WHO cảnh báo về biến chủng COVID-19 nguy hiểm hơn

Lãnh đạo WHO cho rằng mối đe dọa về chủng Sars-Cov-2 nguy hiểm hơn là có thật, nhất là khi số ca tử vong được báo cáo tại châu Phi và Tây Thái Bình Dương tăng.  

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, mối đe dọa về một chủng virus Sars-Cov-2 mới, nguy hiểm hơn mà các vaccine hiện tại không chống được là hoàn toàn có thật.

Ông cho biết WHO đang lo ngại về xu hướng số ca tử vong gia tăng ở một số khu vực, như châu Phi và Tây Thái Bình Dương. Còn quá sớm để nói rằng đại dịch đã kết thúc, và rất khó để dự đoán virus sẽ tiến triển tiếp như thế nào.

Hôm 3/6, Tổ chức Y tế Thế giới nhận được báo cáo có tổng cộng 528.816.317 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi bắt đầu đại dịch và 6.294.969 trường hợp tử vong. Trong vòng 24h, số ca mắc bệnh tăng 486.278 người, số người chết tăng 1.380 người.

Trước đó, trong buổi khai mạc phiên họp của Đại hội đồng Y tế thế giới (cơ quan ra quyết định của WHO bao gồm đại diện 194 quốc gia) - ông Tedros cũng đưa ra thông điệp rằng "COVID-19 chắc chắn chưa kết thúc".

“Vậy, COVID-19 đã kết thúc chưa? Không, chắc chắn là chưa kết thúc. Tôi biết đó không phải là thông điệp bạn muốn nghe và chắc chắn đó không phải là thông điệp tôi muốn truyền tải”, ông nói.

Lãnh đạo WHO nói thêm rằng mặc dù ở nhiều quốc gia, tất cả các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ và cuộc sống trông có vẻ như trở về trước đại dịch, số ca bệnh được báo cáo đang gia tăng ở gần 70 nước.

1 Who Canh Bao Ve Bien Chung Covid 19 Nguy Hiem Hon

Ông Tedros đồng ý rằng quá trình "phủ" vaccine trên thế giới đã có những bước tiến nhất định, với 60% dân số thế giới được tiêm chủng. Nhưng vẫn còn gần một tỷ người ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm.

Bên cạnh đó, chỉ có 57 quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine cho toàn dân số từ 70% trở lên - và hầu hết đều là các quốc gia có thu nhập cao.

Người đứng đầu WHO cảnh báo rằng khi số ca lây truyền ngày càng tăng, có nhiều ca tử vong hơn và có nguy cơ xuất hiện biến thể mới, việc giảm xét nghiệm và giải trình tự gen các trường hợp mắc bệnh có thể khiến thế giới "mờ mắt trước sự tiến hóa của virus”.

Ông cũng chỉ ra rằng một số quốc gia vẫn chưa đủ cam kết trong việc triển khai tiêm vaccine và vẫn còn khoảng trống về năng lực hoạt động cũng như tài chính. Bên cạnh đó, thông tin sai lệch vẫn khiến nhiều người chần chừ không tiêm vaccine.

Phương Anh (Nguồn: TASS)

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày