Là một phần của quá trình nhảy vọt trong Khoa học-Công nghệ của con người thế kỷ 21, tuy nhiên ít ai ngờ rằng việc nghiện điện thoại di động đã trở thành vấn nạn toàn cầu.
Jennifer Ihm - Giáo sư đến từ Đại học Kwangwoon, Hàn Quốc, đã công bố nghiên cứu về chứng nghiện điện thoại ở trẻ em. Trong đó, 2000 đứa trẻ (12 tuổi) được khảo sát và ghi chép hành vi liên quan đến điện thoại di động. Cuối cùng, giáo sư Jennifer khẳng định: Nghiện điện thoại gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt là kết quả học tập. 50% thanh thiếu niên sử dụng điện thoại vượt mức cho phép - con số đáng báo động mà cha mẹ không được phép bỏ qua.
Nhiều nghiên cứu ở Anh cũng chỉ ra rằng: hơn 50% thanh thiếu niên đã nghiện điện thoại di động; 84% trong số đó thú nhận không thể yên ổn chỉ trong 1 ngày nếu thiếu điện thoại.
Còn theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay tình trạng bố mẹ cho con trẻ chơi điện thoại quá nhiều. Cụ thể, khi muốn con trẻ ngồi yên còn mình có thời gian nhậu, buôn chuyện hoặc làm việc ưa thích nào đó, những người lớn ích kỷ sẽ đưa điện thoại, Ipad hay mở tivi cho con xem. Hành vi này gây ra nhiều nguy hại.
Lạm dụng điện thoại nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Mắc hội chứng nomophobia (sợ hãi)
Con người mắc nhiều chứng bệnh khi nghiện điện thoại. Đầu tiên là hội chứng nomophobia, hội chứng sợ hãi khi thiếu vắng điện thoại thông minh, sống quá phụ thuộc vào những thiết bị công nghệ thông minh.
Mắc hội chứng Quervain (tổn thương gân ngón tay)
Hội chứng Quervain chỉ tình trạng tổn thương gân ngón cái do chúng ta sử dụng chúng nhắn tin, gõ máy tính hay chơi game quá nhiều. Biểu hiện ngón cái của chúng ta tê mỏi, đau nhức lan dọc từ đầu ngón đến vùng cổ tay, thi thoảng cảm giác của ngón tay đó cũng giảm đi và cảm giác không thật.
Tổn thương mắt vĩnh viễn
Lạm dụng điện thoại có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc khó điều trị các bệnh lý liên quan đến mắt, bao gồm mắt nháy, ngứa và đỏ, khó tập trung vào một vật gì đó, mắt mỏi hoặc mờ. Những tổn thương này đặc biệt dễ xảy ra ở trẻ em.
Thoái hóa cột sống cổ
Ngồi dùng điện thoại quá nhiều còn gây nên các vấn đề về cổ như đau cổ, thoái hóa cột sống cổ, hội chứng co cứng cơ cột sống cổ do nhìn xuống điện thoại di động hoặc máy tính bảng liên tục, kéo dài. Trẻ em khi ngồi xem một tư thế quá lâu cũng làm tăng tỷ lệ gù, vẹo cột sống.
Xơ vữa mạch máu
Tăng nguy cơ loãng xương, suy tĩnh mạch, xơ vữa mạch máu, huyết khối, béo phì, đặc biệt béo bụng khi chúng ta ngồi lâu không vận động.
Rối loạn giấc ngủ
Nghiện điện thoại di động đã được chứng minh liên quan với sự gia tăng rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi ở người dùng. Sử dụng điện thoại di động trước khi lên giường đi ngủ làm tăng khả năng mất ngủ. Ánh sáng chói có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Việc sử dụng điện thoại thông minh có thể làm tăng lượng thời gian cần thiết để ngủ. Ánh sáng phát ra từ điện thoại di động có thể kích hoạt não bộ, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng kết nối và tương tác trong não bộ, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài.
Tổn thương não
Hầu hết người nghiện điện thoại và mạng xã hội sẽ lựa chọn cho mình cuộc sống tách biệt, ít giao tiếp với xã hội thực bên ngoài. Khi tình trạng này kéo dài, những tổn thương sâu sắc trên bộ não sẽ là rất khó hồi phục, lâu dài dẫn đến trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các mối quan hệ ngoại tuyến có thể bị ảnh hưởng.
Đau khổ, tự kỷ
Đặc biệt, dùng smartphone quá nhiều làm tăng nguy cơ xuất hiện ý định tự tử và thực hiện chúng, đặc biệt ở trẻ vị thành niên. Nguyên nhân là thời gian sử dụng smartphone cũng như hoạt động trực tuyến quá nhiều kèm theo cảm giác bị cô lập về mặt xã hội, ngủ không đủ giấc chính là những yếu tố nguy cơ. Do đó, tương tác "mặt gặp mặt - tay nắm tay nhau" trong đời sống thực là điều hạnh phúc của con người, không có nó, tâm trạng của chúng ta sẽ bắt đầu đau khổ và tự kỷ.
Nghiện điện thoại chẳng khác nào nghiện ma túy
Cũng liên quan tới việc trẻ em dùng nhiều điện thoại, trước đó các chuyên gia một chuyên gia trị liệu về cai nghiện ở Anh đã tuyên bố: 'Nghiện điện thoại ở trẻ chẳng khác gì nghiện ma túy'.
Không phải ai cũng biết rằng, các ứng dụng và mạng xã hội trên điện thoại được thiết kế để con người mê đắm trong đó. Ví dụ, việc cuộn màn hình trong vô thức trên Instagram và Facebook có thể gây nghiện. Đặc biệt, những người đột nhiên phải tạm ngừng sử dụng điện thoại để lướt web cũng xuất hiện những triệu chứng không khác gì người đang cai nghiện ma túy.
Cha mẹ cần làm gì để trẻ không nghiện điện thoại? Theo các chuyên gia, đừng ăn cắp thời gian của con trẻ bằng việc ném cho con chiếc điện thoại. Tâm hồn và tình cảm yêu thương của con trẻ chỉ được ươm mầm nuôi dưỡng bởi những cử chỉ yêu thương, quan tâm chăm sóc của cha mẹ mỗi ngày. Chúng ta chính là những người ảnh hưởng lớn nhất đến tương lai sau này của các con. Giải pháp số một, đóng vai trò quyết định là người lớn phải dành thời gian cho trẻ con, ôm trẻ con chứ không ôm điện thoại. Chúng ta nên hình thành và duy trì những thói quen tốt cho trẻ như đọc sách cho các con trước khi đi ngủ. Dành thời gian để chơi với con, chơi cờ, đá bóng... hoặc đưa con đi dạo, vào cửa hiệu sách, đi thăm những bảo tàng, thư viện... Cuối tuần đưa con về thăm ông bà, cô dì chú bác hoặc ở thành phố thì ra ngoại ô. Chỉ nên chọn theo dõi một số người, một số trang nhất định có ý nghĩa và mang năng lượng tích cực hoặc theo dõi những kênh phục vụ cho công việc, chuyên môn. Hạn chế "lang thang" và"bị động" trên mạng xã hội cũng như Internet nói chung. Quy định mỗi ngày con chỉ tiếp xúc với tivi, điện thoại một thời gian nhất định. Theo các khuyến cáo, con trẻ chỉ nên tiếp xúc với những thiết bị thông minh không quá một giờ mỗi ngày. |
An Dương
© 2024 | Thời báo ĐỨC