Tổn thương thần kinh – bài học quá đắt cho nhiều bạn trẻ ham chơi Bóng cười

Rất nhanh, bóng cười đã trở thành thú vui mới của nhiều bạn trẻ. Đơn giản, rẻ tiền, cảm giác lại tức thì dễ chịu khiến nhiều người đã xuôi theo mà bất chấp mọi cảnh báo nguy hiểm từ các chuyên gia.

Bóng cười hay còn gọi là funky ball thực chất là những quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O). Bóng cười du nhập vào Việt Nam từ năm 2010 và thực sự trở thành cơn sốt của giới trẻ trong một vài năm gần đây, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Tổn thương thần kinh – bài học quá đắt cho nhiều bạn trẻ ham chơi Bóng cười - 0

Sau khi quả bóng được bơm căng tròn, người chơi bóng cười chỉ cần hít vào và thổi ra khoảng 4-5 lần. Khí cười N2O theo khí quản vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng…

Nhiều người cho rằng thú chơi này vừa giúp giảm stress, đưa lại những trận cười sảng khoái, vui vẻ và hứng thú cho người sử dụng, vừa công khai, an toàn. Tuy nhiên, để đánh đổi những tiếng cười này, đằng sau đó lại là hậu quả khôn lường.

Trước đây bóng cười xuất hiện trong quán bar, karaoke, nhưng hiện tại người ta có thể tìm mua chúng ở nhiều cửa hàng rải rác khắp nơi ở các thành phố, mua bán trên mạng, thậm chí làm đại lý kinh doanh bóng cười. Giá thành bóng cười rất thấp, từ vài nghìn đến vài chục nghìn mỗi quả, đủ loại bóng và cả ‘đồ chơi’ đi kèm.

Nguy hiểm khó lường

Tổn thương thần kinh – bài học quá đắt cho nhiều bạn trẻ ham chơi Bóng cười - 1

Khí bóng cười.

Chất khí N2O khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Tuy nhiên, vì khí N2O tác động trực tiếp lên hệ thần kinh nên nhiều chuyên gia đã có những cảnh báo nhất định đối với thú chơi này, nhất là việc lạm dụng nó.

Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, khi các bạn trẻ hít khí N2O được bơm trong mỗi quả bóng thì nó sẽ có tác động lên bán cầu não, thùy não, đây là một hợp chất gây ra ảo giác rất nguy hại. Điều nguy hiểm là những chất này có thể gây nghiện và dù sau này có được điều trị chữa trị thì nó vẫn có nguy cơ gây nhớ, hồi tưởng lại dẫn tới bệnh nhân có ham muốn sử dụng lại…

Còn PGS.TS. Phạm Đức Thịnh chuyên khoa Y học – Viện Pháp y tâm thần Trung ương, nếu hút nhiều lần sẽ dẫn đến ngộ độc, rối loạn cơ quan nội tạng ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh, tâm thần, trầm cảm. Đây là một chất không gây nghiện nhưng nó nguy hiểm đến cơ quan nội tạng như tim mạch, thần kinh gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, vì thế các bạn trẻ không nên sử dụng chất này.

Thường xuyên sử dụng khí cười sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác.

Cấp cứu, thiệt mạng vì bóng cười

Tổn thương thần kinh – bài học quá đắt cho nhiều bạn trẻ ham chơi Bóng cười - 2

Theo nguồn tin của Nguoitieudung, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đang điều trị cho một bệnh nhân nam 26 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong từ hơn một năm nay. Nam bệnh nhân nhập viện ngày 1/4 với các biểu hiện rối loạn cảm giác và giảm vận động, đồng thời có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Qua khám lâm sàng và xét nghiệm còn thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống.

Bệnh nhân này thời gian đầu chỉ 1-2 quả một lần và có cảm giác “phê”, dần dần số lượng dùng ngày một tăng, có thể lên tới 20 quả một lần chơi và thường xuyên dùng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, đây là trường hợp rất điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.

Các chuyên gia nhận thấy, chỉ cần hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy… Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.

Tổn thương thần kinh – bài học quá đắt cho nhiều bạn trẻ ham chơi Bóng cười - 3

Phê bóng cười.

Cho tới nay, Việt Nam chưa có thống kê trường hợp nào tử vong vì hít bóng cười. Nhưng số liệu từ Mỹ cho biết, mỗi năm tại nước này có 15 trường hợp chết vì bóng cười. Còn tại Anh, từ năm 2006 – 2012 có 17 ca thiệt mạng.

Do vậy, các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bước vào cuộc vui nguy hiểm với những quả bóng cười.

 

Nguoitieudung

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày