Đánh đổi tuổi trẻ không hưởng thụ để có quyền tự quyết lúc về già

Ai cũng chỉ có một đời để sống, nhưng tôi thà 'làm một đời, ăn ba đời', để các con, cháu tôi không phải khổ ngay từ vạch xuất phát.

1 Danh Doi Tuoi Tre Khong Huong Thu De Co Quyen Tu Quyet Luc Ve Gia

Trong bài viết "Những người làm việc 'điên cuồng' rồi lấy tiền chữa bệnh", nhiều ý kiến ủng hộ lối sống "YOLO" (bạn chỉ sống một lần), hưởng thụ sớm, đặc biệt là với những người trẻ thuộc Gen Z.

Tuy nhiên, với quan điểm trái ngược, độc giả Thai Nguyen phản biện:

"Các bạn trẻ cứ sống 'YOLO' thoải mái, nhưng cá nhân tôi không đi theo hướng đó. Tôi đang cho thuê hai căn hộ với giá 9 triệu đồng/tháng mỗi căn. Tiền cho thuê nhà đó tiếp tục góp phần để tôi mua thêm căn nhà mới, và đối tượng khách hàng của tôi chính là các bạn có tư tưởng hưởng thụ sớm.

23 năm trước, tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM, nằm trong top 2 thủ khoa đầu ra của khoa. Nhưng tôi từ chối ở lại trường, từ chối học lên cao và lao vào đời để phát triển sự nghiệp. Giờ đây, tôi vẫn chỉ có tấm bằng cử nhân đại học nhưng thu nhập từ lương đã 80 triệu đồng. Thành quả đó đến từ sự nỗ lực, cố gắng làm việc của tôi ngay từ khi còn trẻ, thay vì tranh thủ hưởng thụ sớm như một số người.

Khổ trước sướng sau hay sướng trước khổ sau? Cả hai lựa chọn đều giống nhau ở chỗ: cái 'trước' chỉ trong thời gian hữu hạn (ví dụ khổ trong 15 năm, hay sướng trong 10 năm); còn cái 'sau' mới là dài (ví dụ khổ trong 15 năm rồi khấm khá đến hết đời, con cái giáo dục tốt nên có thể khấm khá thêm một đời nữa; hay sướng trong 10 năm nhưng đến khi có gia đình mới khổ, con cái ít được đầu tư học hành nên khổ từ đời cha đến đời con). Vậy, bạn sẽ chọn cái nào?

Tôi sống đến nay đã gần nửa thế kỷ, chưa thấy gia đình nào không có tiền mà hạnh phúc. Còn gia đình có nhiều tiền thì ít có gia đình nào đau khổ, hay ít nhất họ có thể dùng tiền để khuây khỏa niềm đau. 'Tiền không mua được hạnh phúc, không mua được sức khỏe' thực ra chỉ là câu mà những người bất tài ru ngủ nhau, để bào chữa cho thực tại kém cỏi của bản thân mình. Không có gì chứng minh là nếu thời trẻ bạn làm việc ít thì về già sẽ không bị bệnh hoặc bệnh nhẹ cả.

Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của tự nhiên, không ai tránh được. Lên lão thì ắt bệnh tật sẽ tới. Lúc đó, nếu chỉ lo hưởng thụ từ thời trẻ, về già không có cái nhà hay tài sản nào có giá trị để bán đi chữa bệnh cho chính mình, thì mới chính là gánh nặng cho con cháu, cho xã hội. Riêng tôi thà dành thời gian sung sức nhất cho lao động và kiếm tiền, ít nhất đến khi đổ bệnh, tôi còn có cái quyền tự quyết với số tài sản trong tay mình.

Đúng là ai cũng chỉ có một đời để sống. Nhưng của cải đời này tôi làm ra có thể giúp con tôi có bệ phóng tốt, có điều kiện tốt để bảo đảm giáo dục cho đời sau nữa. Cứ thế, cuộc đời của các cháu tôi cũng sẽ được bảo đảm. Như vậy, tích lũy một đời có thể là nền tảng cho ba đời sau sống sung sướng.

Quan điểm của bạn thế nào?


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày