Ba năm không về quê ăn Tết để dành tiền làm giàu

Từng năm nào cũng về quê ăn Tết, tự ti vì trong túi không có đồng nào, tôi quyết tâm dành tiền bạc, thời gian để tu trí làm ăn.

1 Ba Nam Khong Ve Que An Tet De Danh Tien Lam Giau

Đọc nhiều bài viết về chủ đề "về quê ăn Tết", tôi thấy nhiều người có suy nghĩ khá nặng nề về chuyện này trong khi bản thân chưa vững về kinh tế. Nhiều người cứ bảo "không về thì không còn cơ hội gặp lại ba mẹ".

Tôi không hiểu họ đang nghĩ gì?

Ba mẹ các bạn có đang già yếu, bệnh tật, ốm đau thập tử nhất sinh không, trong năm các bạn có về thăm được không, mà phải lo những chuyện như vậy?

Tôi lại cho rằng, nếu bạn tập trung lo làm ăn, tích lũy, làm giàu thì muốn gì cũng được. Ngày xưa còn trẻ, phải đi xa, tôi cũng nghĩ Tết là phải về. Nhưng vài cái Tết đầu về mà trong tay không có tiền khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ.

Sau đó, tôi không về thường xuyên nữa mà chú tâm làm ăn. Sau này giàu có rồi, tôi thích về khi nào cũng được chứ chẳng cần chờ đến Tết. Tôi tin cha mẹ nào cũng mong con mình luôn thành đạt. Đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của các bậc sinh thành.

Thật sự, bản thân tôi cảm nhận được hai vấn đề. Ngày trước, năm nào tôi cũng tranh thủ về quê một lần dịp Tết. Trong túi khi ấy trống trơn nên tôi phải toan tính không dám xài một đồng để dành tiền vào lại Sài Gòn sau Tết, nên đi đâu cũng thấy tự ti. Sau đó, tôi dành thời gian cố gắng tích lũy dành dụm tiền (ba năm không về Tết) rồi dành tiền học tập, nghiên cứu, phát triển sự nghiệp. Nhiều người ở quê trách tôi sao lâu không về thăm cha mẹ. Tôi vẫn bỏ ngoài tai và thực hiện kế hoạch của mình.

Giờ đây, khi đã thành đạt, tôi về quê mà ai cũng quý mến, khen ngợi, họ hàng không ai chê trách, xa lánh. Thậm chí, tôi còn đi từng gia đình nghèo, khó khăn để thăm hỏi, tặng quà, giúp họ kinh tế, tiền chữa bệnh. Tôi cũng đóng góp xây sửa con đường làng, đèn chiếu sáng cho người dân quê tôi. Tôi nghĩ không chỉ ba mẹ, mà hàng xóm, họ hàng ai cũng mong muốn đứa con xa quê, học tập, lập nghiệp thành công, vang danh về xây dựng quê hương. Đó mới là niềm tự hào lớn nhất.

Khi ba mẹ già yếu, bệnh tật thì trách nhiệm con cái phải về thăm nom, chăm sóc thường xuyên, chứ không nhất thiết phải là ngày Tết. Còn suy nghĩ về quê ăn Tết quan trọng như thế nào là tùy vào cách cảm nhận từng người. Với riêng mình, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định xa quê để làm giàu. Giờ đây mỗi khi về quê, ai cũng ngước nhìn, trầm trồ khi tôi đi xe sang, ở nhà lầu. Giờ ba mẹ tôi lúc nào cũng tự hào, dân làng, họ hàng cũng nhắc mãi về một đứa con hiếu thảo dù tôi từng nhiều năm không về quê ăn Tết.

Đồng ý là Tết sum vầy, nhưng tiền đâu mà năm nào cũng đòi về? Tết nên cái gì cũng rất đắt đỏ. Nhiều người làm quần quật cả năm mới dư được vài triệu đến vài chục triệu đồng. Ấy thế mà tranh thủ về quê ăn Tết được một chuyến là tiêu sạch sẽ số tiền ấy, chưa kể có người còn phải vay mượn thêm, lấy cả tiền của ba mẹ để bù vào mới đủ quay lại thành phố làm việc. Như vậy thử hỏi về để làm gì?

Cha mẹ không buồn khi con không về thăm thường xuyên, nhưng sẽ rất buồn khi con mình mãi nghèo, đánh vật mỗi lần về quê ăn Tết. Đồng ý là không thể không về nếu có điều kiện, nhưng cái gì cũng cần cân đối sao cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Có khả năng thì cứ gắng về mỗi năm, điều này tôi hoàn toàn khuyến khích, vì bên cha mẹ luôn thấy ấm lòng. Nhưng nếu bạn còn trẻ, tiền còn chưa có, thì đừng quá gượng ép, nặng nề chuyện về quê ăn Tết. Tôi tin các bậc cha mẹ sẽ vui hơn khi thấy con mình lái ôtô riêng về Tết hơn là vạ vật trên những chuyến xe đò.

Mr Trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày