Tuy nhiên, một nghiên cứu đã cho thấy, ăn nhiều muối hầu như không ảnh hưởng gì đến huyết áp thậm chí còn cho kết quả ngược lại.
Ăn nhiều muối có hại cho sức khỏe như chúng ta vẫn nghĩ hay không?
Sau một loạt các nghiên cứu quy mô lớn cho thấy rằng khẩu phần muối cao dẫn đến cao huyết áp, chương trình Hướng dẫn về chế độ ăn dành cho người Mỹ khuyên lượng muối hấp thu chỉ nên ở mức 2300 mg/ngày.
Ăn mặn có thực sự có hại? (Ảnh: Blog bTaskee)
Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu mới đang tỏ ý nghi ngờ lời khuyên này. Nghiên cứu mới nhất của Lynn L. Moore, Trường Đại học Y Boston, Massachusetts về vai trò của natri trong tăng huyết áp được trình bày tại hội nghị Sinh học thực nghiệm 2017 diễn ra tại Chicago đang mở ra một cái nhìn mới về mối tương quan giữa muối và cao huyết áp.
Một cái nhìn mới về muối và huyết áp
Nhóm nghiên cứu của Moore đã thu thập số liệu từ 2632 nam giới và phụ nữ tuổi từ 30 đến 64, tham gia trong nghiên cứu Framingham Offspring Study – một nhánh của nghiên cứu Framingham Heart Study. Tất cả các đối tượng đều có huyết áp bình thường khi bắt đầu thử nghiệm.
Trong thời gian theo dõi 16 năm, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người ăn dưới 2500 miligam muối natri mỗi ngày có huyết áp cao hơn những người ăn nhiều muối hơn. “Trong khi chúng tôi dự kiến rằng lượng muối ăn vào sẽ liên quan tỷ lệ thuận với cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, thì kết quả lại cho thấy điều ngược lại”, bà Moore cho biết.
Mặc dù những phát hiện này có vẻ trái ngược với hiện trạng, song chúng phù hợp với những nghiên cứu khác gần đây đặt ra câu hỏi tương tự. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một “mối liên quan hình chữ J” giữa nguy cơ tim mạch và muối. Điều này có nghĩa là cả chế độ ít muối và chế độ ăn rất nhiều muối đều gây nguy cơ cao mắc bệnh tim.
“Chúng tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy một chế độ ăn ít muối có bất cứ lợi ích lâu dài nào đối với huyết áp. Các phát hiện của chúng tôi bổ sung thêm bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy rằng các khuyến cáo hiện nay về lượng muối ăn vào có thể đã bị hiểu nhầm”, Lynn L. Moore viết.
Kali cũng quan trọng như natri
Tầm quan trọng của kali trong ăn uống cũng được nhấn mạnh trong nghiên cứu này. Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người có huyết áp thấp nhất là những người có khẩu phần natri và kali cao nhất. Ngược lại, những người có huyết áp cao nhất có lượng natri và kali thấp nhất. Moore cho biết: “Nghiên cứu này và các nghiên cứu khác đã chỉ ra tầm quan trọng của khẩu phần muối kali cao hơn đối với huyết áp và có lẽ là cả với tim mạch”.
Muối kali cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. (Ảnh: Blog Nutri2)
Những hiệu ứng tương tự cũng được tìm thấy khi phân tích khẩu phần magiê và canxi; mức độ cao hơn có liên quan đến huyết áp thấp hơn và ngược lại. Các tác giả kết luận: “Dữ liệu dài ngày từ Nghiên cứu Framingham không ủng hộ việc giảm lượng natri ở người trưởng thành khỏe mạnh xuống dưới 2,3g/ngày như khuyến nghị. Nghiên cứu ủng hộ phát hiện về mối liên quan đảo ngược rõ ràng giữa kali, magiê, canxi và thay đổi huyết áp theo thời gian.”
Moore mong muốn nghiên cứu của mình sẽ góp phần làm thay đổi những quyết định về dinh dưỡng trên khắp nước Mỹ. Bà hy vọng nghiên cứu sẽ giúp đặt lại mục tiêu cho Hướng dẫn dinh dưỡng hiện nay dành cho người Mỹ về tầm quan trọng của việc tăng những thực phẩm giàu kali, canxi và magiê nhằm duy trì huyết áp lành mạnh.
Tuy nhiên, có thể có những người đặc biệt nhạy cảm với muối natri và do đó có thể được lợi từ việc giảm muối trong chế độ ăn. Có lẽ trong tương lai, các phương pháp sàng lọc độ nhạy cảm với muối có thể giúp xác định những người nào cần phải cẩn thận hơn.
Khi có thêm những nghiên cứu kết luận rằng vai trò của muối natri trong tăng huyết áp ít quan trọng hơn như người ta từng nghĩ, các khuyến cáo về dinh dưỡng chắc chắn sẽ thay đổi cho phù hợp với những phát hiện. Sự thay đổi trong lĩnh vực này của khoa học dinh dưỡng là điều đáng được mong chờ.
Yến Dương t/h
© 2024 | Thời báo ĐỨC