Một trong những thành phố lớn nhất thế giới sắp cạn kiệt nguồn nước

Thành phố Mexico, một trong những đô thị rộng lớn nhất thế giới với dân số gần 22 triệu người, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng.

1 Mot Trong Nhung Thanh Pho Lon Nhat The Gioi Sap Can Kiet Nguon Nuoc

Người dân sống ở khu phố Azcapotzalco thuộc thành phố Mexico xếp hàng lấy nước vào ngày 26-1-2024 - Ảnh: REUTERS

90% thành phố không có nước

Người dân sống tại thành phố Mexico đã không có đủ nước để sinh hoạt trong nhiều tuần qua. Họ phải tìm đủ mọi cách để sinh tồn, một số gia đình thậm chí tái sử dụng nước tắm, rửa chén và vắt từ giẻ lau.

Tình trạng này là kết quả của một loạt vấn đề: đặc điểm địa lý, kế hoạch phát triển đô thị không phù hợp, cơ sở hạ tầng yếu kém và tác động của biến đổi khí hậu.

Thành phố Mexico được xây dựng trên một vùng đất giàu đất sét, hiện đang chìm dần xuống biển và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đây không phải là địa điểm lý tưởng để phát triển siêu đô thị.

Đầu thế kỷ 16, người Tây Ban Nha đặt chân đến nơi này và thực hiện chính sách “bài trừ” nước. Họ phá hủy toàn bộ thành phố cũ do người Aztec xây dựng, rút cạn nước trong lòng hồ, lấp kênh rạch và phá rừng.

Những vùng đất ngập nước và sông ngòi trước kia dần bị thay thế bằng những mảng bê tông, nhựa đường.

Quyết định nói trên ảnh hưởng sâu sắc đến thành phố Mexico hiện tại: mùa mưa nơi này tràn ngập trong lũ lụt, còn mùa khô nóng đến mức nứt gãy mặt đường.

Tệ hơn nữa là biến đổi khí hậu khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Lượng mưa trở nên thấp bất thường trong khi thời gian khô hạn ngày càng kéo dài.

2 Mot Trong Nhung Thanh Pho Lon Nhat The Gioi Sap Can Kiet Nguon Nuoc

Đập Villa Victoria nhìn từ trên cao, đây là một phần của hệ thống cấp nước Cutzamala ở Mexico - Ảnh: REUTERS

Người dân Mexico chỉ còn cách tìm đến mạch nước ngầm, nhưng việc khai thác quá mức khiến thành phố chìm xuống biển với tốc độ đáng báo động - 0,508m mỗi năm. Nước mưa cũng vì thế mà không thể ngấm vào lòng đất.

Hệ thống cấp nước Cutzamala vốn cung cấp khoảng 25% lượng nước cho thung lũng Mexico cũng chịu thiệt hại nặng nề. Hiện tại nó chỉ hoạt động khoảng 38% công suất, mức thấp nhất trong lịch sử.

Trong tháng 2-2024, 60% diện tích Mexico trải qua hạn hán từ mức trung bình đến đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó 90% thành phố Mexico hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, tình hình sẽ còn tệ hơn nữa vì mùa mưa còn lâu mới bắt đầu.

Tiệm cận “Day Zero”

3 Mot Trong Nhung Thanh Pho Lon Nhat The Gioi Sap Can Kiet Nguon Nuoc

Một người phụ nữ rửa chén sau khi nhận được nước miễn phí vào ngày 31-1-2024 - Ảnh: REUTERS

Ngày 12-4-2018, thành phố Cape Town (Nam Phi) cạn kiệt nước hoàn toàn. Tình trạng hạn hán kéo dài khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn,...

Truyền thông Nam Phi gọi cuộc khủng hoảng này là Day Zero (Day Zero nói tới thời điểm mà một sự kiện hoặc một nguồn tài nguyên cụ thể dự kiến sẽ cạn kiệt).

Đầu tháng 2-2024, truyền thông Mexico đưa tin Day Zero sẽ xảy ra tại quốc gia này sớm nhất vào ngày 26-6 nếu lượng mưa vẫn thấp như trước đây.

Đến ngày 14-2, Chính phủ Mexico mới chính thức lên tiếng và cam kết với người dân rằng họ sẽ không để Day Zero trở thành sự thật.

Trả lời phỏng vấn, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cho biết ông đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nước.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo lắng thành phố Mexico sẽ cạn kiệt nước trước khi mùa mưa đến nếu tình hình hiện tại tiếp diễn.

Bà Sosa Rodríguez, trưởng khoa kinh tế và môi trường tại Đại học Metropolitan Autonomous ở thành phố Mexico, cho biết bà đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Day Zero với chính quyền thành phố.

Vị chuyên gia còn đề xuất giải pháp khắc phục hệ thống dẫn nước bị rò rỉ và xử lý nước thải. Ngoài ra bà đang thực hiện một dự án khác kéo dài 3 năm với mục tiêu lắp đặt, cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Mexico, giúp nơi này trở nên xanh mát hơn.

Bà Rodríguez còn nói những khu vực lân cận đã vật lộn với hạn hán trong nhiều năm.

Bà Amanda Martínez, một người dân sống ở quận Tlalpan thuộc thành phố Mexico, chia sẻ với Đài CNN rằng bà phải trả đến 100 USD cho 1 thùng nước nhỏ. Từng có những thời điểm bà phải sống 2 tuần mà không có nước sinh hoạt.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày