Trước khi nhiễm Covid-19 vào tháng 3, người phụ nữ 31 tuổi Daniela Alves ở London thường xuyên làm thêm giờ để phát triển sự nghiệp thiết kế ứng dụng của mình.
Giờ cô gặp khó khăn trong các cuộc làm việc với khách hàng và cho biết sự mệt mỏi kéo dài làm giảm một nửa năng suất, theo Bloomberg.
"Tôi từng khỏe như mãnh thú, nhưng giờ thì khác rồi", Alves trả lời qua Zoom trong khi thường phải ngừng lại để lấy hơi hoặc ho. "Thể lực của tôi không cho phép, và tôi đang sống theo cách khác".
Tác động âm ỉ Alves cần nghỉ làm 3 tháng ngay cả khi chỉ có triệu chứng "nhẹ" và không cần nhập viện. Cô là người vượt qua dịch bệnh, nhưng với tình trạng suy nhược - một ảnh hưởng âm ỉ của căn bệnh. Cho đến nay, các nhà khoa học phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 sẽ khiến một bộ phận trong số 23 triệu người nhiễm virus bị suy giảm thể chất, nhận thức và tâm lý. Một số tình trạng có thể là phổi có sẹo, dễ mệt mỏi và đau tim mạn tính.
Virus corona có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cả tài chính của người nhiễm. Ảnh: Bloomberg.
Mức độ ảnh hưởng về lâu dài này sẽ đè nặng lên hệ thống y tế và lực lượng lao động. Gánh nặng đó có thể khiến tác động của đại dịch lên nền kinh tế kéo dài nhiều thế hệ, làm tăng chi phí toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc dự đoán con số này sẽ là 35,3 nghìn tỷ USD cho đến năm 2025.
Mặc dù không rõ có bao nhiêu người chịu di chứng lâu dài này, một nghiên cứu về triệu chứng của Covid-19 ở Anh với hơn 4 triệu người tham gia cho thấy cứ 10 người thì có 1 người đổ bệnh ít nhất 3 tuần.
Theo Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King's Colleage London - người đứng đầu nghiên cứu, những người nhiễm virus ở mức độ nhẹ thường có nhiều triệu chứng "lạ" và kéo dài.
Ngày càng khó đoán "Chúng ta càng tìm hiểu nhiều về virus corona, nó càng trở nên khó đoán", ông nói.
Theo Christopher J.Muray, Giám đốc Viện đánh giá và Nghiên cứu y tế tại Đại học Washington ở Seattle, tình trạng thiếu người theo sát bệnh nhân và dữ liệu không đầy đủ về số ca nhiễm khiến việc dự đoán ảnh hưởng lâu dài lên kinh tế và sức khỏe của đại dịch trở nên khó khăn.
Ông Murray đã nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu trong gần 30 năm và cho biết đây là điều mà họ rất cố gắng để đánh giá.
Thông tin đó rất quan trọng để dự đoán và tính toán chi phí cho các nhu cầu chăm sóc sức khỏe tương lai, theo Thomas File, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ.
Gánh nặng đáng kể "Nếu nhìn vào hệ quả trung hạn ngay bây giờ, chúng ta có thể thấy được nó trên phổi, tim hệ thần kinh và tâm lý", File cho biết.
"Điều này sẽ tạo nên gánh nặng đáng kể đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta trong nhiều năm tới", ông chia sẻ thêm.
Đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Ảnh: Yahoo.
Ola Jonas, cựu cố vấn kinh tế tại Ngân hàng Thế giới, đồng thời nghiên cứu tác động của bệnh truyền nhiễm tại Đại học Harvard, cho rằng tác động kinh tế sẽ lớn hơn nhiều nếu những người trẻ phải chịu những di chứng liên quan đến virus nhiều năm sau khi khỏi bệnh.
Bại liệt tốn ước tính 215 tỷ USD chi phí điều trị ở Mỹ từ năm 1955-2015 nếu vaccine không được phổ biến rộng rãi.
Hannah Wei, 30 tuổi, và phải chịu những di chứng kéo dài như vậy, cho biết đến nay vẫn chưa có nhiều chú ý đến những tác động xấu của Covid-19 lên người trẻ tuổi.
Phân tích từ phản hồi của 640 bệnh nhân cho thấy "quá trình phục hồi không ổn định, bao gồm các đợt tái phát 6 tuần sau đó hoặc lâu hơn".
Mặc dù tất cả người được hỏi đều xuất hiện các triệu chứng Covid-19, 48% trong số họ bị từ chối xét nghiệm hoặc không được xét nghiệm.
Điều đó khiến việc nhận hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ phục hồi trở nên khó khăn hơn.
Ảnh hưởng lâu dài "Khi đại dịch bắt đầu, nhiều người trong độ tuổi của tôi không phải đối tượng được xét nghiệm, vì vậy chúng tôi bị bỏ qua và không được ghi nhận trên các số liệu chính thức", Wei cho biết. Rất nhiều người trong số họ đang phải chịu những di chứng về sau.
Janet Currie, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton, cho rằng ngay cả khi những trường hợp như vậy được xác định, không có gì đảm bảo hậu quả về kinh tế có thể định lượng được đầy đủ.
Ngoài ra, những ảnh hưởng kinh tế lâu dài do đại dịch còn vượt xa hơn ảnh hưởng của những người nhiễm virus.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần do lệnh đóng cửa có thể làm giảm hiệu suất và năng suất công việc, hay gián đoạn trong chăm sóc sức khỏe có thể làm nghiêm trọng hơn những vấn đề sức khỏe khác.
Nguồn: zingnews
© 2024 | Thời báo ĐỨC