Nhân viên y tế mát-xa cho trẻ sơ sinh tại trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh ở Trùng Khánh, Trung Quốc (Ảnh: AFP/Getty).
Trong thời gian qua, chính phủ các nước vùng Đông Á - từ Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc - đã và đang cố gắng thuyết phục phụ nữ sinh thêm con. Nhưng tới nay, tỷ lệ sinh ở các nước này vẫn không cải thiện.
Bước vào năm mới con rồng, một số lãnh đạo có lẽ đang nuôi hy vọng chứng kiến sự bùng nổ tỷ lệ sinh vì rồng là con vật mang lại điềm lành nhất trong 12 con giáp, và nhiều người tin rằng trẻ sinh năm Thìn có khả năng cao được thành công và may mắn suốt đời.
Không hoàn toàn vô căn cứ
Theo chiêm tinh học Trung Quốc, một số năm không tốt lành cho việc sinh con bằng các năm khác. Chẳng hạn, trẻ tuổi Dần được cho có thể là quá dữ dằn, tuổi Mùi quá nhút nhát, hoặc tuổi Tị quá ranh mãnh. Trong khi đó, năm Đinh Hợi thường tạo cú hích cho tỷ lệ sinh vì trẻ sinh năm này được coi là "heo vàng", sẽ có cuộc đời sung túc.
Nhưng không có năm nào được đón chờ nhiều như năm Thìn, con giáp gắn liền với trí thông minh, sự tự tin và tham vọng. Các cặp vợ chồng có thể chọn thụ tinh trong ống nghiệm hoặc sinh mổ để chọn thời điểm sinh. Số lượng học sinh tuổi Thìn cũng thường lớn hơn, khiến nhà trường phải mở thêm lớp.
Khi năm rồng tới, một số nguyên thủ quốc gia đã lên tiếng. Hôm 10/2, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi người dân "bổ sung một "tiểu long" vào gia đình mình.
Một nhóm múa rồng luyện tập hôm 8/2 tại Jakarta, Indonesia (Ảnh: NurPhoto-Getty).
Niềm tin trên không hoàn toàn vô căn cứ. Theo một nghiên cứu năm 2019 sử dụng dữ liệu tại Trung Quốc, người sinh năm Thìn thường đạt điểm cao hơn trong kỳ thi tuyển sinh đại học và thường có trình độ học vấn đại học. Trẻ em gái trong nhóm được nghiên cứu cũng thường cao hơn.
Nhưng theo nghiên cứu này, nguyên nhân dẫn đến những khác biệt trên không liên quan gì đến cung hoàng đạo, mà thực tế là thời gian và tiền bạc mà cha mẹ dành thêm cho trẻ tuổi Thìn.
"Mọi người nghĩ rằng những đứa trẻ tuổi rồng thật đặc biệt và họ muốn có những đứa trẻ đặc biệt. Nên khi sinh ra con, họ đầu tư và mong đợi những điều tuyệt vời từ chúng. Điều này khiến chúng thành công và chu kỳ đó được tiếp diễn", Naci Mocan, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bang Louisiana và là một tác giả của nghiên cứu trên, cho biết. "Đó là lý do hiện tượng này diễn ra qua nhiều thế kỷ và thế hệ".
Hy vọng là cú hích
Nhà chức trách tại Trung Quốc đang hy vọng niềm tin về năm rồng sẽ tạo ra cú hích cần thiết cho tỷ lệ sinh. Bệnh viện khắp Trung Quốc trong thời gian qua đã gửi cho các cặp vợ chồng hướng dẫn thời điểm thụ thai sinh con rồng.
"Hãy nhanh chóng nắm bắt những tháng này để chuẩn bị cho em bé một cách khoa học", thông báo từ Bệnh viện Chăm sóc Bà mẹ và Trẻ em Hoàn Đài ở tỉnh Sơn Đông viết.
Zhai Zhenwu, cố vấn Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Quốc gia, nói với Times Finance hồi tháng 1 rằng, tâm lý ưu ái năm rồng "rõ ràng" của người dân Trung Quốc đồng nghĩa với việc có "hy vọng" về tỷ lệ sinh cao hơn trong năm nay.
Bà mẹ và bà ngoại chăm sóc một đứa trẻ ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP/Getty).
Trung Quốc đang trên bờ vực khủng hoảng dân số. Ngay cả khi nước này đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích sinh từ năm 2021, thế hệ trẻ vẫn ngại kết hôn và sinh con.
Vào năm 2023, số ca sinh mới giảm năm thứ 7 liên tiếp, xuống còn 9,02 triệu - chỉ bằng một nửa so với năm 2017. Với tốc độ này, 1,4 tỷ dân của Trung Quốc dự kiến giảm xuống chỉ còn hơn 500 triệu người vào năm 2100.
Huang Wenzheng, nhà nhân khẩu học và thành viên cấp cao của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, cho biết: "Niềm tin cho rằng năm rồng mang lại may mắn có thể giúp ích cho một số người".
Cả ông Huang và ông Mocan đều tin rằng năm rồng có thể thúc đẩy số ca sinh mới thêm khoảng 1 triệu, nâng tổng số ca sinh trong năm lên 10 triệu. Tỷ lệ sinh từng có mức tăng đột biến trong những năm rồng trước, như gần 300.000 vào năm 2000 và 900.000 vào năm 2012, theo nghiên cứu của ông Mocan.
Sherry Yang, tư vấn viên chuyên kết nối phụ nữ ở Trung Quốc với các trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Kazakhstan, nói đã nhận được nhiều câu hỏi từ khách hàng hơn trong năm ngoái. Một cặp vợ chồng thậm chí đặt mục tiêu sinh 3. Thông qua thụ tinh ống nghiệm, họ dự kiến sinh ba vào tháng 8, theo bà Yang.
Yếu tố kinh tế vẫn chủ đạo
Ngoài Trung Quốc, các nước và vùng lãnh thổ châu Á khác cũng mong đợi sự ra đời của những "tiểu long".
Bảo mẫu chăm sóc sau sinh Teresa Tan, người làm việc cho doanh nghiệp hoạt động tại Singapore và Malaysia, nói lịch làm việc của mình đã được đặt kín đến hết tháng 9 và số yêu cầu đặt chỗ tăng khoảng 40% so với năm ngoái. "Chắc chắn là đã có tác động", Tan nói.
Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Cathy Tsai, cố vấn tại Infancix, một trung tâm chăm sóc sau sinh ở Đài Bắc, đảo Đài Loan (Trung Quốc), nói rằng trong vài tháng qua, khách hàng đã đặt phòng ngay khi họ mang thai được 7-8 tuần. Trong khi đó, trong hầu hết những năm trước, các bà mẹ thường đợi đến khoảng 12 tuần mới đặt chỗ.
Mak Ling-ling, một thầy bói nổi tiếng ở Hong Kong, kể mình cũng nhận được nhiều câu hỏi hơn về việc có con trong năm nay.
"Mọi người có chút gấp gáp cố sinh con rồng", bà Mak nói. "Hoàng đạo vẫn có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sinh của người Trung Quốc".
Nhưng theo một số chuyên gia, nền kinh tế có thể là yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh hơn là cung hoàng đạo.
Dựa trên các nghiên cứu ở Hong Kong, Poh Lin Tan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: "Nghiên cứu cho thấy việc sinh con dựa trên năm con giáp thường chỉ ảnh hưởng đến thời điểm thay vì số con của một gia đình. Do đó, nó có thể không giúp giải quyết được vấn đề tỷ lệ sinh thấp".
Theo Washington Post
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC