Nếu nhìn dưới góc độ của Maria Montessori, nhà Sư phạm giáo dục trẻ em người Italy, bức ảnh học sinh duy nhất trong lớp không có giấy khen là vũ khí nguy hiểm, có thể giết chết tâm hồn những đứa trẻ vô tội.
Bà từng khẳng định: “Điều trẻ con nhìn thấy được chúng ghi nhớ, trở thành một phần tâm hồn của đứa trẻ”.
Tôi và nhiều người ủng hộ quan điểm này. Đây là một bức ảnh phản cảm, không có tính giáo dục, lên án cách hành động của người chụp bức ảnh. Tuy nhiên, nhờ nó, tôi phát hiện nhiều tư duy vô lý, buồn cười đang tồn tại trong cộng đồng của chúng ta.
Bức ảnh học sinh duy nhất trong lớp không nhận giấy khen khiến nhiều người trăn trở. Ảnh: Facebook.
Không học sẽ thành lãnh đạo, tỷ phú?
Nhiều người khi nhìn thấy bức ảnh thì ngay lập tức đã thể hiện quan điểm: "Những đứa trẻ học dở hoặc bỏ học giữa chừng sau này sẽ làm sếp hoặc trở thành tỷ phú, sẽ lãnh đạo những đứa trên tay cầm tờ giấy khen…”.
Họ lấy Bill Gates và Mark Zuckerberg để làm dẫn chứng. Hai nhân vật này đã thôi học ở ĐH Harvard khi chưa hoàn thành hết học phần năm hai, nhưng giờ lại là tỷ phú.
Đây là một ngộ nhận nguy hiểm và sai lầm, nếu trẻ con tin và làm theo. Trên thực tế không ai dốt, học hành có thể thành công hay làm tỷ phú.
Họ có thể không tiếp tục học tập ở trường lớp, nhưng tự học ở hình thức khác. Họ tự nghiên cứu và học tập qua sách, trải nghiệm để trau dồi kiến thức và kỹ năng của bản thân.
Tất cả người thành công mà tôi biết và từng tiếp xúc đều có tinh thần tự học tuyệt vời, luôn biết khi nào sẽ buông bỏ trường lớp để tự trải nghiệm.
Ông chủ Facebook thôi học ở Harvard vào năm hai để tập trung nghiên cứu và hoàn thành dự án của mình.
Trong khi đó, Bill Gates dừng học ở Harvard để lập cty và phát triển dự án phần mềm máy tính khi chứng kiến sự ra đời của “MITS Altair 8800” trên nền vi xử lý Intel 8080, với cơ hội quá tiềm năng dành cho các dự án liên quan đến phần mềm.
Rõ ràng, cả hai vị tỷ phú đều có cái đầu đầy kiến thức, khả năng tư duy đột phá và tầm nhìn trước thời đại.
Thành công không bao giờ rơi vào tay của những kẻ đầu rỗng tuếch, thiếu quyết tâm và tầm nhìn. Cho nên ai đang ngộ nhận về điều này, hãy thôi mộng mị.
Suy nghĩ trẻ học dở, bỏ học giữa chừng sau này làm sếp và so sánh với Bill Gates, Mark Zuckerberg rất buồn cười. Ảnh: Wired.
Từ bỏ Harvard sẽ thành tỷ phú?
Theo nghiên cứu và thống kê của “College facetual”, 98% sinh viên Harvard hoàn thành năm nhất để tiếp tục theo học năm hai ở hệ cử nhân. Có nghĩa, khoảng 2% sinh viên thôi học hoặc chuyển ngành.
Với tỷ lệ này, Harvard được xem là trường đại học giữ chân sinh viên tốt nhất nước Mỹ. Vì trong phạm vi cả nước, tỷ lệ này chỉ có 68%.
Một thống kê khác cho thấy với 3.656 sinh viên nhập học vào Harvard, 101 sinh viên thôi học.
