Trong y học cổ truyền phương Đông có một phương pháp “tinh vi” hơn để bổ sung năng lượng và cải thiện mệt mỏi, đó là bổ sung “khí” và cường kiện Tỳ vị.
Tại sao y học phương Đông cần bổ sung “khí”?
Tại sao y học phương Đông cần bổ sung “khí”? Bởi người bệnh có chứng “khí hư”, “khí” sẽ thường xuyên không được đầy đủ. “Khí” được nói bởi y học phương Đông tương đương với “năng lượng” được nói bởi y học phương Tây.
Không đủ khí nghĩa là năng lượng không đủ, nếu bạn không có đủ năng lượng để làm việc, bạn có thể dễ dàng cảm thấy mệt mỏi và cần dừng lại nghỉ ngơi, do đó, biểu hiện quan trọng nhất của “sự thiếu hụt khí” chính là dễ dàng mỏi mệt.
Đônh Y coi trọng bổ khí, là năng lượng của cơ thể.
Một số người có thể nói rằng khi năng lượng không đủ, chúng ta có thể ăn nhiều hơn là được, cần gì phải “bổ khí” nữa? Họ không biết rằng, người bệnh khí hư, năng lượng không đủ, vấn đề đều nằm ở chức năng của Tỳ vị, gọi là “Tỳ vị khí hư”; chính bởi vì chức năng của Tỳ vị có vấn đề, không thể chuyển hóa đồ ăn thành năng lượng, mới làm cho năng lượng không đầy đủ. “Bổ khí” trong Đông y, chính là tăng cường chức năng cơ bản của Tỳ vị để Tỳ vị có thể cung cấp năng lượng như bình thường.
Tỳ vị – “trạm tiếp tế năng lượng”
Chúng ta có thể bổ sung năng lượng bằng chế độ ăn uống, thông qua sự tiêu hóa và hấp thu ở đường tiêu hóa (tràng-vị ), sự hỗ trợ của gan, mật, tụy mà chuyển hóa thành đường glucose, acid amin, acid béo và các chất dinh dưỡng, là nguồn năng lượng cung cấp cho các tế bào sử dụng. Nhưng khi có bệnh về đường tiêu hóa, chức năng tiêu hóa và hấp thu không tốt dẫn đến năng lượng cung cấp không được đầy đủ.
Đông y giảng: “Vị chủ thu nạp”, thu nạp và “ngấu nhừ” (nấu chín, làm mềm) thức ăn, tiêu hóa thức ăn; “Tỳ chủ vận hóa”, có tác dụng đem vật chất tinh hoa của đồ ăn thức uống đi toàn thân. “Tiểu trường phân biệt thanh trọc”, phân tách đồ ăn thức uống thành chất tinh hoa và chất cặn bã; “Đại trường truyền tống chất cặn bã” ra ngoài cơ thể.
Tỳ vị: trạm tiếp tế năng lượng. (Ảnh: soha.vn)
“Hoàng đế nội kinh” nói: “Vị thị ngũ tạng lục phủ chi hải”, vật chất tinh hoa của ngũ tạng lục phủ đều bắt nguồn từ Vị; “Tỳ vi Vị hành kỳ tân dịch”, Tỳ giúp Vị vận chuyển tân dịch đi toàn thân. Do đó Đông y nói: “Tỳ vị vi hậu thiên chi bản”, Tỳ vị là gốc của hậu thiên. Tỳ vị có thể ngấu nhừ thủy cốc, tiêu hóa đồ ăn, vận chuyển các chất dinh dưỡng, là nguồn gốc sinh thành của khí và huyết, dinh dưỡng của ngũ tạng lục phủ, trên dưới toàn thân đều cần dựa vào Tỳ vị.
Khi chức năng của Tỳ vị bình thường, Tỳ vị có thể tiêu hóa đồ ăn, chuyển hóa thành năng lượng, năng lượng không ngừng được cung cấp cho cơ thể, do đó nói Tỳ vị là “trạm tiếp tế năng lượng” của cơ thể; khi chức năng của Tỳ vị không tốt, khí hư suy, sự tiêu hóa của đồ ăn sẽ có vấn đề, khí (năng lượng) sản sinh không đủ, do đó rất dễ mệt mỏi, còn sẽ có các triệu chứng của Tỳ vị như: chán ăn, trướng bụng, tiêu chảy…
“Tỳ”- tên chính xác trong y học phương Đông, trở thành lỗi sai trong bản dịch tiếng Anh thời kỳ đầu
“Tỳ” trong Đông y có phải là “lá lách” (spleen) trong Tây y không ?
Không hẳn vậy !
Chức năng của “Tỳ” theo Đông y là vận hóa thủy cốc, tiêu hóa đồ ăn, là bộ phận tiêu hóa, vị trí ở trung ương, cùng chung màng với Vị; “lá lách” của Tây y (spleen) là tuyến bạch huyết, vị trí ở bên trái, chức năng chủ yếu là nơi chứa các tế bào lympho, có chức năng miễn dịch.
Đã xảy ra lỗi thực tế khi phiên dịch từ spleen trong Tây y thành “Tỳ”, tạo thành rất nhiều sự hiểu sai và phiền phức, nhưng bởi vì đã thành thói quen nên rất khó để thay đổi trở lại.
Vì sao lại có lỗi sai này? Đông y, nhất là tại Trung Quốc đã có lịch sử 5000 năm, Tây y truyền vào Trung Quốc vào thời nhà Thanh, khoảng 200 năm trước, khi đó người phiên dịch không phải là chuyên gia Đông y, do đó đã xuất hiện sai lầm. “Tỳ” trong Đông y nên là “pancreas” trong Tây y, là “tuyến tụy”, là cơ quan tiêu hóa. Lý tưởng nhất thì “Tỳ” trong Đông y bao gồm tuyến tụy (pancreas) và lá lách (spleen), bộ phận chủ yếu là tuyến tụy (pancreas).
Tỳ vị bị thương, xuất sinh trăm bệnh
Mặc dù nói Tỳ vị là “gốc của hậu thiên”, Tỳ và Vị biểu lý với nhau, là quan hệ trong ngoài, nhưng về chức năng và việc điều trị, Tỳ và Vị lại có chỗ khác nhau cần phân biệt rõ, “Vị chủ thu nạp, ngấu nhừ thủy cốc, Tỳ chủ vận hóa thủy cốc”. Vị sinh bệnh, triệu chứng là nôn, chán ăn; Tỳ sinh bệnh, triệu chứng là trướng bụng, tiêu chảy.
Ảnh: defenderauto.info
Người không có cảm giác ngon miệng, sau khi ăn không bị tiêu chảy, đây là bệnh của Vị; bệnh Vị có thể bổ thận hỏa, tăng cường tiêu hóa. Ngược lại, người ăn được, nhưng sau ăn lại tiêu chảy, đây là bệnh của Tỳ; bệnh Tỳ cần bổ Tỳ, bổ Tỳ cũng cần bổ thận hỏa, bởi thận hỏa có thể sinh Tỳ khí, tăng cường tiêu hóa. Do Tỳ và Vị có quan hệ biểu lý, sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên lâu dần Tỳ Vị đều có bệnh, gọi chung là bệnh Tỳ Vị.
Thời nhà Kim-Nguyên, y học gia Lý Đông Viên trong cuốn “Tỳ vị luận” đã cho rằng: “nội thương Tỳ vị, bách bệnh do sinh”, Tỳ vị bị nội thương là nguyên do sinh ra trăm bệnh. Bởi Tỳ vị là nguồn gốc sinh hóa khí huyết, cung cấp dinh dưỡng cho các cơ quan tạng phủ và toàn thân, cho nên khi Tỳ vị thương tổn, khí huyết nuôi dưỡng cho các bộ phận của cơ thể không đủ, các loại bệnh tật liền phát sinh.
Những phương thuốc Đông y “bổ khí”, cường kiện Tỳ vị
Khi có chứng khí hư, chúng ta cần chữa trị như thế nào? Đông y giảng: “hư thì bổ, thực thì tả”, chứng hư thì cần dùng “bổ pháp”. Như vậy cần dùng thuốc gì để “bổ khí”? Trong cuốn “Cảnh Nhạc toàn thư” của Trương Cảnh Nhạc đời nhà Minh có nói: “phàm khí hư giả nghi bổ kỳ thượng, Nhân sâm, Hoàng kỳ chi thuộc thị dã”, phàm người khí hư nên bổ khí bằng các loại như Nhân sâm, Hoàng kỳ.
Nhân sâm có thể lấp đầy năm cơ quan nội tạng (gan, tim, lá lách, phổi, thận). (Shutterstock)
Nhân sâm là “thánh dược bổ khí, có thể vào ngũ tạng lục phủ”, do vậy nhân sâm có thể bổ khí cho cả ngũ tạng (Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận). Đặc biệt Nhân sâm là “linh dược cứu người”, dùng độc một vị Nhân sâm với lượng nhiều (1, 2 lạng hoặc 4, 5 lạng), gọi là “canh độc sâm”; thời xưa khi gặp lúc nguy cấp, người bệnh chứng khí thoát (sốc, trụy mạch) có thể dùng nhân sâm để cứu sống. Do vậy nhân sâm được gọi là “linh dược cứu người”, vô cùng quý giá.
Dù nhân sâm có thể dùng đơn độc, cũng chỉ là trong trường hợp cấp cứu, còn bình thường chúng ta nên phối ngũ và sử dụng với các loại thuốc Đông y khác. Sách y cổ nói: Nhân sâm là “thần dược định suyễn”, có thể trị khí suyễn, hiệu quả thần diệu; Nhân sâm là “tiên dược” trị khí hư dẫn tới bụng đầy trướng. Có thể thấy công hiệu của Nhân sâm vô cùng to lớn, nhưng cần phân rõ thể chất của người bệnh, dùng phù hợp với tình hình của bệnh.
Hoàng kỳ – Thánh dược bổ khí
Hoàng kỳ được ví như là “thánh dược bổ khí”, vào 3 kinh Tâm, Tỳ, Phế
Hoàng kỳ cũng là “thánh dược bổ khí”, vào 3 kinh Tâm, Tỳ, Phế. Công dụng của Hoàng kỳ rất nhiều, đặc biệt ở bổ khí; phối hợp Hoàng kỳ và Đương quy, gọi là “Đương quy bổ huyết thang”, vừa bổ khí vừa bổ huyết, khí huyết lưỡng bổ. Bởi khí là vô hình, mà huyết là hữu hình. Đông y giảng: “hữu hình không thể tốc sinh, cần phải lấy khí vô hình sinh ra”. Đương quy là thuốc bổ huyết, hiệu quả sinh huyết từ từ; Hoàng kỳ là thuốc bổ khí, thúc đẩy tốc độ sinh huyết; do đó dùng chung Hoàng kỳ bổ khí và Đương quy bổ huyết, tất làm “huyết đắc khí mà huyết nhanh sinh thành”.
Bổ trung ích khí thang – Phương thuốc nổi tiếng hàng đầu về bổ khí
Bổ trung ích khí thang được ca ngợi là “phương thuốc nổi tiếng hàng đầu về bổ khí” được sáng chế bởi một trong tứ đại y gia đời Kim-Nguyên là Lý Đông Viên.
Lý Đông Viên sở trường bổ Thổ (bổ Tỳ vị), trong tác phẩm nổi tiếng “Tỳ vị luận”, phương thuốc Bổ trung ích khí thang mà ông sáng chế bao gồm: Nhân sâm, Hoàng kỳ, Đương quy, Bạch truật, Sài hồ, Thăng ma, Trần bì, Cam thảo.
Bổ trung ích khí thang
Vì sao nói Bổ trung ích khí thang là “phương thuốc nổi tiếng hàng đầu về bổ khí”? Bởi vì hiệu quả vô cùng rõ rệt và nổi bật. Sử dụng đồng thời 3 loại thuốc bổ khí: Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, hiệu quả bổ khí rất lớn, lại cường kiện Tỳ vị, đưa dương khí đề thăng lên, làm thấp khí giáng hạ xuống, tránh khỏi thấp khí làm thương Tỳ. Hoàng kỳ bổ khí cùng dùng với Đương quy bổ huyết. Phương này còn thần diệu ở chỗ dùng Sài hồ, Thăng ma, thăng đề dương khí lên trên; Trần bì khứ thấp đàm, Cam thảo tổng hòa các vị thuốc.
Lời kết:
Bổ khí trong Đông y chính là cường kiện Tỳ vị, bởi Tỳ vị là “gốc của hậu thiên”, là nguồn gốc sinh thành của khí và huyết, là “trạm tiếp tế năng lượng” cho cơ thể.
Cường kiện Tỳ vị giúp tiêu hóa đồ ăn, chuyển hóa thành năng lượng, năng lượng từ đó liên tục sinh ra, cung cấp cho ngũ tạng lục phủ và toàn thân, như vậy sẽ có thể cải thiện mệt mỏi.
Bổ khí trong Đông y dùng Nhân sâm, Hoàng kỳ. Phương thuốc bổ khí hàng đầu: “Bổ trung ích khí thang”, bổ trung ích khí, cường kiện Tỳ vị.
Hùng Hoàng
© 2024 | Thời báo ĐỨC