Trong cuộc sống, những việc không như ý thường là tám, chín phần. Muốn có được tâm thái hoà ái và cuộc sống như ý thì cần học cách buông bỏ oán trách, buông bỏ hận thù, hãy nói những lời dễ nghe và mang lại năng lượng tốt lành.
Oán hận nên giải, không nên kết. Nếu trong tâm cứ mãi ôm giữ mối hận, bạn sẽ chẳng thể nào có được một phút bình an. Hãy coi mọi trắc trở trên đường đời chỉ là tạm thời và những việc không vui bạn gặp đều là điều tự nhiên.
Bạn có thể tự hỏi: Oán hận là gì?
Oán hận là từ Hán Việt, chỉ trạng thái cảm xúc căm thù và tức giận. Chữ hận (恨) gồm bộ tâm (⺖) và bộ cấn (艮). Bộ cấn có nghĩa là ngang ngạnh, cũng có nghĩa là kiên cố. Có thể hiểu, oán hận là cảm xúc rất ngoan cố, bám rễ rất sâu. Càng để lâu, người ta càng khó buông được nó.
Trong cuộc sống, ai cũng từng có tâm trạng tiêu cực, bực bội, cảm thấy không hài lòng về điều gì đó… Thông thường, những cảm giác này dần dần sẽ biến mất. Nhưng nếu thường xuyên có tâm trạng như vậy hoặc duy trì chúng trong thời gian dài, các nếp nhăn sẽ sớm hình thành trên khuôn mặt và khiến bạn trông già đi, đẩy nhanh quá trình lão hoá.
Tiến sĩ Lobsang là Giám đốc Tập đoàn Y tế Dự phòng, đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Ông chỉ ra rằng trên lâm sàng, những bệnh nhân bực bội thường trông già hơn so với những người cùng tuổi, đặc biệt là những người trên 60 tuổi. Thường xuyên bực bội sẽ in hằn lên khuôn mặt của bạn và làm tăng số lượng nếp nhăn. Khi tâm trạng tiêu cực tích tụ trong thời gian dài, hệ thống thần kinh tự chủ sẽ dần dần gặp trục trặc và gây ra nhiều vấn đề về thể chất.
Hệ thần kinh tự chủ bao gồm các dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm trải rộng khắp các cơ quan trong toàn bộ cơ thể. Một khi dây thần kinh giao cảm bị trục trặc thì các vấn đề về giấc ngủ, đường tiêu hóa và trao đổi chất sẽ xảy ra.
Tiến sĩ Lobsang cho biết những khác biệt do tâm trạng gây ra có thể được quan sát thấy trong khoảng thời gian 10 năm. Ngoài việc trông già hơn, tâm trạng tiêu cực còn gây ra các bệnh về da.
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể con người, bao gồm biểu bì, hạ bì, tóc, móng… Nó liên quan mật thiết đến cảm xúc. Những tâm trạng như tức giận, hồi hộp, lo lắng, sợ hãi sẽ khiến da trở nên đỏ, trắng, đổ mồ hôi hoặc ngứa.
Một nghiên cứu ở Ý vào năm 2020 tiết lộ rằng những người bị bệnh ngoài da thường có các vấn đề về tâm lý. Hận thù có liên quan nhiều đến bệnh vẩy nến. Trong khi đó, tức giận có liên quan đến bệnh viêm da dị ứng, phát ban, ban đỏ, nổi mề đay tự phát mãn tính, mụn trứng cá và bệnh bạch biến.
Bản thân tôi cũng từng trải nghiệm thấy: tâm oán hận “hại mình trước, hại người sau”. Gần đây da mặt tôi nổi mụn rất nhiều, ban đầu tôi nghĩ là do việc ăn uống ngủ nghỉ chưa điều độ, nhưng chẳng phải trước đây nếp sinh hoạt và ăn uống của tôi vẫn như vậy sao? Sau đó tôi lại nghĩ là do sữa rửa mặt hết hạn… Cho tới khi đọc được những lời này, tôi mới nhận ra nó liên quan tới nội tâm của mình, rằng tôi cũng đang oán trách một người. Khi có suy nghĩ tiêu cực về người khác thì thần thái, sắc mặt, màu da của tôi, mọi thứ đều suy yếu, trông không còn tươi sáng và thiếu sức sống.
Bởi vì oán hận tự hại bản thân mình, vậy nên hãy mau mau buông bỏ đi thôi. Khi nhận ra và hướng vào tìm trong bản thân, tôi tha thứ cho người và cũng giải thoát cho chính mình. Tôi thấy các nốt mụn ít đi, tâm thái thản đãng, an nhiên, hòa ái, từ bi.
Tiến sĩ Lobsang nhận xét rằng chỉ khi thay đổi tâm trạng để trở nên lạc quan hơn thì các dây thần kinh giao cảm mới có thể duy trì trạng thái cân bằng và hoạt động bình thường. Những người luôn mỉm cười có khuôn mặt trẻ hơn và da căng mịn hơn.
Tóm lại, bỏ đi sự oán giận thì bạn sẽ trẻ hơn, khỏe hơn và tuổi thọ cao hơn.
Thay vì để những suy nghĩ phụ diện lấp đầy cuộc sống, hãy học cách giải tỏa áp lực và tận hưởng mỗi khoảnh khắc của cuộc đời. Hãy dùng những cách biểu đạt khác nhau thay thế oán hận, như vậy không những khiến bản thân thăng hoa mà còn có thể cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống.
Tố Như
© 2024 | Thời báo ĐỨC