Khoai sọ chứa nhiều tinh bột, chất xơ, đường, lipid, nhiều axit amin và các khoáng chất (Ca, P, Fe); 3,6g chất khoáng toàn phần. Đây được đánh giá là một trong những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, củ khoai sọ có tính bình, vị cay ngọt, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng, có tác dụng tán khối kết tiêu u hạch ở cổ, nhuận tràng, thông đại tiện, thường dùng chữa các loại thủng độc sưng đau, khối kết (u hạch), bỏng lửa, viêm khớp, viêm thận, sưng hạch, bạch huyết, suy nhược cơ thể, chống tiêu khát. Vì nhiều lợi ích từ khoai sọ, bạn hãy ghi nhớ những món ăn này:
Canh cua khoai sọ rau rút
Nguyên liệu gồm: 200g cua đồng, 60g khoai sọ, 1 mớ rau rút. Cua đồng rửa sạch, bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, giã nát là lọc lấy nước cho thêm mắm, muối vừa ăn.
Khoai sọ làm sạch, bổ miếng vừa ăn, rau rút nhặt lấy phần lá, cọng non. Cho nước cua đun sôi thì cho khoai sọ vào khi khoai sọ chín thì cho rau rút vào đun vừa chín là được.
Khi bạn thấy cơ thể mệt mỏi, kém ăn, phiền muộn hãy chuẩn bị món ăn khoai sọ hợp khẩu vị bản thân. (Ảnh: khoe360.tienphong.net)
Cháo khoai sọ
Khoai sọ 200g, sơn dược (củ mài) 50g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa), dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát, hay phiền táo.
Canh khoai sọ đậu ngự
Khoai sọ 300g, đậu ngự 100g, dầu ăn và gia vị. Khoai sọ gọt làm sạch, ngâm nước 15 phút cho sạch nhớt, bổ miếng vừa ăn. Đậu ngự rửa sạch, ngâm nước cho mềm, luộc qua.
Cho nóng chảo, cho khoai sọ vào xào qua, rồi cho nước vào nấu sau đó cho đậu ngự vào hầm.
Khi đậu và khoai nhừ thì thêm ít gia vị và ăn nóng. Món ăn này rất tốt cho não và cải thiện chứng suy nhược cơ thể, thích hợp với những người vừa ốm dậy.
Chuẩn bị cho mình món chè khoai sọ sau khi ốm dậy. (Ảnh: 123monngon)
Chè khoai sọ táo tàu
Khoai sọ 250g (gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ), táo tàu 50g, đường đỏ 50g, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3 – 4 lần ăn trong ngày.
Có thể dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi mắc bệnh nặng. 15 ngày là một liệu trình.
Chữa kiết lỵ lâu ngày không khỏi
Khoai sọ 50g, sắc nước uống mỗi ngày 2 lần. Nếu đi lỵ ra máu, khi uống hoà thêm đường đỏ; Không ra máu, chỉ có nhầy thì pha với đường trắng. Hoặc dùng thân khoai sọ 15g, củ cải 15g, tỏi 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Xương lợn hầm khoai sọ
60g khoai sọ, xương cẳng hoặc xương sống lợn. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành miếng vừa ăn, thêm muối, nước, gia vị. Hầm nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần sẽ có tác dụng khu phong trừ thấp và chữa các chứng bệnh nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.
Khoai sọ hầm xương trị phong thấp gây đau nhức tay chân. (Ảnh: wikigiadinh.net)
Chữa Gân cốt đau nhức, sưng tấy
Khoai sọ, gừng tươi, liều lượng bằng nhau, tất cả đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, mỗi ngày thay thuốc 2 lần. Dùng 3 – 5 ngày.
Chữa chín mé, các loại đinh nhọt
Khoai sọ giã nát, trộn thêm chút muối, đắp vào chỗ sưng đau, lấy gạc băng lại, ngày thay thuốc 2 lần. Hoặc: Dùng thân khoai sọ giã nát đắp vào chỗ bị bệnh. Dùng củ khoai sọ trộn muối giã đắp lên những chỗ sưng đau trên cơ thể.
Chữa tiêu chảy, lỵ
Lá khoai sọ 30g, củ cà rốt 30g, tỏi vài nhánh. Sắc uống.
Thông hầu họng kháng độc
Khoai sọ 15-20g, rễ kỷ tử 50g. Sắc trong 2h, gạn lấy nước trong cho uống ngày 1 lần. Uống liên tục 60 ngày. Dùng cho bệnh nhân bị u bướu vùng hầu họng.
Lưu ý:
khi sử dụng khoai sọ, gọt sạch vỏ cắt làm 2 hoặc 4, và ngâm nước 15-20 phút cho bớt nhớt, như vậy sẽ không bị gây ngứa. Ngoài ra những người mắc chứng tiểu đường không nên ăn khoai sọ, vì khoai sọ chứa hàm lượng tinh bột cao, nên khi ăn vào cơ thể tinh bột này sẽ được chuyển hóa thành đường.
Do đó chứng tiểu đường cần giảm đường máu mà lại cung cấp thêm đường được chuyển hóa từ tinh bột khoai sọ sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trong hơn.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC