"Thật ngạc nhiên khi chúng tôi vẫn đứng đầu. Hàng năm luôn có một cuộc tranh luận trong nước về điều này", Meri Larivaara, nhà hoạt động về sức khỏe tâm thần ở Helsinki, thủ đô Phần Lan, nói trong cuộc phỏng vấn gần đây, khi bình luận về Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được công bố hồi tháng 3.
Báo cáo được Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thực hiện đã xếp Phần Lan ở vị trí số một trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 6 năm liên tiếp. Cơ quan này cho rằng mức tín nhiệm xã hội cao là một trong những lý do khiến Phần Lan đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc.
Ở Phần Lan, việc để em bé ngủ ngoài trời một mình là điều bình thường, những người mất ví cũng sẽ nhanh chóng được trả lại tài sản. Họ thuần thục những "kỹ năng sinh tồn cơ bản" như nhóm lửa và biết cách cân bằng giữa công việc với cuộc sống. Tại nhiều văn phòng, công sở, phần lớn nhân viên rời bàn làm việc về nhà sau 17h để dành thời gian cho gia đình.
Nhưng khi được hỏi cảm nghĩ về bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc, một số người Phần Lan cảm thấy khó chịu, thậm chí bực tức khi báo cáo này khiến người dân thế giới cho rằng họ lúc nào cũng "hạnh phúc".
"Chúng tôi không đồng ý với báo cáo, nó không đúng với người Phần Lan", một nhà thiết kế nội thất giấu tên ở Helsinki nói.
Người Phần Lan cởi trần chờ tắm sông băng ở thủ đô Helsinki ngày 14/2/2021. Ảnh: AFP
Một phụ nữ làm trong ngành du lịch nói từ "hài lòng" sẽ đúng hơn để mô tả cuộc sống ở Phần Lan. "Chúng tôi thỏa mãn với cuộc sống của mình", cô cho biết.
Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững công bố báo cáo từ phân tích của các chuyên gia độc lập dựa trên dữ liệu từ Gallup World Poll. Đây là cuộc khảo sát quy mô lớn, trong đó người tham gia được đề nghị đánh giá chất lượng cuộc sống của họ dựa trên thang điểm từ 0 đến 10.
"Câu hỏi mà họ đặt ra trong khảo sát là 'bạn hài lòng với cuộc sống ở thời điểm hiện tại thế nào?', không đề cập đến từ 'hạnh phúc'", Jennifer De Paola, nhà tâm lý học xã hội, chuyên gia về hạnh phúc của người Phần Lan, cho biết.
Theo bà, "hạnh phúc" liên quan nhiều đến cảm xúc và cách truyền đạt cảm xúc. "Bởi vậy, mỉm cười, vui vẻ, hòa nhã sẽ liên quan đến hạnh phúc hơn là khái niệm hài lòng trong cuộc sống", bà Paola giải thích.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững sử dụng tên gọi "Báo cáo Hạnh phúc Thế giới" vì từ này hấp dẫn hơn "báo cáo về mức độ hài lòng trong cuộc sống".
"Đơn vị khảo sát gọi cho chúng tôi và chỉ hỏi có thích cuộc sống của mình không. Chúng tôi trả lời mọi thứ hiện vẫn ổn, nhưng ngày mai có thể khác", một người dân ở Helsinki kể
Dù liên tiếp đứng đầu trong báo cáo, người Phần Lan không tự coi mình là những người "hạnh phúc". Trên thực tế, họ thậm chí khá bi quan. Nhà hoạt động sức khỏe tâm thần Larivaara nói họ "không giỏi tạo không khí lạc quan", thêm rằng "nỗi bi quan và sự hài lòng có thể tồn tại song hành".
Beatrice Nolan, bình luận viên của Insider, cho biết người Phần Lan thường bị coi là hướng nội và hay giữ cảm xúc cho riêng mình và không xen vào công việc của người khác. Tuy nhiên, họ biết cách hài lòng với những gì mình có.
Người dân Phần Lan đón ngày hạ chí tại Helsinki vào năm 2018. Ảnh: Reuters
Người Phần Lan cũng không phải hứng chịu những mối lo âu lớn như nhiều nơi khác trên thế giới.
Chế độ phúc lợi của quốc gia Bắc Âu này là một trong những hệ thống toàn vẹn nhất. Năm 2021, Phần Lan chi 24% GDP cho bảo trợ xã hội, cao hơn bất kỳ quốc gia nào thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thuế quốc nội cao, nhưng người dân được thụ hưởng cũng rất nhiều.
Người dân được miễn phí chăm sóc y tế và giáo dục. Nhà nước cũng trợ cấp phí chăm sóc trẻ em cho các gia đình. Người lao động được nghỉ hè 4 tuần và một tuần nghỉ đông, chưa kể 13 ngày nghỉ lễ.
"Người Phần Lan từ nhỏ đã được giáo dục 'không chấp nhận điều kiện làm việc tồi tệ'", bà Paola cho biết. "Lương xứng đáng, thời gian nghỉ, giờ làm việc hợp lý, công việc phù hợp với năng lực. Đó là tất cả những gì người Phần Lan mong đợi".
Nếu mất việc, lao động sẽ được nhà nước hỗ trợ cho đến khi tìm được việc mới. "Chúng tôi không phải quan tâm nhiều đến tiền bạc. Chuyện mất việc không ảnh hưởng đến giáo dục của các con hay việc chăm sóc sức khỏe của vợ, hay bất kỳ điều gì", Frank Martela, chuyên gia từ Đại học Aalto, nói.
Người Phần Lan cũng không quá quyết liệt với những khát vọng của họ khi đề cập đến sự giàu có. "Không phải họ không mơ lớn, nhưng họ biết mơ mộng trong khả năng có thể đạt được", bà De Paola nhận xét.
Một nhóm chính trị gia cấp cao đi dạo ở Helsinki, thủ đô Phần Lan, ngày 16/6. Ảnh: AFP
Dù những bảng xếp hạng như của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững có thể gây hứng thú và tạo tranh luận, chúng cũng phủ bóng những thách thức, vấn đề mà Phần Lan đang đối mặt, bình luận viên Nolan cho hay.
"Mọi người quên rằng các nước cũng có những vấn đề xã hội riêng, gần như không quốc gia nào mà người dân không gặp các bất cập", nhà hoạt động sức khỏe tâm thần Larivaara nói.
Phần Lan ghi nhận tình trạng bệnh tâm thần tăng ở thanh thiếu niên trong hai thập kỷ qua, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2021, mức độ hài lòng với cuộc sống ở thanh thiếu niên giảm rõ rệt. Bệnh lo âu, trầm cảm, cảm giác cô quạnh cũng tăng so với năm 2019.
Phần Lan cũng là nước có tỷ lệ dân số già cao thứ ba thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Italy. Theo Cơ quan Nghiên cứu Dân số, người trên 65 tuổi chiếm gần 22% trong 5,5 triệu dân số Phần Lan.
Chuyên gia Paola cho hay bà cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn khi chuyển từ Italy tới Phần Lan. Khi bạn trai người Phần Lan lần đầu tiên đưa Paola tới mokki (căn nhà nghỉ hè), bà nhận ra nó không có điện, những căn khác thậm chí không có nước máy, bởi họ thích tắm trong hồ hơn.
"Những điều như vậy cũng góp phần khiến người Phần Lan cảm thấy vui vẻ", bà nói.
Đức Trung (Theo Insider)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC