Các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, mặc dù kích cỡ dị vật nhỏ nhưng nó cũng rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong khi làm tắc đường khí quản, không đưa được oxy lên não.
Não rất cần oxy để có thể duy trì sự sống, do đó khi đường lấy oxy bị chặn lại, hay bị nghẹn trong vòng 4-6 phút sẽ gây nguy hại tính mạng.
Khi bị tắc nghẽn đường thở, người bị nạn thường có những biểu hiện ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở do dị vật mắc vào thanh quản.
Nhiều trường hợp giãy giụa, mặt đỏ bừng, ngã vật xuống vì thiếu oxy. Nếu tình trạng này diễn ra trong 5 phút mà không được cứu kịp thời, người bị nạn có thể bị suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
Trao đổi với Gia đình và Xã hội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, khi hóc dị vật cần tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. Việc móc họng hay dùng vật cứng móc, ngoáy họng sẽ làm trầy xước gây nên những tai biến: Viêm thanh quản, viêm tấy có mủ…
Với trẻ nhỏ, nhiều cha mẹ khi thấy con bị nôn ói, sặc lại lấy tay vuốt xuôi. Điều này vô tình làm dị vật chui sâu vào phổi, khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.
Bác sĩ Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng (BV Nhân dân 115, Tp.HCM) cho biết, nhiều người khi ăn uống mắc dị vật như xương còn cố nuốt nguyên cục cơm, hoa quả hoặc dùng chiếc lá có cột cọng chỉ để lấy dị vật ra… Điều này sẽ rất nguy hiểm. Dị vật đó thật nhỏ có thể trôi vào thực quản và được đưa ra ngoài theo đường tiêu hóa thì không sao.
Trường hợp không may dị vật trôi vào sâu hơn bị mắc lại mà không được lấy ra kịp thời dễ làm tổn thương, viêm, áp xe, gây ngưng thở…
Cách sơ cứu khi gặp người bị hóc, mắc dị vật trong đường thở
Việc sơ cứu khi hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không kịp thời chỉ sau 5 phút, dị vật chèn đường thở sẽ dẫn tới ngừng thở, suy hô hấp…. Với vật có hình dáng góc cạnh cần có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng.
Sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich
Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.
– Với người lớn:
Để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát.
Khi nạn nhân ngã xuống phải lật nghiêng người hoặc nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Sau đó lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép dùng 2-3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.
– Với trẻ nhỏ:
Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Trẻ 5-7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực.
Xử lý khi chỉ có một mình
Theo các chuyên gia, trong trường hợp bị hóc dị vật khi chỉ có một mình, để đẩy dị vật ra ngoài, bạn hãy tự đẩy ép bụng bằng cách đứng tựa lưng vào tường phẳng. Sau đó, dùng một bàn tay nắm chặt, tì sát phần ngón cái và ngón trỏ vào vùng bụng phía trên, ngay dưới xương ức (lòng bàn tay úp xuống).
Lấy nắm tay còn lại đấm mạnh vào nắm tay trên bụng theo chiều từ trước ra sau và từ dưới lên từng cái một. Nếu dị vật chưa ra hãy dùng ghế dựa áp phần bụng phía trên rốn lên bờ trên của tấm tựa lưng. Sau đó dùng sức nặng của thân người gập xuống thành ghế tạo sức ép đẩy không khí từ trong ra, dị vật sẽ bị bắn ra.
Lưu ý, sau các bước sơ cứu nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần đưa nạn nhân đến bệnh viện kiểm tra đề phòng dị vật có thể sót.
Phương Nam
© 2024 | Thời báo ĐỨC