Phản ứng miễn dịch quyết định sự sống hoặc cái chết của bệnh nhân COVID-19

Hệ miễn dịch của mỗi người phản ứng rất khác nhau khi nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), và sự khác biệt này đôi khi quyết định bệnh nhân sẽ sống hay chết, theo một nghiên cứu mới của Mỹ.

Khi cơ thể con người bị virus tấn công, hệ miễn dịch sản sinh ra tế bào lympho T kháng cự lại. Tế bào T chủ yếu có 2 dạng chia theo chức năng: Tế bào T đặc trách phản ứng phòng thủ, nhận diện virus (ký hiệu Th); và tế bào T độc (Tc) chuyên tiết ra hóa chất tiêu diệt virus.

Một phản ứng miễn dịch hoàn hảo cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tế bào Th và Tc.

132 1 Phan Ung Mien Dich Quyet Dinh Su Song Hoac Cai Chet Cua Benh Nhan Covid 19

Virus corona (màu vàng) chui ra từ một tế bào (màu đỏ) bị nhiễm trong cơ thể - Ảnh: AFP

Nhóm nghiên cứu của Đại học Pennsylvania do giáo sư Nuela Meyer dẫn đầu phát hiện đối với bệnh COVID-19, sự liên kết giữa hai nhóm tế bào T không tồn tại ở một số người, đây cũng là nhóm gặp biến chứng nặng phải nhập viện.

Trong công trình đăng trên tạp chí Science, nhóm khoa học nhận diện được 3 cách hệ miễn dịch phản ứng có thể dẫn đến tiên lượng xấu cho bệnh nhân COVID-19.

Dạng thứ nhất là tỉ lệ tế bào Th quá nhiều so với Tc, tức cơ thể báo động mạnh virus xâm nhập nhưng không đủ sức kháng cự.

Dạng thứ hai là ngược lại, tế bào Tc vượt trội so với Th, tức cơ thể đủ lực kháng cự lại virus nhưng do thiếu sự điều phối nên gây ra tổn thương lớn cho cơ thể, mặc dù bệnh nhân có thể sống sót.

Dạng thứ ba là thiếu cả tế bào Th lẫn Tc, đây cũng là nhóm bệnh nhân dễ tử vong nhất.

132 2 Phan Ung Mien Dich Quyet Dinh Su Song Hoac Cai Chet Cua Benh Nhan Covid 19

Virus corona dưới kính hiển vi - Ảnh: EPA

Nghiên cứu của Mỹ được tiến hành trên 125 bệnh nhân COVID-19, là nghiên cứu quy mô nhất mang tính chất này tính đến nay.

Mặc dù các nhà khoa học chưa giải thích được đầy đủ phản ứng khác nhau của hệ miễn dịch, họ nghi ngờ nó liên quan đến tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân vào thời điểm nhiễm bệnh.

"Phát hiện mới gợi ý bác sĩ nên có những cách tiếp cận chữa trị khác nhau tùy vào phản ứng miễn dịch của bệnh nhân, kết quả có thể sẽ tốt hơn", nhóm nghiên cứu đề xuất.

Theo báo South China Morning Post, một bác sĩ Trung Quốc sống ở Bắc Kinh (đề nghị ẩn danh), cho biết Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận đó đối với bệnh COVID-19 được một thời gian.

Ông nói mặc dù ngành y Trung Quốc cũng chưa hiểu rõ cách hệ miễn dịch phản ứng, các bác sĩ tuyến đầu ở Vũ Hán đã quan sát thấy sự khác biệt lớn ở bệnh nhân COVID-19 khi họ nhận được cùng một cách chữa trị.

"Cùng một phương pháp chữa, với một người thì hiệu quả tuyệt vời, nhưng người khác lại mất mạng. Quá nhiều tế bào T có thể dẫn đến hội chứng bão (cytokine), một số loại thuốc có thể giúp ức chế (tế bào) trước khi nó nổi loạn", vị bác sĩ mô tả.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày