi No Tra Xong Con Ve Tham Bo Me Nhe

Ảnh minh họa: Internet

Ở nước ngoài, nếu bạn không sấp mặt với đống bài vở thì cũng sấp mặt với lớp học tiếng nước ngoài xì xồ. Ai khỏe lắm mới đi làm thêm được, huống gì tôi phận gái, lấy đâu ra sức.

Nếu như ở Việt Nam, mọi người nghĩ đây là chốn xa hoa, kiếm tiền dễ, thì tôi xin nhắc lại, cái giá của nó đánh đổi bằng nước mắt, công sức, bằng tuổi 20 của cô gái mới lớn như tôi.

Hao mòn tất cả đấy các bạn ơi, đằng sau đồng quà, gói sô cô la gửi về của du học sinh, là sự chịu đựng nhục nhã sỉ vả của những người nước ngoài là sếp, có quyền chửi mắng nhân viên làm thêm như chúng tôi. Vậy có ai hiểu cho chúng tôi không?

Tôi dám chắc, chẳng bạn nào lại đi kể chuyện mình bị chửi mắng vì đi làm thêm kiếm tiền cho bố mẹ nghe cả, phải không?

Tôi biết có rất nhiều bạn du học sinh mong ước sang đây với mong nguyện đổi đời là lấy chồng tây, đó là cách hợp pháp nếu các bạn không muốn tự mình phấn đấu. Buồn thay. Riêng bản thân tôi muốn tự mình TỰ LỰC CÁNH SINH giống bố tôi đã dạy. Phải sống trong sạch học cách làm người, không được lừa đảo, gian dối ai cả.

Cánh cửa: “Cảng HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ Nội Bài”, với con, con tự đặt cho mình khẩu hiệu: Khi đi nhục nhã ê chề, khi về hiên ngang bất khuất, cố lên.

132 3 Con Phai Di Roi Bo Oi No Tra Xong Con Ve Tham Bo Me Nhe

Ảnh minh họa: Acrazy mind

Không bạn bè, không người thân, nơi xứ người lạnh lẽo. Tôi xin được gửi lời động viên tới tất cả du học sinh Việt Nam đang học tập trên nước Đức cũng như du học sinh toàn thế giới. Chúc các bạn đồng hương Việt Nam đón tết cổ truyền ở nước bạn có một cái Tết vui vẻ, sức khỏe dồi dào cố gắng trả nợ cho gia đình nhé.

Ước nguyện cuối cùng của một con như tôi, là mong bố mẹ luôn khỏe mạnh. Nơi trời xa con sẽ khỏe mạnh, cố gắng kiếm tiền trả nợ cho bố mẹ. Nợ tính lãi, lãi càng tăng, bố mẹ lo 10, con cũng lo 10. Nhưng thôi ba mẹ à, con gái chúc ba mẹ ăn tết vui vẻ, luôn vui vẻ ủng hộ con gái của bố mẹ, sớm ngày đoàn tụ. Con gái sẽ về thăm bố mẹ. Con gái thứ năm yêu quý của ba mẹ. Ba mẹ à, nhà hết nợ nần, công việc ổn định, con gái về với bố mẹ nha. Bố lại để con gái nấu mâm cơm kia giỗ nội nha bố. Yêu bố mẹ nhiều lắm.

Mi Mi


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày