Đừng bất mãn nếu không muốn bỏ chồng

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, bản chất bất mãn là một tâm lý tiêu cực, có tính chất hủy hoại mối quan hệ vợ chồng.

Do vậy, nếu không muốn bỏ chồng, cách tốt nhất đối với các bà vợ là đừng bất mãn về họ.

132 1 Dung Bat Man Neu Khong Muon Bo Chong

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Chán chồng nhưng chấp nhận "sống vì con"

Có một câu chuyện được chị em chia sẻ trên mạng xã hội có nội dung:

Người vợ lấy chồng được 5 năm và hiện đã có hai đứa con. Trước khi tiến tới hôn nhân, cặp vợ chồng này đã có thời gian yêu nhau 5 năm. Trở thành vợ chồng bởi một tình yêu "dài lâu" như vậy nhưng cuộc hôn nhân đó cũng không tìm được tiếng nói chung. Người vợ không cảm nhận được niềm hạnh phúc làm vợ, thấy hôn nhân như địa ngục nhưng vẫn cam chịu vì không muốn con thiếu cha hay thiếu mẹ.

Người vợ bày tỏ nỗi bức xúc: "Yêu nhau rồi lấy nhau, như thế cũng tròn 10 năm nhưng một món quà, một bông hoa nhân ngày sinh nhật hay ngày gì đó cũng chưa từng có.

Chồng là một kẻ vô cùng ích kỷ và ghen tuông vô tội vạ. Vợ không có vấn đề gì nhưng trong đầu luôn nghĩ vợ "thích của lạ". Ra ngoài mà nghe ai đó nói điều gì không tốt về vợ là về nhà xỉa xói mắng mỏ vợ không ra thể thống gì. Không những vậy người chồng này còn đánh vợ không chùn tay. Đánh mà đau cả một bầu trời, đau từ trong ruột gan ra ngoài thân thể. Cho dù lỗi của mình chỉ là vì bực bội mà nói hỗn vài câu chứ không làm hại gì đến thân thể của hắn (chồng - PV)", người vợ bức xúc chia sẻ.

Mặc dù vô cùng chán nản về chồng, muốn ly hôn chồng nhưng nghĩ đến con chị lại không thể làm được cái việc đó. Quan điểm "sống vì con" trên thực tế là khá phổ biến ở các bà vợ. Nhiều chị em chán nản đến cực độ nhưng vẫn không dám ly hôn. Lý do thường thấy nhất, vẫn là "thương con", "vì không muốn con khổ".

Như chị Hoàng Lan, một giáo viên ở Nghệ An là ví dụ về cách suy nghĩ này. Thời còn trẻ, chị Lan được xem là hoa khôi của xã. Chồng chị Lan là chủ một xưởng cơ khí, làm ăn khá tốt. Anh chồng cũng chăm chỉ chịu khó nhưng lại mắc phải cái tật cờ bạc. Cứ ngày đi làm, đêm về anh lại chúi đầu vào sới bạc. Mê cờ bạc đến nỗi, tiền anh làm ra khá nhiều nhưng anh mang "nướng" hết. Suốt từ ngày lấy nhau đến giờ, có với nhau đến hai mặt con nhưng chị Lan chưa bao giờ được cầm một đồng của chồng để chi tiêu cho gia đình. Không chỉ không có tiền đưa vợ mà thỉnh thoảng, chồng chị Lan còn mang đồ đạc trong nhà đi cầm cố. Lúc thì xe máy, lúc điện thoại, lúc thì "sổ đỏ". Mỗi lần chồng mang tài sản gia đình mang ra hiệu cầm đồ, chị Lan vô cùng uất ức. Vì không nén được sự bức xúc nên họ lại to tiếng với nhau.

Mỗi lần va chạm mâu thuẫn như thế, chị Lan lại bị chồng đánh cho sưng tím mặt mày. Những lúc bị chồng đánh, chị Lan bức xúc gào lên thằng này, thằng nọ. Chị hùng hổ viết đơn rồi bỏ về nhà mẹ đẻ, tuyên bố bỏ chồng. Thế nhưng, được vài ngày người chồng đến van vỉ, xin xỏ, nịnh nọt chị lại nguôi, lại quay về mặn nồng với chồng như chưa có chuyện gì xảy ra. Những lúc ngồi than thở chuyện chồng, nếu ai đó nói, "chồng như thế thì thà không có còn hơn", thì chị Lan lại nói: "Thôi chấp nhận sống vì con. Ly dị chắc gì đã tốt".

