Ở Nhật, ra khỏi trung tâm thành phố thì hầu hết người dân đều sở hữu nhà riêng. Ảnh: Sohu.
Trong bộ phim Doraemon và Shin - cậu bé bút chì, gia đình của nhân vật chính chỉ thuộc tầng lớp lao động bình thường, nhưng lại sống trong các ngôi nhà biệt lập. Ngược lại, trong một số phim truyền hình Nhật Bản, nhiều luật sư, bác sĩ và nhà văn - những người thu nhập cao - chọn mua căn hộ chung cư.
Điều này được giải thích là do ở một số quốc gia, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước nên chi phí đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí nhà ở. Do đó, biệt thự thường đắt hơn và chung cư rẻ hơn.
Ở Nhật đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Miễn không ở trong khu vực đông dân cư thì hầu hết gia đình đều có nhà riêng, điều này không có gì bất thường.
Rất nhiều nhà riêng ở Nhật truyền từ đời này sang đời khác, chi phí cải tạo rất tốn kém. Một số người trẻ tuổi lựa chọn sống tiếp tục ở đó và không cần phải nộp phí dịch vụ phát sinh, nhờ đó tiết kiệm được chi phí.
Còn chung cư ở Nhật Bản đều nằm trong trung tâm thành phố có an ninh tốt, gần ga tàu điện ngầm và có nhiều tiện ích, dịch vụ vệ sinh và có khả năng phòng chống thiên tai, động đất tốt hơn nhà riêng - mà động đất vốn phổ biến ở Nhật. Để có các tiện ích đó, căn hộ chung cư cũng phải trả phí quản lý, phí đỗ xe...
Vì vậy, thông thường những người có điều kiện gia đình tốt đều chọn chung cư. Xét về giá trung bình, căn hộ ở Tokyo cao hơn một ngôi nhà ngoại ô.
Chung cư tại trung tâm thành phố ở Nhật đắt đỏ với rất nhiều tiện ích. Ảnh: Sohu.
Tuy nhiên, không nhất thiết người giàu nào cũng ở chung cư, điều này còn liên quan đến sở thích cá nhân và truyền thống văn hoá của người Nhật.
Một bài viết trên Japantimes năm 2017 cho thấy, ở Nhật Bản không có sự khác biệt rõ ràng giữa người giàu và người nghèo. Bạn có thể sống ngay bên cạnh một triệu phú mà không biết vì ngôi nhà của họ cũng giống nhà của bạn. Điều này do giới nhà giàu tại Nhật có lối sống cộng đồng, họ không thích phô trương sự giàu có.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC