Loài cá lớn nhất hành tinh có thể nhìn rõ trong bóng tối

Cá nhám voi (cá mập voi) - loài cá lớn nhất hành tinh, có thể nhìn thấy rõ dù ở môi trường biển sâu tăm tối do một đột biến ở võng mạc của chúng.

1 Loai Ca Lon Nhat Hanh Tinh Co The Nhin Ro Trong Bong Toi

Cá nhám voi. Ảnh: science.org

Theo một nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, cá nhám voi (cá mập voi) - loài cá lớn nhất hành tinh, có thể nhìn thấy rõ dù ở môi trường biển sâu tăm tối do một đột biến ở võng mạc của chúng.

Đột biến này cũng là nguyên nhân dẫn đến quáng gà, hay còn gọi là chứng mù đêm, ở con người. Đây là một loại suy giảm thị lực nhiều người gặp phải vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng.

Nghiên cứu cho biết đột biến gene trong mắt cá mập voi kích hoạt các sắc tố thị giác cảm nhận ánh sáng xanh - màu duy nhất chiếu xuống biển sâu, dựa trên sự thay đổi nhiệt độ. Cá mập voi thường bơi gần mặt biển để ăn sinh vật phù du, nhưng chúng cũng lặn xuống vùng nước sâu ở độ sâu gần 2.000 m và phần lớn các đặc tính sinh học của chúng vẫn là bí ẩn đối với con người.

Để hiểu rõ hơn về cách các sinh vật có thể nhìn thấy ở cả vùng nước sáng trên bề mặt lẫn môi trường tối của biển sâu, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích rhodopsin - một loại protein trong võng mạc của mắt cho phép nhìn trong môi trường thiếu sáng. Họ phát hiện ra rằng protein rhodopsin - thường nhạy với ánh sáng xanh lục, đã đột biến ở cá mập voi để trở nên nhạy hơn với ánh sáng xanh lam. Sự thay đổi trong thành phần amino acid này giúp cá mập voi quan sát tốt hơn trong môi trường thiếu ánh sáng ở đáy biển, song thay đổi tương tự ở người lại dẫn đến chứng quáng gà.

Giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Shigehiro Kuraku - nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết tuy rhodopsin ở cá mập voi bị phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt, nhưng vẫn hoạt động hiệu quả trong vùng nước lạnh của biển sâu. Các sắc tố cảm nhận ánh sáng xanh của cá mập voi thích ứng theo nhiệt độ.

Nghiên cứu do các nhà khoa học của Viện Di truyền Quốc gia, Đại học Osaka Metropolitan, Quỹ Okinawa Churashima và Trung tâm nghiên cứu Động lực Hệ sinh học RIKEN thực hiện, được công bố trên tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia./.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày