Ảnh minh hoạ: Sputnik
Theo đài Sputnik (Nga), năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã xuất bản một báo cáo cho rằng hang động Mojiang - phía tây nam Trung Quốc, cách thành phố Vũ Hán 1.500 km - có thể là nơi sản sinh virus Corona mới. Nghiên cứu này cho biết một loại virus tương tự SARS-CoV-2, lây nhiễm từ dơi móng ngựa, đã được phát hiện ở quận Mojiang vào năm 2012.
Vào thời điểm đó, 6 công nhân tại hầm mỏ Mojiang đã mắc bệnh hô hấp nghiêm trọng sau khi cạo phân dơi trong hang để khai thác đồng. Những người đàn ông, từ 35 đến 63 tuổi, sau đó đã được đưa vào bệnh viện ở thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với các triệu chứng ho dai dẳng, sốt, đau đầu, đau ngực và khó thở. Ba người cuối cùng đã không qua khỏi.
Một cuộc xét nghiệm sau đó cho thấy các thợ mỏ đã bị nhiễm một loại virus Corona, được đặt tên là RaTG13. Các mẫu virus này đã được Viện Virus học Vũ Hán thu thập. Các nhà khoa học Ấn Độ cho rằng RaTG13 là họ hàng gần của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các đồng nghiệp người Pháp mới đây đã tuyên bố điều ngược lại.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, dự kiến được công bố vào năm sau, những người thợ mõ nhiễm RaTG13 có các triệu chứng rất khác với những biểu hiện của bệnh nhân COVID-19. Các nhà khoa học Pháp cũng đặt câu hỏi tại sao các bác sĩ và những người tiếp xúc gần với các thợ mỏ lại không mắc bệnh.
Nghiên cứu hồ sơ y tế của các thợ mỏ này, các nhà khoa học đã phát hiện rằng không giống bệnh nhân COVID-19, những bệnh nhân nhiễm virus RaTG13 bị họ ra máu và dịch nhầy. Ảnh chụp CT cho thấy những người thợ mỏ này cũng không bị xơ phổi như nhiều bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện.
“Một câu hỏi khác đó là tại sao một loại virus đã giết chết hơn 5 triệu người và lây nhiễm cho trên 200 triệu người trong 18 tháng lại không gây ra bất kỳ ca bệnh nào trong suốt 7 năm, từ năm 2012 đến 2019”, nghiên cứu cho biết.
Người dân đeo khẩu trang tại một khu chợ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 8/2/2021. Ảnh: Reuters
Các nhà khoa học Pháp cho rằng kết quả nghiên cứu của họ đã bác bỏ giả thuyết trước đó cho rằng virus gây đại dịch COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
“Việc bác bỏ giả thuyết virus bắt nguồn từ mỏ đồng Mojiang cũng đồng nghĩa với việc không có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho thấy virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Điều đó đơn giản chỉ là một ý kiến”, nghiên cứu viết.
Tuy nhiên, nghiên cứu này đã bị các nhà khoa học khác nghi ngờ. Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick, cho rằng giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm vẫn “không thể bị loại trừ”.
Giáo sư David Livermore, nhà vi sinh vật học tại Đại học East Anglia, nói rằng mặc dù ông tin rằng giả thuyết viurs rò rỉ từ phòng thí nghiệm không chắc là nguồn gốc của đại dịch, nhưng vẫn có “một số sự trùng hợp đáng chú ý”.
“Đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, nơi cách xa hang dơi ở miền nam Trung Quốc và là nơi có viện virus học, cơ quan thực hiện công việc nghiên cứu phân tử, bao gồm cả nhiệm vụ tăng cường chức năng trên virus Corona”, ông nói.
Thế giới đang bước vào năm thứ hai của đại dịch COVID-19, nhưng nguồn gốc của dịch bệnh đã khiến gần 5 triệu người thiệt mạng vẫn còn là một bí ẩn. Các nhà khoa học đã đưa ra những lời giải thích khác nhau.
Khi đại dịch mới bùng phát, giới nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một loài dơi. Chúng đã lây virus sang động vật trung gian, có thể là tê tê, trước khi truyền sang người. Tuy nhiên, sau đó, một số người tin rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, hoặc căn bệnh này do con người tạo ra. Cả hai giả thuyết này đã bị bác bỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố rằng COVID-19 “rất khó có khả năng” do con người tạo ra.
Hồi tháng 8, một báo cáo tình báo do tờ Wall Street Journal tiết lộ 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã nhập viện với các triệu chứng tương tự COVID-19 vào tháng 11/2019, 3 tuần trước khi Trung Quốc báo cáo ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở thành phố này. Báo cáo đã dẫn đến một cuộc điều tra do chính quyền Tổng thống Biden thực hiện nhưng vẫn không thể kết luận nguồn gốc của đại dịch.
Hải Vân
Nguồn: baotintuc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC