Bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu não và xuất huyết não là tình huống không hiếm trong mắt các bác sĩ thần kinh và bệnh lý mạch máu não. Tuy nhiên, người bệnh đột quỵ ở độ tuổi 20-40 là câu chuyện khác.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các bệnh viện trên cả nước ghi nhận số ca nhập viện vì đột quỵ tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Một bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.
Điều đáng buồn là rất nhiều người đến viện muộn, tình trạng bệnh đã chuyển nặng. Các bác sĩ dù tích cực điều trị, nhiều người không qua khỏi. Người may mắn được cứu, nhưng cuộc sống về sau phải đi chung với tàn phế và nhiều di chứng.
Bệnh viện quá tải
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, khoa Đột quỵ não đã tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên. Ngày cao điểm nhất, đơn vị tiếp nhận tới 15 bệnh nhân (ngày mùng 4 tết), tăng 20-30% so với ngày thường.
Trong đó, 28 bệnh nhân bệnh nhân cần can thiệp nội mạch cấp cứu (16 ca nhồi máu não sớm can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, 12 ca xuất huyết dưới nhện can thiệp nút túi phình động mạch).
5 bệnh nhân cần phẫu thuật giải áp kết hợp đặt dẫn lưu não thất mở cấp cứu (xuất huyết não lớn hoặc xuất huyết dưới nhện có lụt máu não thất).
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khoa Đột quỵ não đã phối hợp cùng nhóm đột quỵ - mạch máu não tổ chức cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó đa số là cấp cứu tối khẩn cấp và bệnh nhân nặng chuyển tuyến từ các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực miền Bắc.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ não, Phó Viện trưởng Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số lượng bệnh nhân những dịp lễ tết đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển lên nhiều, tuy nhiên, chưa năm nào tăng đột biến như năm nay. Tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán.
Một thống kê đáng chú ý được PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), chia sẻ với Tri Thức - Znews là trong những ngày nghỉ Tết, đơn vị này tiếp nhận hơn 300 ca bệnh đột quỵ. Đây là con số không nhỏ.
Rõ ràng, so với ngày thường, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ trong dịp nghỉ lễ, tết cũng không giảm. Trong số đó, lượng bệnh nhân trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 15-20%.
Mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 20.000 ca đột quỵ, trung bình 60 ca/ngày. Tuy nhiên, số giường bệnh tại khoa Bệnh lý mạch máu não luôn duy trì 170 giường, không đủ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân
Nguyên nhân thầm lặng
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ não, Phó Viện trưởng Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ. Ở người trẻ, đa số dẫn đến đột quỵ là đang điều trị huyết áp, nhưng tự ý dừng thuốc.
Có người trong những ngày Tết, vì bận rộn hoặc ham vui nên không tuân thủ việc uống thuốc như ngày thường. Điều này là tăng nguy cơ đột quỵ ở người có bệnh huyết áp.
Ngoài ra, TS Tuyến cho rằng khí hậu thay đổi thất thường cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Hậu quả của đột quỵ rất nặng nề. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo mọi người, đặc biệt là người trẻ nên thực hiện lối sống lành mạnh. Những người có bệnh nền cần tuân thủ chế độ dùng thuốc, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Qua những trường hợp bị đột quỵ do xuất huyết não, nhất là ở bệnh nhân trẻ tuổi, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cảm thấy tiếc nuối và đau lòng.
Như trường hợp nữ bệnh nhân 23 tuổi, nhập viện bị xuất huyết não, hôn mê sâu. Các bác sĩ dồn lực cứu chữa nhưng tình trạng người bệnh quá nặng, tử vong sau đó. Nữ bệnh nhân này có tiền căn tăng huyết áp nhưng cả cô và gia đình đều không biết.
Bệnh lý huyết áp là một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não, nhưng người trẻ không phát hiện sớm, thậm chí không biết bản thân bị bệnh.
Theo PGS Thắng, bệnh cao huyết áp hầu hết không có triệu chứng trước khi gây ra hậu quả. Nhiều người trẻ chủ quan, không hề quan tâm đến tiền sử bệnh lý nên cũng không đi thăm khám định kỳ.
"Một khi bệnh đã vào giai đoạn nặng đến mức xuất huyết não, người bệnh có giữ được mạng sống, di chứng tàn phế cũng sẽ theo suốt cuộc đời", PGS Thắng nói.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người có dấu hiệu bị đột quỵ được nhận biết thông qua bộ quy tắc BE FAST, tiền thân là FAST.
BE FAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:
- B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
- S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ cho hay trong 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh.
Sau 6 giờ, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.
Theo Zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC