Tất cả những người trong số họ đều có con cháu đã trưởng thành và cùng sống trong một thành phố. Vậy mà họ vẫn phải sống trong ngôi nhà dưỡng lão, cô đơn, tẻ nhạt.
Ông cụ gần 90 tuổi biết tết đến gần, nhớ về người vợ đã mất chỉ biết ghi vào tờ giấy: "Nhớ mua hương thắp cho bà"rồi kẹp vào tấm hình, để đấy với chơi vơi!
Vậy khái niệm nuôi con để nương tựa lúc về già có còn đúng với cuộc sống hôm nay?
Nhiều người tự lý luận rằng, nếu chỉ đẻ 2 con là quá ít, cần phải nhiều hơn. Thực tế cho thấy nhiều gia đình có 5 hay 6 người con khi bố mẹ xế chiều vẫn không thể ở với đứa nào, hai thân già vẫn phải lo cho nhau và lỡ một người "đi" trước, người ở lại cũng không muốn bị chúng biến thành vật để chia nhau nuôi.
Mỗi thế hệ đều có cái lý của mình nhưng dường như câu thành ngữ:"Trẻ cậy cha, già cậy con" chỉ còn đúng một vế. Trong cuộc sống đầy bận rộn như hôm nay, bọn trẻ không còn thời gian dành cho người thân đang sống quanh mình.
Muốn có cơ hội thăng tiến, muốn kinh doanh thành công chúng phải phấn đấu không ngừng để không bị bỏ lại phía sau.
Ấy là chưa kể đến việc phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Bao việc không tên không chỉ lấy đi quĩ thời gian vốn đã rất ít mà còn bào mòn năng lượng khiến cho việc chăm bẵm người khác thành gánh nặng.
Người về già thường sống bằng ký ức và họ hay bị tổn thương bởi những điều vụn vặt. Lâu không thấy con cháu ghé thăm, không thấy chúng gọi điện là buồn, là giận dỗi tủi thân. Thước phim về ngày con còn bé dại quay về chậm chạp trong ký ức.
Cái gì ngon, cái gì tốt nhất dành cho con hết chỉ những mong con khôn lớn, trưởng thành. Đến khi thành người lớn chúng đi xa khỏi vòng tay, chạm vào cô đơn mới hiểu"già cậy con"không còn nguyên giá trị.
Vậy về già nương tựa vào đâu? Có hay không nhiều sự lựa chọn khi bạn đang sống ở nước ngoài?
Với những người đang ở cùng con cháu làm nghề kinh doanh khả năng sống cùng khả thi hơn. Nhóm kinh doanh này dù sao thời gian cũng đỡ eo hẹp hơn so với những người làm ở công ty hay nhà máy. Đã làm ở công ty con bạn không thể bỗng chốc ghé qua nhà hâm nóng thức ăn hay nhắc nhở chế độ uống thuốc. Giải pháp tốt nhất cho nhóm này là gửi bố mẹ vào nhà dưỡng lão, có người chăm lo và không sợ bị những tình huống bất thường.
Vấn đề đặt ra ở đây, phần lớn thế hệ này đều không biết nhiều ngôn ngữ bản xứ. Khó khăn trong giao tiếp trở thành vật cản cực lớn trong cuộc sống hàng ngày của các cụ trong nhà dưỡng lão. Đau ở đâu, đau làm sao, ăn không được, vì sao là những vấn đề nhức nhối của hai phía khiến quan hệ đôi bên nhiều khi bế tắc. Bởi thế nhiều người chọn cách sống một mình, muốn "về già cậy con...thiên hạ".
Họ chuẩn bị cho mình một khoản riêng để có thể chi trả cho người đến chăm sóc mình, cố gắng không làm phiền con cháu về kinh tế.
Ngoài ra người về già nên nương tựa vào tình bạn hữu. Những cuộc viếng thăm lẫn nhau để cùng ôn về một thời đã qua, lên kế hoạch cho chuyến đi dã ngoại sắp tới sẽ mang lại nhiều cảm hứng. Đến chơi với con cháu, sẻ chia với chúng những kinh nghiệm trong cuộc sống âu cũng là cách để thư giãn và làm hòa khí gia đình thêm đầm ấm.
Không ai tránh được tuổi già. Hãy trân trọng những tháng ngày đang sống và cố gắng học những từ, những câu cần thiết trong giao tiếp với người bản xứ khi bạn đang sống ở nước ngoài bởi nó chính là cuộc sống của bạn.
Thiều Quang
© 2024 | Thời báo ĐỨC