Bất mãn là "thuốc độc"

Đề cập đến hiện tượng này, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, phụ nữ luôn sống vì chồng, vì con đến nỗi quên cả bản thân mình. Đó là nét tâm lý đặc biệt ở phụ nữ. Khi họ nói: "Chấp nhận sống với chồng vì thương con" là họ đang nói đúng sự thật suy nghĩ của họ. Như trường hợp ở trên, mặc dù bị chồng đánh, dù ức lắm, dù bất mãn đến cực độ, dù rất muốn bỏ nhưng nghĩ đến đứa con đáng yêu lại từ bỏ ngay ý định bỏ chồng. Thực tế thì, người mẹ đó không bỏ chồng là vì không muốn con mình sống thiếu cha hay thiếu mẹ. Tuy nhiên, sự luyến ái đó đã khiến người mẹ không đủ minh mẫn để nhận ra rằng, việc đứa con phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ thậm chí còn tệ hơn cả việc sống thiếu bố.

Bản chất của phụ nữ là lụy tình. Trong chuyện tình cảm, phụ nữ thường ứng xử theo cách "duy tình" nhiều hơn lý trí. Chính vì thế, họ thiếu sự quyết đoán để giải quyết vấn đề. Trên thực tế, phụ nữ không sợ phải sống một mình. Bởi đa số phụ nữ khi đã lấy chồng và có con, họ sống vì con nhiều hơn niềm đam mê chồng vợ. Họ lo lắng cho gia đình của mình nhiều hơn quan tâm đến chuyện yêu đương vợ chồng. Thế nên nếu phải sống một mình thì chuyện tình ái đối với phụ nữ không phải là điều khiến họ phải lo nghĩ. Chung quy lý do khiến các bà vợ không thể bỏ chồng vẫn là bởi họ không muốn gia đình phải "tan đàn, xẻ nghé". Vì thế chị em cứ dùng dằng giữa được và mất, cứ bị mâu thuẫn giữa thương và ghét đối với chồng của mình. Họ bất mãn, thậm chí là có lúc căm ghét đến cực độ nhưng lại không dám vứt đi, không dám bỏ đi. Không còn yêu thương nhưng lại không dứt khoát rời khỏi bến bờ đau khổ của nỗi oán giận đó. Chung sống với nỗi oán giận chồng càng khiến các bà vợ thêm đau khổ. Đau khổ này lại chồng thêm đau khổ khác, cứ triền miên không bao giờ kết thúc.

Bởi vậy, theo TS Nguyễn Kim Quý, đã là vợ chồng rất khó tránh khỏi sự bất mãn về nhau. Tuy nhiên, các bà vợ cần ý thức một điều rằng, bất mãn chính là thuốc độc giết chết tình cảm gia đình. Bất mãn không bao giờ giải quyết được mâu thuẫn mà chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn, không giải quyết được bi kịch mà còn làm tăng thêm bi kịch, không giải quyết được bế tắc mà còn làm cho mọi thứ trở nên bế tắc hơn.

Bởi vậy, mỗi khi bất mãn chồng, các bà vợ đừng nói và đừng hành động gì, chỉ cần lặng lẽ nhận ra tâm trạng tiêu cực đó từ lúc khởi phát cho đến khi nó mất đi. Bất cứ điều gì sinh ra thì theo lẽ duyên khởi, nó cũng sẽ hoại diệt, dù là vui hay buồn, sung sướng hay đau khổ.

"Do vậy, cứ lặng lẽ nhận ra chúng, tự chúng sẽ hết mà không phải làm bất cứ việc gì. Khi tâm trạng được trở về an yên, không còn oán giận nữa thì bạn sẽ lại có khả năng yêu thương trở lại.

Chỉ yêu thương mới có thể hóa giải được mọi điều, chỉ có yêu thương mới có thể "cảm hóa" được chồng mình.

Không muốn bỏ chồng thì cách tốt nhất là đừng bất mãn về họ nữa", TS Nguyễn Thị Kim Quý chia sẻ.

Nguồn: Ngân Khánh/ Giadinh.net.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày