Ảnh: Internet
Đó là những chuyện liên quan đến các cửa hàng "có dớp" không bán được hàng. Những cửa hàng ấy được chủ nhà cho thuê lại, tuy nhiên, thảng hoặc người thuê lâu nhất cũng chỉ được khoảng 3 tháng sau đó lại thay một người khác...
Đến rồi lại đi
Mặc dù vị trí khá đẹp – mặt tiền, gần khu đông dân cư, tuy nhiên, cứ dăm bữa nửa tháng là người ta lại thấy cửa hàng nhà chị Nguyễn Thị H. (33 tuổi, Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) treo biển "Cho thuê cửa hàng". Người đến thuê lâu nhất tại cửa hàng này – theo lời hàng xóm của chị H. là 3 tháng. Họ đến chưa kịp để những người xung quanh quen mặt, biết tên rồi lại "lặn không sủi tăm".
Những câu chuyện được người dân quanh khu vực này rỉ tai nhau về cửa hàng của chị H., khiến người nghe khó lòng xem đó là một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên.
Căn nhà này rộng khoảng 30m2, có gác xép, vì nằm sát mặt đường nên nhiều người đến đây thuê phần lớn với mục đích để bán hàng. Kể lại khoảng thời gian đã thuê cửa hàng nhà chị H., chị Nguyễn Thị T. (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nói: "Vì thấy cửa hàng được rao cho thuê có giá khá mềm, lại gần trường học của con gái nên tôi đã đến đây thuê vừa để bán hàng và để ở. Dù căn nhà không rộng lắm, nhưng không hiểu sao tôi luôn có cảm giác rất âm u, lạnh lẽo. Sau khi ở, nhiều người xung quanh tôi nói trước đó nhiều người thuê cũng có cảm giác này"
Chị T. cho hay, trước đó, cửa hàng may quần áo của chị ở đường Nguyễn Xiển Thanh Xuân, Hà Nội) rất đông khách hàng, thậm chí chị còn phải thuê thêm thợ phụ. "Ngay tháng đầu tiên về, mọi thứ tôi đã cảm thấy có gì đó không ổn. Cả tháng có một hai khách hàng đến sửa quần áo, khách hàng nào đến đặt may sau đó lại chê bai xấu. Mà những điều này ngay từ khi bắt đầu làm nghề tôi chưa từng gặp phải", chị T. nhớ lại.
Người phụ nữ này cho hay, sau khi ở được hai tháng, vì không bán được hàng, vợ chồng chị quyết định tìm chỗ khác thuê. Đến nay, dù vẫn chưa quen khách hàng ở chỗ mới, nhưng nghề may của chị vẫn kiểm đủ tiền trang trải thuê nhà và lo cho con đi học.
Nhất vị nhì hướng
Trao đổi với PV, chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) cho biết: Việc các cửa hàng buôn bán không thịnh, "có dớp" hay không phải xem xét rất nhiều yếu tố. Trong đó, những vấn đề liên quan đến phong thủy cũng rất quan trọng.
Theo vị chuyên gia này, trong trường hợp nếu nhiều người đến thuê, bán với đủ các mặt hàng khác nhau nhưng đều không bán được hàng và phải chuyển đi, thì nguyên nhân chắc chắn do địa khí trong nhà quá nặng. Bên cạnh đó, cách sắp xếp bên trong trái ngược với tự nhiên, trái với luật phong thủy, cũng là một nguyên nhân rất quan trọng… Đặc biệt, một điểm rất quan trọng mà có thể nhiều người chủ quan không nghĩ đến là quá trình khởi công xây dựng. Có thể chủ nhà đã phạm vào hướng thái tuế, hoặc ngày tháng phạm thái tuế cũng sẽ khiến cho việc buôn bán gặp nhiều bất lợi.
"Trong phong thủy có câu: Nhất vị nhì hướng, nghĩa là vị trí cửa hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc kinh doanh. Yếu tố này đòi hỏi người chủ phải có tầm nhìn, tầm quan sát để lựa chọn vị trí phù hợp. Sau đó đến hướng cửa hàng, tiếp đến mới là cách bố trí đồ dùng bên trong. Các yếu tố này phải được kết hợp khéo léo thì công việc buôn bán mới thịnh", ông Hà nói.
Theo vị chuyên gia phong thủy này, nếu hướng đối diện của cửa hàng là thế phản cung, gọi là liêm đao sát, bạch hổ sát, thiên trảm sát, thương sát, không vong hoặc hướng xuyên tâm... sẽ làm giảm tài lộc của cửa hàng, buôn bán, làm ăn không thịnh. Ngoài những yếu tố trên, có thể do cung cách phục vụ của chủ cửa hàng không tốt, giá cả đắt đỏ, chất lượng sản phẩm không tốt tạo ra những dư luận không hay. Điều này khiến khách hàng mất niềm tin và đồn thổi những thông tin bất lợi cho chủ cửa hàng.
Ông Nguyễn Cung Hà cũng cho rằng, để hóa giải những điều này, cần phải xem xét nhiều yếu tố về âm trạch, dương trạch, đồng thời xem xét nhiều nguyên nhân khác để khắc phục: Việc kinh doanh có phù hợp với thời cuộc, thị hiếu của mọi người hay không, vị trí, địa lý đã hút khách chưa,….
"Một căn nhà muốn thiết kế hợp phong thủy không phải việc đơn giản, phải hội tụ rất nhiều yếu tố. Ví dụ như: Cửa chính không nên đối diện với đường lớn, ngõ cụt, khe sâu hoặc vừa mở cửa là thấy đường đi, đường nước, cây cầu đối diện, hình thành thế phản cung (gọi là liêm đao sát). Trước cửa chính có góc nhà, cột nhà đâm thẳng vào hoặc đối diện với cầu thang, khiến sát khí càng nặng.
Đặc biệt, nếu đối diện với cột điện là "huyền châm sát", chủ cửa hàng sẽ gặp vận hạn, kinh doanh không tốt…Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này cũng phải xem xét kỹ lưỡng, có căn cứ, cơ sở rõ ràng, tránh để xảy ra những câu chuyện đồn thổi mang yếu tố mê tín dị đoan", ông Hà nói.
Phong thủy là bộ môn khoa học nghiên cứu sự phù hợp giữa cảnh quan môi trường với cuộc sống con người, chứ không phải là loại tín ngưỡng bí ẩn. Phong thủy hệ thống, cấu trúc những nguyên tắc, quy định về các yếu tố địa lý, khí tượng, môi trường sinh thái học, cảnh quan và kiến trúc hình thể giúp con người tạo nên sự hòa hợp, tương tác giữ với thiên nhiên. |
Nguồn: Danviet
© 2024 | Thời báo ĐỨC