'Đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão cũng là có hiếu'

Ai nói đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu thì đó là suy nghĩ có phần phiến diện. Quan niệm về chữ hiếu của thế hệ ngày trước với thế hệ bây giờ đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, có nhiều cách khác nhau để báo hiếu cha mẹ chứ không nhất thiết phải là ở bên cạnh mỗi ngày.

Liệu bao nhiêu người có thể dành được toàn thời gian, toàn tâm, toàn sức để túc trực ngày đêm, chăm sóc cho cha mẹ già từng ly từng tí?

1 Dua Cha Me Gia Vao Vien Duong Lao Cung La Co Hieu

Bạn có dành được toàn thời gian, toàn tâm, toàn sức để túc trực ngày đêm, chăm sóc cho cha mẹ già từng ly từng tí không? Hay bạn vẫn phải đi làm, nuôi dạy con cái của mình mỗi ngày, đến thời gian cho bản thân còn không có?

Bạn có đủ kiến thức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ chăm sóc và xử lý y tế, đặc biệt là cho người cao tuổi hay không?

Bạn có đủ tài chính để chống đỡ trong hoàn cảnh phải chăm sóc cha mẹ già, trong suốt một thời gian dài không...?

Tôi tin rằng, làm con cái, ai cũng mong muốn báo hiếu cho cha mẹ mình tốt nhất có thể. Nhưng vấn đề là bạn làm được hay không mới là quan trọng, bởi không phải ai cũng đủ điều kiện lý tưởng để làm điều đó. Ở góc độ nào đó, con người cũng cần nhìn thẳng vào hoàn cảnh thực tế để biết chấp nhận và chịu đựng, không thể đòi hỏi mọi thứ phải hoàn mỹ.

Con cái chỉ có thể lo được cho cha mẹ trong năng lực, khả năng có thể của mỗi người, chứ không thể so bì nhất nhất, người ta thế này thì mình cũng phải được như thế. Người ngoài luôn dễ dàng buông lời chê bai, chỉ trích. Chỉ có nhưng ai trực tiếp ở vào hoàn cảnh có cha mẹ già mới hiểu, mới thấm được những khó khăn, vất vả khó nói của phận làm con.

Nói về viện dưỡng lão, chế độ vật chất hiện đại mới chỉ là một điều kiện.

Thứ quan trọng hơn là ở đó có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, máy móc y tế... chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, điều trị tâm lý và đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học cho người cao tuổi một cách tốt nhất. Nhiều gia đình từng thuê người giúp việc chăm sóc tại nhà cho cha mẹ, nhưng rồi cuối cùng vẫn bị lở loét, chỉ khi đến viện dưỡng lão họ mới được điều trị tốt hơn. Thế nên quan niệm viện dưỡng lão không bằng ở nhà cần phải được thay đổi.

Tại sao chúng ta cứ nghĩ con cái đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão là phủi trách nhiệm? Thử hỏi nếu con không bỏ tiền thì cha mẹ có vào được đó không? Rồi đâu phải cha mẹ vào viện dưỡng lão là không thể ra ngoài, không thể gặp lại con cháu được nữa. Bao nhiêu vợ chồng trẻ vẫn phải đưa đón con cái đi học để đi làm mỗi ngày, thậm chí họ còn phải gửi con đi học trường nội trú vì không có thời gian chăm sóc. Thế nên, họ đâu còn cách nào khác ngoài việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão.

Trăm người trăm cảnh, nhưng chọn cách nào để tốt nhất với điều kiện hoàn cảnh của mình, có thể thực hiện được và nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ mới là quan trọng. Sự lựa chọn nào cũng đều có hai mặt của nó. Hãy đánh giá một cách công tâm. Đừng nhìn số ít người vô trách nhiệm để đánh đồng với nhiều người khác. Với những gia đình con cái sống ở nước ngoài chẳng hạn, họ không thể về thăm nom thường xuyên, còn cha mẹ lại không muốn đi ra nước ngoài, vậy lựa chọn viện dưỡng lão chẳng phải là giải pháp khả dĩ nhất hay sao?

Tóm lại, tôi tin rằng, có nhiều cách báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ, tùy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình để lựa chọn phương án tốt nhất.

Việc con cái chọn được viện dưỡng lão có chuyên môn chất lượng chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, cũng nên được xem là có tâm báo hiếu.

Thanh Uyên


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày