Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, con người tiếp nhận thông tin ngày càng nhiều hơn và trở nên bận rộn quá mức, chính họ vô tình đã tự làm hao mòn tư duy sáng tạo của mình.
Thực tế cho thấy, những sáng kiến đột phá của nhiều nhà phát minh vĩ đại trên thế giới thường đến vào những lúc họ không ngờ nhất:
- Nikola Tesla đã nhận ra một quy luật về từ trường quay khi đang đi dạo nhàn nhã ở Budapest;
- hay Albert Einstein thường tìm nguồn cảm hứng khi đắm mình trong những bản nhạc Mozart sau những giờ làm việc và tư duy cao độ.
Sự thật là sự mơ mộng và thư giãn sẽ mang đến cho chúng ta sự sáng tạo. Ngược lại, việc bận rộn quá mức sẽ làm giảm một kỹ năng vô cùng quan trọng: kỹ năng hoán đổi giữa sự tập trung và sự mơ mộng - đồng nghĩa với làm giảm sự sáng tạo.
Nhà khoa học Emma Seppala của trường đại học Stanford đã viết:
Quan trọng là làm sao để cân bằng tư duy tuyến tính - một dạng suy nghĩ đòi hỏi sự tập trung cao độ - và tư duy sáng tạo - thường đi kèm với sự mơ mộng. Hoán đổi được 2 phương thức này dường như là cách tối ưu để làm tốt những công việc mang tính sáng tạo.
Thời đại của những người chăm chỉ
Muốn tư duy sáng tạo, bạn luôn phải tạo cho mình một khoảng thời gian rảnh rỗi thực sự, để đầu óc có thể hoàn toàn thư giãn. Vậy nhưng, trong thời đại hiện nay, tình trạng quá tải thông tin làm chúng ta trở nên rối loạn. Nhà nghiên cứu thần kinh học Daniel Levitin cũng từng đưa ra lý lẽ tương tự trong quyển sách của mình mang tên The Organized Mind, xuất bản năm 2014: người Mỹ tiêu thụ thông tin nhiều gấp 5 lần 25 năm trước đây. Ngoài giờ làm việc, chúng ta còn phải xử lý khoảng 100.000 từ mỗi ngày.
Rất nhiều người sử dụng khoảng thời gian “rảnh rỗi” của bản thân để cắm mặt vào chiếc điện thoại. Kết quả là, suốt một ngày dài, họ chỉ biết đắm mình trong guồng quay của công việc, và hàng tá thông tin trên mạng internet mà không có lấy một phút nghỉ ngơi thực sự.
Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, nhiều người mong rằng họ sẽ được sở hữu một chiếc xe tự lái trong tương lai, những tưởng công nghệ này sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. Điều này có thể đúng nhưng nếu không cẩn thận, nó có thể tiềm ẩn một mối nguy hại khác: khi đầu óc của bạn không phải tập trung để lái xe thì bạn ngay lập tức dùng nó vào những việc “bận rộn” khác mà e rằng điều này lại càng khiến đầu óc của bạn rối ren hơn.
Người lười biếng thì sao?
Người ta thường liên tưởng những người lười biếng tới những người chẳng làm gì, chỉ biết tới giải trí và những hoạt động nhẹ tay. Mặc dù vậy, đa phần họ không phải như thế, có rất nhiều người chân tay không hoạt động nhưng đầu óc lại suy nghĩ rất nhiều.
Ví dụ đơn giản như câu nói nổi tiếng của Bill Gates, giao cho những người lười công việc khó và họ sẽ có cách giải quyết vấn đề. Người lười biếng tạo cho mình nhiều khoảng thời gian rảnh hơn, áp lực deadline cùng sự "lười" khiến họ phải sáng tạo để có được cách thức làm việc hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất, xử lý được nhu cầu "lười" của chính mình.
Nhưng, nếu bạn vẫn muốn vừa chăm chỉ và vừa sáng tạo thì sao?
Vậy, nếu bạn không muốn dần dà giết chết đi sự sáng tạo của mình thì có một số biện pháp khá đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay bây giờ.
Đầu tiên bạn có thể tạo lập thói quen đi bộ hàng ngày mà không mang theo điện thoại bên mình. Hoạt động này không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe mà còn giúp đầu óc bạn được nghỉ ngơi thực sự.
Bạn cũng có thể cố gắng vượt ra khỏi vùng an toàn của mình, thực hiện những điều mới mẻ hơn, điều này rất có ích cho việc cải thiện tư duy sáng tạo, đánh bay những lối mòn hiện tại của bạn. Và cuối cùng là hãy kết hợp giữa những công việc đòi hỏi tập trung cao độ và các công việc cần ít tư duy hơn, điều này sẽ giúp não bộ của bạn không quá căng thẳng và có thời gian thư giãn nhất định.
Nguồn:Thanh Trúc - ttvn.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC