Marburg thường xuất hiện trên loài dơi (Ảnh minh họa: CNBC).
WHO cho biết, tại quốc gia châu Phi Guinea Xích đạo, 7 người đã tử vong trong đợt bùng phát của virus Marburg. Tuy nhiên, virus giờ đã lan ra khỏi tỉnh Kie-Ntem - nơi đầu tiên ghi nhận các trường hợp thiệt mạng vì Marburg trong đợt bùng phát từ tháng 1.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho biết: "Sự lây lan của Marburg là một tín hiệu quan trọng để tăng cường các nỗ lực ứng phó nhằm nhanh chóng ngăn chặn chuỗi lây truyền và ngăn chặn khả năng bùng phát và gây tử vong quy mô lớn".
Theo ông, đã có những tín hiệu cho thấy virus đang có khả năng lây truyền rộng lớn hơn.
Kể từ khi dịch bùng phát từ Guinea Xích đạo, có 9 ca xác nhận đã nhiễm Marburg nhờ phân tích trong phòng thí nghiệm và 20 ca nghi nhiễm. Trong số 9 ca xác nhận nhiễm, 7 người đã thiệt mạng, trong khi 20 ca nghi nhiễm đều đã tử vong.
Trong số 20 trường hợp nghi nhiễm, các bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của bệnh và đã tiếp xúc với các trường hợp được xác nhận, nhưng không thể lấy mẫu từ cơ thể họ hoặc không thể điều trị, một quan chức của WHO cho biết.
Tại khu vực Đông Phi, Tanzania xác nhận 5 người đã thiệt mạng vì Marburg, trong khi nước láng giềng Uganda - quốc gia từng ghi nhận đợt bùng phát năm 2017 - cho biết họ đang trong tình trạng báo động cao.
WHO cho hay, các chuyên gia về dịch tễ học, hậu cần, y tế và phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng sẽ được triển khai trong những ngày tới.
Cơ quan này cũng đang hỗ trợ các cơ quan y tế ở các nước láng giềng Cameroon và Gabon tăng cường khả năng ứng phó khi dịch bệnh bùng phát.
Thuộc cùng họ virus với Ebola, Marburg được coi là cực kỳ nguy hiểm và có thể gây ra một dạng sốt xuất huyết do virus, dẫn đến chảy máu mũi, miệng hoặc các bộ phận cơ thể khác. Các triệu chứng khác bao gồm mất nước, buồn nôn, nôn, đau họng và đau bụng. Nạn nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ.
Virus Marburg thường xuất hiện ở dơi Rousettus. Theo WHO, một khi con người nhiễm virus, mầm bệnh sẽ lây lan qua chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, hoặc với các bề mặt và vật liệu bị có virus bám trên.
Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi nhiễm mầm bệnh từ 24% tới tối đa 88% trong các đợt bùng dịch trước đó, tùy vào chủng của virus và phương thức kiểm soát dịch bệnh ở từng khu vực. Năm 2004, virus tấn công Angola và lây nhiễm cho 252 người, làm khoảng 90% số ca bệnh thiệt mạng.
Theo CDC Mỹ, bệnh do virus Marburg là một bệnh sốt xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng. Bệnh do virus Marburg gây ra, một loại virus ARN độc nhất về mặt di truyền (hoặc từ động vật) thuộc họ filovirus.
Tới nay, chưa có vaccine hoặc liệu pháp kháng virus được phê duyệt để điều trị Marburg, nhưng WHO lưu ý rằng "một loạt các phương pháp điều trị tiềm năng" hiện đang được đánh giá, bao gồm "các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp thuốc". Một số vaccine tiềm năng kháng virus này đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm.
Theo NST
© 2024 | Thời báo ĐỨC