Mừng năm mới lạ ở Peru: Đánh nhau để cầu mong hòa bình

Mỗi khi năm mới đến, cư dân Peru sống ở dãy núi Andes sẽ tham gia Takanakuy - một phong tục đấu tay đôi nhằm cầu mong hòa bình.

1 Mung Nam Moi La O Peru Danh Nhau De Cau Mong Hoa Binh

Người dân cổ vũ cho 2 chiến binh nữ tham gia cuộc chiến chào mừng năm mới - Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Takanakuy là một truyền thống chào đón năm mới có từ thời Tây Ban Nha cai trị Peru (năm 1534-1820). Truyền thống này được giữ gìn qua nhiều thế kỷ và dần trở thành một phần không thể thiếu đối với người dân bản địa vào mỗi dịp năm mới.

Trước đây mục đích của Takanakuy là giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc xung đột lãnh thổ. Tuy nhiên bản chất của cuộc chiến đã thay đổi theo thời gian, người dân địa phương cho biết phong tục này nhằm cầu mong một năm kết thúc trong hòa bình.

Takanakuy diễn ra vào ngày 25-12 hằng năm tại các vùng Cusco, Apurimac, Huancavelica, Arequipa (Peru) và dãy Andes (Bolivia). Biến thể của sự kiện này gọi là Warmi Takanakuy - cuộc chiến tay đôi dành riêng cho phụ nữ.

2 Mung Nam Moi La O Peru Danh Nhau De Cau Mong Hoa Binh

Các chiến binh (thường đội xác chim hoặc sọ hươu trên đầu) và những người tham dự sự kiện ăn uống trước khi cuộc chiến bắt đầu - Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Người dân Peru sẽ đàn hát, nhảy múa và ăn uống xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội. Khi lễ hội sắp kết thúc, họ tập hợp ở sân thi đấu để xem màn đánh nhau quyết liệt.

Bất kỳ ai cũng có quyền tham gia Takanakuy, kể cả người nước ngoài. Cả người giành chiến thắng lẫn người thua cuộc đều nhận được sự tán dương từ khán giả - minh chứng cho lòng can đảm và khả năng chiến đấu của họ.

Ông Julio Boza (72 tuổi), một trong những người tổ chức sự kiện, cho biết đây là một nghi lễ chứ không phải một trận chiến đơn thuần. Vì vậy trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc cuộc chiến, cả hai đối thủ sẽ ôm nhau.

“Đây là một nghi lễ. Dù bắt đầu hay kết thúc cuộc chiến, đều phải có một cái ôm”, ông Boza khẳng định.

3 Mung Nam Moi La O Peru Danh Nhau De Cau Mong Hoa Binh

Một cặp đấu khác tại sự kiện - Ảnh: GETTY IMAGES

Trong lúc đánh nhau, họ tuyệt đối không được tấn công dồn dập người còn lại khi một trong hai ngã xuống đất.

Phong cách chiến đấu cũng có sự khác biệt nhất định: đàn ông chủ yếu sử dụng nắm đấm, trong khi phụ nữ dùng những cú đá uy lực.

Đối với người dân sống tại dãy Andes, Takanakuy là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.

Ông Omar Huachaca (30 tuổi) trả lời phỏng vấn với Hãng tin AFP: “Chúng tôi là đàn ông, vì thế chúng tôi muốn đánh giá sức mạnh của mình để biết bản thân đang ở đâu”.

“Dòng máu chảy trong huyết quản đã đưa chúng tôi đến đây, nó quan trọng hơn tất cả mọi thứ”, ông nói thêm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày