Ngày 31/1/2019 sẽ đi vào lịch sử của thành phố Chicago của nước Mỹ như là ngày lạnh nhất của thành phố này, từ khi người ta bắt đầu thu thập những số liệu thời tiết, với nhiệt độ thấp nhất xuống đến âm 30 độ C.
Có đến 250 triệu người Mỹ rơi vào vùng thời tiết khắc nghiệt như ở Chicago, bao gồm các tiểu bang Bắc Dakota, Wisconsin, Michigan, Illinois, Minnesota.
90 triệu người Mỹ may mắn hơn, "được" rơi vào một khu vực "dễ chịu" hơn với nhiệt độ trung bình trong ngày là 0 độ C, bao gồm vùng Đông Bắc, với thành phố New York, và khu vực lệch xuống phía Nam một chút là vùng thủ đô Washington.
Một người Mỹ gốc Việt sống tại trung tâm thành phố Chicago, anh Tran H. cho biết rằng đã ba ngày nay tất cả mọi hoạt động như công xưởng, trường học, đều đóng cửa, và theo lời anh, nhiệt độ lạnh nhất là âm 30 độ C, nhưng khi có gió thì có khi sẽ là âm 50 độ C, lạnh hơn cả Bắc cực và đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn.
Cái lạnh cùng cực đặc biệt khó cho người Mỹ gốc Việt thích ứng, kể cả những người Việt đã qua Mỹ định cư trên vài chục năm.
Bà Thanh Mỹ, dân cư Michigan, ở vùng này đã hơn 20 năm tả: "Lần đầu tôi nghĩ mình mường tượng được cái cảm giác 'chết cóng' nó ra sao. Lạnh đến nỗi khi thay áo, dù phòng đóng kín cửa, tim vẫn đập loạn xạ làm tôi có cảm tưởng nó sắp vỡ tung ra. Nhưng đầu thì nóng như lúc lên cơn cao máu, rồi chóng mặt. Dễ sợ thật."
Người duy nhất bước ra đường ở thành phố Madison, Wisconsin
Đến sáng ngày 31/1 đã có ít nhất 10 người thiệt mạng trong vùng thời tiết "Bắc cực và Hy Mã Lạp Sơn" đó. Một người đàn ông bị chết trong garage với thân thể đông cứng tại tiểu bang Wisconsin... Và con số tử vong có lẽ tiếp tục tăng.
Anh Trần H. cho biết các trung tâm ấm áp (warm centers) được thành lập khắp nơi trong thành phố Chicago để người vô gia cư đến tránh rét. Tin cho biết trong đêm 30/1 một nhà hảo tâm bỏ tiền ra thuê 70 phòng khách sạn để cho người vô gia cư có thể đến tá túc.
Các kênh truyền hình liên tục đưa hình ảnh thành phố Chicago chìm trong lớp bụi tuyết, vừa đẹp vừa đáng sợ.
Người ta đã phải đốt lửa trên các đường rầy xe lửa để tàu hỏa có thể chạy được. Dưới con sông ngang thành phố Chicago, người ta thấy một chiếc tàu phá băng y như cảnh vùng Bắc cực.
Tại tiểu bang Indiana xa hơn về phía Nam, lính chữa lửa đã hết hồn khi những vòi nước họ dùng để dập tắt một đám cháy ngay lập tức phun ra những đám bụi tuyết mù mịt.
Tại Chicago đã xảy ra những vụ cướp…áo ấm, mà chiếc mắc nhất là cả ngàn đô la.
Các bản tin khí tượng dự báo rằng vùng Trung Tây của nước Mỹ, tức là các tiểu bang hiện đang hứng chịu không khí "Bắc cực và Hy Mã Lạp Sơn", sẽ còn chịu đựng nhiệt độ lạnh dưới 0 độ C cho đến cuối tuần này.
Khách bộ hành đi trong tuyết hôm 30/1 tại thành phố New York
Sao bảo trái đất đang nóng lên?
Trong một đợt lạnh giá kinh hoàng như vậy, không khỏi có nhiều người tự hỏi: Ủa sao lại nói là trái đất nóng dần lên?
Một trong những người đó là Tổng thống Donald Trump. Ông chụp lấy cơ hội này tweet ngay khi đợt không khí lạnh bắt đầu tràn xuống hồi đầu tuần, rằng thì là nóng đâu mà nóng, chẳng có chuyện khí hậu thay đổi đâu.
Tổng thống Trump từ trước đến giờ luôn nói rằng ông không tin rằng trái đất nóng dần lên như đa số các nhà khoa học đưa ra.
Trong một trận tuyết đổ hồi năm ngoái, một dân biểu liên bang của Đảng Cộng hòa cũng hốt một nắm tuyết đưa cho các đồng sự để chứng minh rằng chẳng có chuyện trái đất nóng gì cả.
Một giáo viên gốc Việt không muốn nêu tên nói với tác giả rằng những phát biểu như của Tổng thống Trump cũng thấy nơi các sinh viên năm thứ nhất, khi họ học về biến đổi khí hậu, mà buổi học đó lại rơi vào một ngày lạnh bất thường.
Đáp trả Tổng thống Trump, các nhà khoa học khí tượng lên tiếng bảo rằng Tổng thống không phân biệt được giữa thời tiết và khí hậu.
Thời tiết là những gì diễn ra trong một một thời điểm nào đó, ở đâu đó, còn khí hậu lại là dài hạn, và nhìn chung là nhiệt độ người ta đo được trung bình hàng năm rõ ràng là tăng lên.
Hơn nữa sự thay đổi khí hậu đó còn thể hiện ở chỗ lạnh thì lạnh lắm và nóng thì cũng nóng lắm. Và đợt lạnh "Bắc cực Hy Mã Lạp Sơn" mà Bắc Mỹ đang hứng chịu chính là cái lạnh cực đoan đó.
Hồ Lake Michigan tại Wisconsin hôm 30/1
Tổng thống Trump và ông dân biểu Cộng hòa đó không phải là những người duy nhất không tin vào biến đổi khí hậu.
Những người thuộc giới bảo thủ, nhiệt tâm tôn giáo cũng nói như thế, đối với họ thì mọi sự lạnh nóng trên đời này do bàn tay của Thượng đế cả.
Công bằng mà nhìn lại lịch sử trái đất thì có những giai đoạn nóng bức nhưng cũng có những giai đoạn lạnh giá mà người ta gọi là giai đoạn băng hà.
Vậy thì đúng là Thượng đế rồi, chứ còn con người có đốt than đốt dầu ầm ầm thì cũng làm sao mà thay đổi ý chí Thượng đế được! Phải vậy không?
Quả thực là có một quá trình mà các nhà khoa học cho rằng nó làm cho không khí trái đất nguội đi, thậm chí trở nên lạnh giá. Đó là hiệu ứng Albedo.
Theo hiệu ứng này thì khi các loại khí thải, bụi mù trở nên dày đặc, nó sẽ làm cản trở năng lượng mặt trời, và trái đất sẽ trở nên lạnh giá.
Giải thích một cách nôm na về chuyện biến đổi khí hậu là người ta đốt than đốt dầu nhiều quá tạo nên chất thán khí, khí này làm nên một lớp vỏ bọc giống như kiếng xe hơi, khi ta ngồi trong xe có kiếng xe kéo lên sẽ thấy nóng hơn bên ngoài. Trái đất hiện nay bị bọc bởi một lớp thán khí tương tự như kiếng xe hơi vậy.
Vậy thì cứ chờ hiệu ứng Albedo, thán khí dày đặc thì trái đất sẽ nguội lại, lo gì?
À nhưng mà nhiệt độ chỉ mới nóng lên vài độ thì nước biển đã dâng lên để có thể xóa sổ một vài đảo quốc, những trận bão trở nên dữ tợn hơn để xóa sổ cả một thành phố nhỏ tại Florida như những trận bão đổ vào tiểu bang này trong năm 2018.
Liệu cho đến khi hiệu ứng Albedo xảy ra thì loài người có còn không? Bao nhiêu trận bão dữ Florida, lạnh giá Bắc cực, và cháy rừng California xảy ra nữa?
Có thể là có bàn tay của Thượng đế trên những chặng đường dài hàng triệu năm, nhưng đời người chỉ vỏn vẹn có ba vạn sáu nghìn ngày, và những đợt lạnh "Bắc cực Hy Mã Lạp Sơn", bão Florida, cháy rừng California thì có thể đến ngày càng dày đặc hơn trong khoảng cách một thế hệ, 25 năm.
Mặt trời mọc ở Hồ Michigan, Chicago
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC