Thời tiết những ngày cuối mùa xuân lúc nóng lúc lạnh dễ làm cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Bởi vậy, chế độ ăn uống cần được chú trọng. Bí quyết giúp bạn có sức đề kháng khỏe mạnh là thường xuyên ăn "3 rau, 2 quả, 1 đậu".
"3 rau"
Rau cần tây
Cần tây được sử dụng là loại rau gia vị nhiều hơn là một loại rau thông thường. Chúng được kết hợp với các loại thủy hải sản để loại bỏ mùi tanh, với thịt để tăng mùi thơm. Cần tây giàu chất xơ, canxi, natri và các chất dinh dưỡng khác. Trong y học cổ truyền, rau cần tây có tác dụng ổn định cảm xúc, tiêu trừ cáu gắt.
Thịt bằm trứng - cần tây
Nguyên liệu cần thiết gồm thịt lợn bằm - 150g, trứng gà 2 quả, cần tây - vài nhánh, hành tím, muối, nước tương, bột nêm, tinh bột bắp (hoặc bột năng).
Cần tây mua về nhặt bỏ phần lá, rửa sạch và thái nhỏ. Cho thịt băm cùng nửa muỗng rượu nấu ăn, nửa muỗng nước tương, 1 muỗng tinh bột bắp hoặc bột năng vào. Trộn đều tất cả. Trứng gà đập ra bát, khuấy đều.
Làm nóng chảo, thêm dầu, cho trứng vào chiên đến khi hơi đặc lại thì đảo nhanh tay, khuấy rối đến khi chín một nửa. Tắt bếp, trút ra đĩa, để riêng. Cho hành tím vào chảo phi thơm, đổ thịt băm vào xào. Đảo nhanh tay đến khi chuyển màu. Cho cần tây vào xào khoảng 40 giây rồi nêm 1 muỗng nước tương. Đổ trứng vào đảo đều, nêm nếm cho vừa ăn.
Giá đỗ
Giá đỗ cũng là một trong những loại rau tốt lành cho việc bổ sung nguồn dinh dưỡng trong những ngày cuối xuân. Giá đỗ giàu vitamin B2, ngoài ra chúng cũng chứa nhiều phốt pho, kali. Ăn vào thời gian này giúp bổ gan, tốt cho sức khỏe.
Giá đỗ xào đậu phụ
Nguyên liệu cần thiết gồm giá đỗ - 200g, đậu phụ - 2 thanh, nước tương, dầu hào, hành lá, muối, tỏi băm.
Giá đỗ mua chọn loại không trắng quá, nhặt bỏ rễ già. Rửa sạch để ráo. Đậu phụ rửa sạch, để ráo. Cắt các miếng nhỏ vừa ăn. Đổ dầu nóng vào chảo, chiên vàng đậu phụ. Cho dầu vào chảo, phi thơm tỏi, cho giá đỗ vào, xào khoảng gần 1 phút thì trút đậu phụ chiên vàng vào. Nêm 1 muỗng nước tương, 1 muỗng dầu hào, 1/3 thìa rượu nấu ăn. Đảo đều và xào khoảng 30 giây nữa. Trước khi tắt bếp, thêm hành lá thái nhỏ vào là được.
Rau dền
Rau dền có nhiều loại như rau dền đỏ, dền trắng, được mệnh danh là "rau trường thọ", giàu giá trị dinh dưỡng mà lại dễ mua, dễ tìm. Rau dền chứa nhiều caroten, vitamin và khoáng chất. Chúng có hàm lượng canxi cao gấp 3 lần rau muống. Ăn rau dền vào mùa xuân có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Cơm trộn rau dền
Nguyên liệu gồm rau dền 1 mớ nhỏ, dầu hào, tỏi băm, muối, một bát cơm chín.
Rau dền đỏ chỉ lấy lá, rửa sạch với nước. Để ráo, thái nhỏ. Cho tỏi băm vào chảo phi thơm, thêm rau dền vào xào cho chín mềm rồi nêm 1 thìa dầu hào, nửa thìa muối. Trút cơm vào đảo đến khi các hạt cơm thấm hết màu hồng của lá rau dền.
Đổ cơm vào bát, nén chặt rồi úp ngược ra đĩa. Có thể trang trí thêm món ăn kèm như cà muối chua, dưa món,...
"2 quả"
Quả dứa
Dứa đang bắt đầu vào mùa, mọng nước, có thể giúp bổ sung nguồn vitamin C dồi dào cùng các nguyên tố vi lượng khác. Dứa giúp giảm viêm, hỗ trợ trắng da và tăng cường khả năng miễn dịch.
Gà xào dứa
Nguyên liệu gồm thịt gà - 200g, dứa nửa quả, gừng 1 nhánh, dầu hào, rượu nấu ăn, đường, nước tương và muối, có thể thêm lá gừng cho thơm.
Thịt gà rửa sạch, chặt miếng nhỏ. Ướp chút rượu nấu ăn và gừng băm nhỏ. Dứa gọt vỏ, cắt miếng nhỏ, ngâm nước muối loãng khoảng 20 phút. Cho dầu vào chảo đun nóng, thêm gừng băm vào phi thơm, cho thịt gà đã ướp vào xào đến khi săn lại. Thêm dứa, 1 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, nửa thìa đường. Đảo đều tất cả. Thêm chút nước và đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút. Trước khi tắt bếp, cho lá gừng thái nhỏ vào đảo khoảng 1 phút nữa là được.
Quả thanh trà
Quả thanh trà có vị chua ngọt, thịt mềm, có thể ăn phần thịt quả, chúng giàu dinh dưỡng, khoáng chất. Ăn loại quả này vào mùa xuân có thể giúp bổ phổi, giảm ho, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Thanh trà hầm bách hợp
Ngoài thanh trà, bạn có thể dùng quả sơn trà để thay thế. Loại quả này cũng có thể dùng để hầm với bách hợp (tỏi rừng).
Nguyên liệu cần thiết gồm thanh trà - 3 quả, bách hợp - 20g, đường phèn lượng thích hợp.
Rửa sạch thanh trà, gọt vỏ, cắt lấy phần thịt quả. Bách hợp (tỏi rừng) mang ngâm nước trước. Cho hai nguyên liệu này vào nồi, đổ lượng nước vừa đủ, cho ít đường phèn tùy theo sở thích ngọt ít hoặc ngọt nhiều. Đậy nắp nồi hầm khoảng 40 phút là dùng được.
"1 đậu"
Đậu đỏ (xích tiểu đậu)
Mặc dù đậu đỏ không được dùng nhiều như đậu đen hay đậu xanh nhưng chúng có vô vàn chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Theo Livestrong, đậu đỏ là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, protein thực vật và nhiều vitamin thiết yếu. Đậu đỏ có thể cải thiện sức khỏe, hỗ trợ giảm cân và giữ lượng đường trong máu ổn định, đồng thời giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Chè đậu đỏ hạt sen
Nguyên liệu gồm đậu đỏ (xích tiểu đậu) - 100g, bách hợp - 30g, hạt sen - 50g, địa mạch - 30g, đường phèn.
Đậu đỏ, đại mạch, hạt sen mang rửa sạch, ngâm nước trước khoảng 2 tiếng. Nếu hạt sen tươi thì không cần ngâm, có loại hạt sen khô cũng chỉ cần ngâm khoảng 20 phút là được. Cho đậu đỏ, đại mạch và hạt sen vào nồi, thêm nước và hầm trong 1 giờ ở lửa nhỏ. Sau đó, thêm bách hợp và đường phèn vào, nấu thêm 10 phút là được.
Chúc bạn thực hiện các món ngon bổ dưỡng thành công nha!
Theo Tổ quốc
© 2024 | Thời báo ĐỨC