1. Nếu bạn không gặp may với các phím control/ alt/ delete, hãy dùng lệnh insert
Khi ta vô tình cắn vào lưỡi mình thì khó mà cho rằng đau là một điều tốt. Hay những lúc ngón chân cái bị phồng rộp lên, bạn sẽ chỉ còn quan tâm đến cái chân đau của mình và tự hỏi:” Sao mình phải chịu đau đớn đến thế này?”
Nhưng hãy thử nghĩ xem, điều gì sẽ xảy ra nếu thậm chí bạn không còn cảm thấy đau nữa?
Đau về thể chất là một tín hiệu tuyệt vời để cho chúng ta hiểu rằng “ta nên thay đổi điều ta đang làm!” để không còn tự mình gây ra những thương tổn nghiêm trọng như thế nữa.
Nỗi đau tinh thần vẫn đôi lúc xuất hiện trong cuộc sống cũng truyền cho ta những thông điệp tương tự như vậy.
Thất bại trong lần đầu đi xin việc, đau khổ vì mọi hoạch định không như mong muốn, ghen tỵ với một cậu bạn vì sự thành công trong sự nghiệp của cậu ấy hay đơn giản chỉ là nóng nảy, giận dữ khi có điều gì đó khiến bạn thấy không hài lòng...
Tất cả những nỗi đau tinh thần ấy, nếu chúng ta cứ chìm trong nó một thời gian dài, liệu mọi chuyện có trở nên ổn thỏa hơn?
Khi bạn cứ mãi đau khổ, bạn sẽ càng đau khổ hơn; khi bạn ganh đua quá nhiều, bạn sẽ dần trở nên ích kỷ, biến mình thành một kẻ luôn thích soi mói đời tư của người khác. Mọi nỗi đau tinh thần đều không thể thay thế bằng cảm giác hạnh phúc nếu bạn không biết khuyên nhủ chính bản thân rằng:” Tốt hơn hết bạn hãy thay đổi suy nghĩ đi.”
Đừng ngại thay đổi những hành vi của mình để tinh thần trở nên thoải mái, vui vẻ hơn, để bạn không tự gây ra cho chính mình những nỗi đau lặp đi lặp lại thêm lần nào nữa. Hãy nhớ, nếu bạn không gặp may với các phím control/ alt/ delete, đừng ngại dùng lệnh insert.
2. Chấp nhận và mở lòng với chính mình là cách để kết thúc nỗi đau
Không có cách nào hiệu quả và mang lại cảm giác thỏa đáng với bản thân bạn hơn là tự bạn mở lòng với những nỗi đau. Một ví dụ đơn giản điển hình cho việc đó: Bạn luôn cảm thấy tức giận, không vui vẻ khi người khác từ chối mình.
Đừng bao giờ mong mọi người xung quanh lúc nào cũng phải nói lời đồng ý với bạn. Cuộc sống luôn có những luật lệ và quy tắc, ai cũng cần có những quan điểm riêng, bạn cũng nên như vậy. Khi bạn đã hiểu được ý nghĩa của những lời từ chối, bạn cũng sẽ mạnh dạn từ chối những lời đề nghị khiến mình không hài lòng, bạn sẽ làm chủ được những kế hoạch của mình và không còn cảm thấy thất vọng quá nhiều nữa.
Tương tự như thế, khi bạn mạnh mẽ dám đối diện với nỗi đau mình đã trải qua, bạn nhận ra rằng dường như mình đã trở nên cứng cáp và ý chí hơn sau vài lần vấp ngã, ấy cũng là lúc bạn đón nhận cái “tôi”, tha thứ cho bản thân bạn và tự cho mình thêm cơ hội ở phía trước. Hãy nhớ rằng, nỗi đau chỉ mãi âm ỉ, gặm nhấm khi bạn không dám mở lòng và đối diện qua nó.
3. Nỗi đau sẽ không tồn tại nếu bạn hiểu hạnh phúc của bản thân mình, không nên lệ thuộc vào bất cứ ai cả
Một trong những điều mang lại cảm giác tổn thương nhiều nhất có lẽ là việc bạn đã dễ dàng trao hạnh phúc của chính mình vào tay những người thậm chí bạn không yêu thương và dành tình cảm cho họ.
Bạn dễ bị chi phối bởi những lời nói vài người bạn bàn tán về mình, bạn có thể thức trắng đêm chỉ để suy nghĩ về chuyện tại sao người ta lại đối xử với mình tệ như thế?
Thay vì phải suy nghĩ và đau buồn quá nhiều, tại sao bạn không thể thẳng thắn chia sẻ với họ những điều bạn nghĩ?
Hãy tự tin với chính bản thân bạn, hãy làm những điều mình muốn làm, nói những điều mình muốn nói, hãy là người biết điều khiển cảm xúc của chính mình.
Những lời nói khiến bạn tổn thương kia rồi một ngày sẽ nhạt dần và bị lãng quên mất. Và bởi những người có đủ tình yêu thương với bạn, thì sẽ không bao giờ nhẫn tâm làm bạn tổn thương! Vậy nên điều bạn cần làm chỉ là quên đi những lỗi lầm đó mà bước tiếp.
Khi bạn bị đau chân vì đôi giày đang mang quá chật, đó là lúc bạn nhận được thông điệp: hãy đổi một đôi giày mới vừa vặn hơn. Bạn luôn mệt mỏi vì công việc chồng chất, đó là khi bạn cần thay đổi thói quen, giờ giấc sinh hoạt hàng ngày để có thể làm việc năng suất, hiệu quả. Mọi nỗi đau đều mang đến cho bạn một thông điệp giúp bạn có thể thay đổi để trở nên tốt hơn, nhưng chọn thay đổi để có một kết quả tích cực, hay chọn tiếp tục làm theo cách cũ để tiếp tục vướng phải những nỗi đau y như lúc ban đầu, đó lại là lựa chọn của bạn.
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”
© 2024 | Thời báo ĐỨC