Nỗi lo khiến người Nhật rải tro cốt tổ tiên xuống biển

Lo lắng không còn ai trông nom phần mộ tổ tiên khi mình qua đời, ông Matsumoto quyết định chọn dịch vụ rải tro cốt của những người đã khuất xuống biển.

Ông Toshihide Matsumoto, 65 tuổi, hồi tháng 6 quyết định đóng cửa khu mộ phần của gia đình tại nghĩa trang ở thành phố Himeji, tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Đây là nơi 10 thành viên gia tộc của ông đã an nghỉ nhiều thế kỷ qua. Cha và chị gái ông cũng được chôn cất tại đây.

"Mẹ tôi từng là người trông nom khu mộ, nhưng sau khi bị ngã năm 2019, bà không thể tiếp tục làm công việc này", ông Matsumoto cho biết. Vợ ông Matsumoto qua đời năm 2018 còn mẹ ông đã 90 tuổi, hiện ở viện dưỡng lão. Ông có một con gái duy nhất sống ở Tokyo, cách Himeji 575 km.

Chứng kiến nhiều ngôi mộ bị bỏ hoang, không người chăm sóc ở trong vùng khiến Matsumoto cảm thấy buồn và lo lắng. "Tôi sợ rằng không còn ai chăm sóc phần mộ tổ tiên khi tôi qua đời. Tôi cũng không muốn đặt gánh nặng lên con cái", ông nói.

Để ngăn phần mộ tổ tiên lâm cảnh tương tự, ông quyết định thảo luận cùng gia đình và họ hàng. Hồi đầu năm, được sự đồng ý của mẹ, ông chọn dịch vụ hải táng, rải tro cốt tổ tiên xuống biển.

1 Noi Lo Khien Nguoi Nhat Rai Tro Cot To Tien Xuong Bien

Các nhân viên di dời phần mộ tổ tiên ông Matsumoto ở một nghĩa trang thành phố Himeji, tỉnh Hyogo. Ảnh: Japan Times

Trước tình trạng số mộ bỏ hoang ngày càng tăng tại Nhật, nhiều người đã đưa ra quyết định giống ông Matsumoto. Theo Japan Times, đây là hậu quả của tình trạng mô hình gia đình truyền thống đang dần biến mất, khi ngày càng nhiều người rời quê hương và dân số Nhật già hóa nhanh chóng.

Nhật Bản ghi nhận số trường hợp cải táng gia tăng đáng kể trong những thập kỷ qua. Trong những năm 2000, nước này ghi nhận khoảng 60.000-70.000 trường hợp cải táng mỗi năm, song đã liên tục vượt qua mốc 100.000 trường hợp kể từ năm 2017. Năm ngoái, Nhật ghi nhận hơn 150.000 trường hợp cải táng.

Nhu cầu cải táng tăng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nắm bắt xu hướng, tạo thêm dịch vụ. Các gia đình sẽ quyết định hình thức cải táng, di dời tro cốt đến một khu mộ mới ở thành phố khác, hoặc để chung vào bình, tiểu đem chôn, hay rải tro xuống biển.

2 Noi Lo Khien Nguoi Nhat Rai Tro Cot To Tien Xuong Bien

Nhân viên một dịch vụ cải táng rải tro xuống biển. Ảnh: Japan Time

Bà Mitsuko Kikkawa, chuyên gia về các vấn đề mai táng ở Nhật, cho hay chi phí mua đất để chôn cất ở Nhật rất tốn kém. Thông qua truyền thông, ngày càng nhiều người biết đến và áp dụng các hình thức mai táng khác, trong đó có ông Matsumoto ở Himeji.

House Boat Club, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hải táng cho tro cốt tổ tiên ông Matsumoto, ghi nhận lượng lớn khách hàng lựa chọn hình thức rải tro xuống biển. Theo Akaba, lãnh đạo công ty, đây là minh chứng cho thấy nhu cầu cải táng ở Nhật Bản hiện rất lớn.

Nhà lưu tro cốt cũng là một lựa chọn thay thế phổ biến khác. Chùa Henjoson trên núi Koya, tỉnh Wakayama, chứng kiến nhu cầu lưu tro cốt lớn, do đây là địa điểm linh thiêng trong Phật giáo Nhật Bản.

Ngày càng nhiều người tìm đến núi Koya để mua hộc lưu trữ tro cốt. Mỗi hộc tại chùa Henjoson có thể chứa 8 bình, tiểu đựng tro. Các nhà sư sẽ cầu nguyện hàng ngày tại các gian lưu trữ và phát trực tiếp trên YouTube.

"Đa dạng hóa hình thức cải táng không phải điều mới. Truyền thống an táng thay đổi theo lịch sử, phù hợp với lối sống từng giai đoạn", bà Kikkawa nói. "Nhưng điều không thay đổi là lòng tôn kính tổ tiên".

3 Noi Lo Khien Nguoi Nhat Rai Tro Cot To Tien Xuong Bien

Một gian lưu trữ tro cốt bên trong chùa Henjoson trên núi Koya, tỉnh Wakayama. Ảnh: Japan Times

Đức Trung (Theo Japan Times)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày