Vaccine ngừa Covid-19 sẽ có giá bao nhiêu?

Đó là câu hỏi đang thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng thế giới trong bối cảnh một số loại vaccine ngừa Covid-19 được kỳ vọng sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

132 1 Vaccine Ngua Covid 19 Se Co Gia Bao Nhieu

Hiện trên thế giới có hơn 100 loại vaccine đang được phát triển để ngừa Covid-19. Một số loại đã tiến tới giai đoạn thử nghiệm trên người. Đây được xem là những ứng cử viên tiềm năng sẽ sớm có mặt trên thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giá thành dự kiến của các loại vaccine được các hãng bào chế dược phẩm tiết lộ gần đây có sự chênh lệch khá lớn.

Một trong các ứng cử viên dẫn đầu về giá thành có lẽ phải kể tới mRNA-1273 do Công ty công nghệ sinh học Moderna phát triển dưới sự hợp tác với Viện Dị ứng Bệnh truyền nhiễm quốc gia, đơn vị trực thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ. Theo kênh truyền hình CNBC, vaccine ngừa Covid-19 có tên mRNA-1273 có giá bán ban đầu là 32-37USD cho mỗi liều tiêm chủng. Đây là loại vaccine đầu tiên được thử nghiệm trên người ở Mỹ. Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết, mỗi người sẽ tiêm hai liều vaccine này. Như vậy, số tiền mua vaccine sẽ là khoảng 64-74USD/người.

Vaccine mRNA-1273 dựa trên kỹ thuật tân tiến, đang là một trong những ứng viên nặng ký trong cuộc đua bào chế vaccine của thế giới. Hiện vaccine đang trong giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng trên người và cũng là giai đoạn cuối trước khi một loại vaccine được cấp phép. Giai đoạn này dự kiến sẽ chấm dứt vào đầu tháng 10 tới.

Với lợi thế dẫn đầu cuộc đua nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ, Moderna đã định giá vaccine của mình cao hơn nhiều so với mặt bằng chung mà các đối thủ cạnh tranh khác đang hướng tới. Theo một thỏa thuận công bố hồi tháng trước, 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mà hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech đồng ý cung cấp cho Mỹ chỉ có giá 1,95 tỷ USD, tức 19,5USD/liều và 39USD/hai liều. Như vậy, giá mà Pfizer và BioNTech đưa ra chỉ bằng một nửa so với Moderna.

Một đối thủ nặng ký khác trong cuộc đua vaccine là AstraZeneca, tập đoàn dược phẩm sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, cũng đưa ra giá cả rất phải chăng, chỉ 4USD/liều vaccine ngừa Covid-19. Mức giá này được tiết lộ trong hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vaccine cho Washington với giá 1,2 tỷ USD mà công ty đưa ra cách đây không lâu.

Một số hãng dược phẩm nổi tiếng khác như liên minh Sanofi và GlaxoSmithKline hay Johnson & Johnson cũng tiết lộ mức giá vaccine trong khoảng 10-11USD/liều. Trong khi đó, Nga-quốc gia đầu tiên dự kiến cấp phép đăng ký vaccine ngừa Covid-19 vào tuần tới-chưa đề cập giá cả cụ thể.

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên, vaccine hiện là hy vọng lớn nhất của người dân toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch. Chính vì lẽ đó, cuộc chạy đua về nghiên cứu, giành quyền sở hữu vaccine ngày một gay gắt. Các hãng dược phẩm Nga, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu bỗng trở thành "vị cứu tinh", với những bản hợp đồng khổng lồ và hỗ trợ béo bở từ chính phủ. Dù chưa có thành phẩm, song các hãng dược phẩm lớn đang nghiên cứu phòng ngừa Covid-19 như BioNTech, Pfizer hay Moderna đều đã nhận những hợp đồng hàng tỷ USD tiền cọc của nhiều nước nhằm đảm bảo có được liều thuốc tiêm chủng quý giá đầu tiên cho người dân.

Việc các quốc gia mong muốn có vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt để chấm dứt đại dịch là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với nhu cầu của nhân loại. Tuy nhiên, điều này cũng góp phần để những toan tính tranh giành, chính trị hóa vaccine ngừa Covid-19 có cơ hội biến "vũ khí" ngăn ngừa đại dịch này thành một quân bài mặc cả, buộc các quốc gia muốn sở hữu chúng phải đánh đổi về mặt lợi ích, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện tiền bạc.

Trước tiềm năng lợi nhuận đến từ cuộc chạy đua trên, các công ty dược phẩm cũng có thể đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất và thí nghiệm trên người, tăng rủi ro về chất lượng vaccine và vi phạm tiêu chuẩn đạo đức y khoa. Đáng ngại hơn, cuộc chạy đua giữa một số quốc gia đã đẩy giá thành vaccine lên cao, ngoài tầm với của một số quốc gia chậm phát triển, đi ngược lại mục tiêu phổ biến vaccine toàn cầu.

Nên nhớ, các nước giàu hơn sở hữu vaccine trước cũng không thể coi là "thiên đường an toàn" trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Bởi vậy, việc bảo đảm giá vaccine ở mức hợp lý để tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận bình đẳng đối với phương pháp phòng ngừa này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

NGỌC HÂN

Nguồn: qdnd.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày