"Thà ế còn hơn lấy chồng lương dưới 10 triệu đồng"

Đó là quan điểm của độc giả Vũ Hà Anh khi gửi phản hồi với Infonet sau khi đọc bài viết "Đàn ông thu nhập 10 triệu đồng/tháng: Đừng bao giờ cưới vợ?".

Theo bạn Vũ Hà Anh, mọi người cứ nói chỉ cần yêu nhau thôi là đủ nhưng sự thực thì sao? Khi bước vào cuộc sống gia đình ở một thành phố, người chồng lương dưới 10 triệu đồng chắc chắn bạn sẽ “phát điên” đấy - độc giả Vũ Hà Anh nói. Infonet xin đăng lại bài viết của Vũ Hà Anh - như thêm một góc nhìn của những người trẻ tuổi về vấn đề này.

132 1 Tha E Con Hon Lay Chong Luong Duoi 10 Trieu Dong

Tôi thà ế không lấy chồng lương dưới 10 triệu đồng...

 

*****

Tôi sinh năm 1997, vừa tốt nghiệp ra trường. Dù còn rất trẻ nhưng tôi tin chắc rằng, kinh nghiệm sống của mình không phải là ít và ai nói tôi thực dụng tôi xin trả lời là không, tôi đang rất thực tế. Tôi nói luôn, nếu người yêu của tôi lương dưới 10 triệu đồng chắc chắn tôi sẽ không lấy làm chồng. Tôi thà ế còn hơn. Nhiều bạn bè của tôi còn đặt ra mục tiêu phải lấy chồng có nhà thành phố, tôi thì không.

Tôi nghĩ nếu tôi lấy chồng thì hai vợ chồng đều phải có thu nhập ở mức 10 – 15 triệu đồng, ổn định thì sẽ có cơ hội mua nhà Hà Nội. Còn thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Tôi nói thẳng, thu nhập này không đủ nuôi mình anh ta chứ đừng nghĩ tới việc nuôi con, mua được nhà.

Các bạn thử nghĩ xem một tháng chi tiêu tiết kiệm cũng mất hơn chục triệu cho một gia đình nhỏ 2 thành viên ở thành phố. Nếu chồng không kiếm được tiền thì gia đình bạn sẽ ra sao hay bạn phải là trụ cột chính khi có con cái, chưa nói tới chuyện mua nhà, hay lúc bố mẹ ốm đau...

Liệu có bạn gái nào dám nói, mình chỉ cần tình yêu là sống được khi đã cưới. Đàn ông không kiếm ra tiền đừng nên lấy vợ là thật. Đó là vì, nếu các bạn lấy rồi không chỉ khiến chính họ cơ cực mà còn làm khổ thêm chị em phụ nữ chúng tôi.

Tôi xin kể câu chuyện của chị họ tôi.

Hai vợ chồng chị ấy yêu nhau 4 năm từ thời sinh viên, ra trường đi làm rồi mới cưới nhau. Lúc đó, lương của chị được 12 triệu đồng/tháng, lương anh 6 triệu đồng/tháng và đã được xem là công việc ổn định.

Đến Tết, anh thường có khoản 30 triệu đồng thưởng Tết (thực tế là tiền làm thêm, nhưng cuối năm cơ quan mới trả). Chị đành tặc lưỡi, coi như khoản thưởng Tết để tiết kiệm .Tuy nhiên, khi có khoản tiền đó thì anh chị cũng chỉ đủ tiêu Tết cho hai bên nội ngoại và không để ra được đồng nào mà chi tiêu ăn uống khi Tết ra, chứ đừng nói tới chuyện tiết kiệm. Khi sinh bé đầu lòng, không tháng nào hai vợ chồng chị ấy yên ả. Lí do cũng chỉ vì không có tiền, mẹ chị ở quê lại phải gửi lên chu cấp gọi là nuôi cháu. Vậy là sau bao năm nuôi con ăn học, giờ mẹ chị lại còn phải nuôi thêm cả... cháu ngoại.

Các bạn hãy hình dung, lương 6 triệu đồng của chồng, đi thuê nhà hết 3 triệu đồng, tiền nuôi con và tất cả mọi thứ như gánh nặng đè lên vai chị họ tôi - vậy vai trò trụ cột của người chồng nên được hiểu thế nào. Hay các bạn sẽ gọi đó là do yêu nhau thì phải chấp nhận hay khi nóng giận bạn cũng sẽ "mắng chồng" vô dụng? Câu hỏi này tôi xin dành cho chính các bạn!

Quy lại chuyện chị họ tôi, sau 3 năm chung sống, chị tuyên bố ly thân. Dù anh rất cố gắng, làm thêm việc của cơ quan nhưng với mức thu nhập ở ngưỡng công việc "ổn định" như anh do không có thêm nguồn thu khác khiến cuộc sống của họ ngày càng chật vật.

Ly thân gần 1 năm, chị thấy chồng tối về còn chạy cả xe ôm, rất cố gắng khi anh còn quyết mua căn nhà xã hội chỉ đủ cho 3 người "chui ra chui vào" bằng tiền trả góp ngân hàng cộng với khoản tiền bán mảnh đất ở quê của bố mẹ. Anh cũng xin chị cho anh cơ hội. Thương con, chị quay về cùng anh để cùng xây tổ ấm gia đình mà bản thân chị cũng yêu thương anh vô cùng. Tuy nhiên, anh chị cứ sống lay lắt với đống nợ và những khó khăn thường nhật. Toàn bộ lương của anh chỉ đủ dành trả tiền vay ngân hàng mua nhà. Còn chị hiện tại đang nai lưng đi làm nuôi cả gia đình. Gặp tôi, lúc nào chị ấy cũng than mệt mỏi.

Quần áo, váy vóc, túi xách không dám mua. Tôi thương chị nên thường cái gì không dùng lại mang cho chị ấy. Còn mỗi khi con ốm, bố mẹ chị lại phải gửi cho ít tiền lương hưu của họ gửi cho các con.

Có lần, chị đã hét lên chị ấy không muốn cuộc sống như thế này. Tôi thấy rõ sự coi thường của chị dành cho anh ấy. Chị ấy thường bảo tôi, hãy nhìn chị làm gương, đừng bao giờ lấy chồng nghèo quá, lương thấp quá.

Vâng, khi đó bạn sẽ chẳng còn tôn trọng chồng nữa khi cơm áo gạo tiền không đùa với bất cứ ai. Nhìn chị tôi đã tự nhủ, sẽ không bao giờ lấy chồng lương dưới 10 triệu đồng, dù có ế.

Độc giả Vũ Hà Anh

Nguồn: INFONET.VN

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày