Theo đó, Tiến sĩ Ronald Levy, Đại học Stanford của Mỹ, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này cho biết, loại vắc xin chống ung thư này đã được thử nghiệm thành công trên chuột bạch với kết quả thu về là đẩy lùi đến 97% khối u bệnh. Tuy nhiên, tên và nhiều thông tin cụ thể về loại vắc xin này hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Dự kiến đến cuối năm nay, các nhà khoa học sẽ tiến hành bước tiếp theo là thử nghiệm vắc xin trên người. Nếu đạt hiệu quả như mong muốn thì chế phẩm này sẽ ngay lập tức được đưa vào sản xuất đồng loạt.
Hiện tại các nhà khoa học đang cần khoảng 35 người mang bệnh lympho mức độ nhẹ để tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Các bệnh nhân sẽ được tiêm liều thấp trong vòng sáu tuần. Tiến sĩ Ronald Levy cho biết, loại vắc xin này không hoạt động giống như vắc xin chúng ta thường thấy ngày nay.
Vắc xin tiêu diệt tế bào ung thư trong máu đã được thử nghiệm thành công trên chuột.
Theo các nhà khoa học, loại vắc xin mới này giống như một chất kích thích hệ miễn dịch, dùng chính hệ miễn dịch của cơ thể để diệt trừ các khối u ung thư trên khắp cơ thể và ngăn ngừa ung thư. Chế phẩm này chứa hai loại thuốc đã được chứng minh là an toàn với bệnh nhân.
Đầu tiên là CpG oligonucleotide – một đoạn ngắn của ADN. Nó cùng với các tế bào miễn dịch khác ở lân cận làm khuếch đại biểu hiện của thụ thể kích hoạt OX40 trên các tế bào của hệ thống miễn dịch (tế bào T). OX40 là thành viên thuộc siêu họ các thụ thể của yếu tố hoại tử khối u. Tác nhân thứ hai là một kháng thể liên kết với OX40, có khả năng kích hoạt tế bào T chống lại tế bào ung thư.
Đồng thời, vắc xin mới cũng không gây ra tình trạng đau đớn cho bệnh nhân. Người bệnh sẽ chỉ đau nhẹ ngay tại vị trí tiêm và chịu tác dụng phụ là bị sốt. Tiến sĩ Michelle Hermiston – một chuyên gia về ung thư đến từ Đại học California nhận định: “Đây không phải là một liệu pháp tầm thường. Nó giúp hệ miễn dịch nhìn rõ hơn khối u ung thư”.
Kết quả thử nghiệm này sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu phát triển ra nhiều biện pháp cũng như chế phẩm thuốc khác hữu ích trong việc điều trị tận gốc, đẩy lùi mối đe dọa từ căn bệnh hiểm nghèo mang tên ung thư.
Theo Đời sống & Pháp lý
© 2024 | Thời báo ĐỨC