Nếu tính trong 10 năm, không dưới 1.000 người rời bỏ Đại học Harvard khi chưa tốt nghiệp như hai tỷ phú Bill Gates và Mark Zuckerberg.
Có ai biết thêm người nào khác từng bỏ học khỏi Harvard mà thành tỷ phú như ông chủ Microsoft hay ông chủ Facebook không? Số phận của những con người còn lại đi về đâu rồi?
Vậy, chúng ta tin vào điều gì? Niềm tin của con người giống như con chim sẻ với đôi cánh khỏe mạnh đậu trên một cành cây mỏng manh. Tại sao con chim sẻ ấy không sợ ngã? Vì nó đặt niềm tin vào đôi cánh chứ không phải tin tưởng vào sự chắc chắn của cành cây.
Trong khi đó, đứa trẻ tin vào những thứ mà bố mẹ, thầy cô và những người được gọi là trưởng thành.
Khi trưởng thành, bạn nghĩ và hành động sai, bạn tự chịu trách nhiệm. Nhưng đối với một đứa trẻ con, cái giá phải trả là một tâm hồn và tương lai phía trước.
Nói theo cách Thomas Carlyle: "Tuổi thơ của đứa trẻ bị sát hại bởi người lớn, ít khi, người thầy và bố mẹ chứng minh rằng mình vô can”.
Phản ứng của dư luận trước việc phát giấy khen đại trà còn nhiều mâu thuẫn. Ảnh: Facebook.
Ít ai nhận ra mâu thuẫn trong chính mình
Mọi người đều đồng cảm và chia sẻ với đứa trẻ không có giấy khen trong bức ảnh. Đây là một hành động rất nhân văn.
Nhưng tôi buồn cười khi nhiều người dùng lời lẽ khiếm nhã với những đứa trẻ còn lại trong bức ảnh, chỉ vì chúng cầm trên tay tờ giấy khen.
Mọi người hành xử theo kiểu bọn nhỏ không trung thực, đi cướp lấy thành tích chứ không phải nỗ lực học tập.
Bạn bảo vệ một đứa trẻ rồi làm tổn thương những đứa trẻ khác. Ai cũng từng là trẻ con, nhưng phần lớn người trưởng thành không còn nhớ điều này.
Suốt 12 năm học phổ thông, tôi chưa từng vinh dự nhận bất cứ một tờ giấy khen nào. Thậm chí trong 12 năm học ấy, có đến 7 năm, tôi xếp loại yếu, một năm ở lại lớp và cấp 3 phải học bổ túc.
Tôi có tuổi thơ đầy tổn thương, trở thành đứa trẻ không nhận được bất cứ sự đồng cảm và chia sẻ nào từ người lớn… Điều này tồi tệ đến mức tôi trầm cảm nghiêm trọng.
Vì thế, tôi thấu hiểu cảm xúc của đứa trẻ ấy trong bức ảnh nhưng không vì thế mà phủ nhận tầm quan trọng của việc khen thưởng hay đánh giá thấp tờ giấy khen trong môi trường giáo dục. Bất cứ sự nỗ lực nào của trẻ cũng phải được ghi nhận.
Nhiều bạn nói với tôi họ nghi ngờ sự trung thực của những tờ giấy khen. Nhiều người dùng quyền lực, mối quan hệ, thậm chí là tiền bạc để con cái họ có được những tờ giấy khen đó.
Tôi tin có điều này trong xã hội chúng ta nhưng nó chỉ là số ít, không phải là số đông. Nếu học sinh nào nhận giấy khen, bạn cũng nghĩ do bố mẹ nó quyền lực, dùng tiền và mối quan hệ để mua, hóa ra, xã hội nhiều "con ông cháu cha", nhiều người "quyền lực" và lắm người giàu tiền bạc thế à?
Nếu một đứa trẻ được khen thưởng không phải vì chúng có nỗ lực trong học tập, mà vì mối quan hệ hay quyền lực, tôi xin chia buồn với chính phụ huynh của những đứa trẻ ấy.
Các vị đang giết chết tương lai của con mình.
Theo: ZING.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC